Quân giải phóng muốn tiến công giải phóng Huế cũng phải vượt qua Mỏ Tàu, địch muốn mở rộng kiểm soát vùng giáp ranh cũng phải chiếm giữ được Mỏ Tàu. Trước thời điểm tiểu đoàn tôi nhận nhiệm vụ tiến công cao điểm Mỏ Tàu vào khoảng cuối năm 1974, một số đơn vị bạn đã đánh chiếm và giữ Mỏ Tàu, sau bị địch lấy lại.

Vị trí giấu quân của tiểu đoàn tôi trong cánh rừng dưới cao điểm Gia Than. Điểm cao Gia Than là một đỉnh thấp cùng một dãy với cao điểm Mỏ Tàu. Muốn đánh chiếm Mỏ Tàu, vượt qua Gia Than là hướng tiến công thuận lợi nhất và thường là hướng chủ yếu. Vì vậy, trừ điểm chốt tiền tiêu trên Gia Than, suốt dọc triền núi, pháo địch băm nát từng gốc cây ngọn cỏ, chỉ còn trơ trọi hàng rào dây thép gai nhiều lớp quấn quanh chốt Gia Than. Đêm đầu tiên, tổ trinh sát của tiểu đoàn lọt vào sâu trận địa phòng ngự nhưng khi lui ra thì bị pháo địch bắn, trinh sát Tương là người cuối cùng còn nằm trong hàng rào nên hy sinh. Trước tình huống đó, chỉ huy tiểu đoàn lệnh cho tổ trinh sát quay lại, phải đưa được thi thể Tương và khẩu AK báng gấp ra khỏi trận địa địch. Mục đích là tránh bị lộ, sau là không để vũ khí rơi vào tay địch. Thời điểm ấy, tiểu đội trinh sát, liên lạc chỉ còn mình tôi ở nhà. Tôi nhận nhiệm vụ chui vào trận địa nhưng cuối cùng chỉ lấy được khẩu AK ra. Khi có những số liệu trinh sát, một lần nữa Trung đoàn phó Đuổi dẫn một tổ trinh sát, cán bộ đại đội tiếp cận mục tiêu để xác định quyết tâm chiến đấu. Nhưng không may, khi rút ra khỏi vị trí trinh sát, về gần đến vị trí trú quân thì bất ngờ một loạt pháo địch giội xuống đúng vào đội hình, anh Đuổi hy sinh. Cũng thời điểm ấy, Trung đoàn trưởng Trương Đình Thanh đang họp ở quân khu. Ít ngày sau, anh Nguyễn Khắc Dương vừa đi bổ túc ở Học viện Quân sự vào được bổ nhiệm trung đoàn phó thay anh Đuổi. Cả anh Trương Đình Thanh và anh Nguyễn Khắc Dương sau này đều là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4.

Một buổi chiều vừa nhá nhem tối, tôi đưa công văn lên Mỏ Tàu vừa về đến hầm trú quân của tiểu đội thì pháo địch giội xuống. Chắc là pháo bắn tọa độ, nhưng không may Sơn hy sinh. Sơn quê ở Đại Từ, Thái Nguyên, tôi vừa về cửa hầm thì Nguyễn Toàn Thắng và Trần Cường kéo đi mai táng Sơn. Chúng tôi phải đưa Sơn ra một vị trí cách xa khu vực trú quân, nhưng cùng khu vực cao điểm Mỏ Tàu. Trước khi liệm Sơn vào chiếc tăng, Cường kiểm tra lại các túi áo và thấy một tấm ảnh. Tấm ảnh đen trắng chụp chân dung một cô thôn nữ, chúng tôi đoán là vợ Sơn. Sau ảnh đề một dòng chữ phụ nữ viết rất nắn nót: “Mặt trời chỉ mọc hướng Đông/ Còn em chỉ mọc trong lòng anh thôi!”. Đọc câu thơ mộc mạc, chân thành ấy, chúng tôi đứa nào cũng cay khóe mắt. Thấy vậy, Thắng bảo Cường bỏ lại vào túi cho Sơn, “cho nó không bao giờ phải xa vợ”. Ba đứa chúng tôi đắp vội ngôi mộ cho Sơn xong thì trời tối hẳn. Khi về đến hầm tiểu đội thì pháo địch lại bắn tọa độ xuống, có quả rơi ngay chỗ Sơn vừa nằm…

Đêm ấy, chúng tôi trong căn hầm chữ A, đứa thì nằm, đứa thì ngồi, đứa thì chạy công văn, mệnh lệnh. Lạ thật, càng căng thẳng, càng ác liệt, tôi lại càng thích làm thơ. Hình như làm thơ là một cách để tôi quên đi cái chết đang cận kề. Đêm ấy, đêm 20-11-1974, tôi cũng làm một bài thơ tặng đồng đội đang chốt trên điểm cao Mỏ Tàu. Tên của bài thơ là “Chốt thép”, có đoạn viết:

… Ai biết nơi đây có những con người

Tay súng thép trả lời thù bằng thép

Mấy lần bom dập vùi trong cát

Vùng đứng lên bật máu trên môi

Mảnh đạn găm mấy cái răng rơi

Môi lạo xạo đầy đất và máu

Tim còn đập còn người còn chiến đấu

Trên điểm cao ta hợp lửa diệt thù…

Chỉ ít ngày sau cái đêm ấy, tôi đi điểm chốt với Tiểu đoàn phó Tăng Văn Phả về thì một loạt bom giội xuống. Tôi bị hất xuống suối, hai tai máu chảy đầm đìa, điếc đặc, ngực như bị một tảng đá dập xuống. Tôi phải nhập trạm xá trung đoàn. Trạm xá trung đoàn cách tiểu đoàn bộ không xa nhưng lọt thỏm trong một cánh rừng yên tĩnh. Những ngày nằm trạm xá chỉ nghe tình hình chiến sự qua mấy cái đài của các anh thương binh. Chúng tôi hình dung ra cuộc kháng chiến gần đến ngày kết thúc. Tôi mơ một ngày về đồng bằng, mơ về bố mẹ, mơ về làng Quỳnh yêu dấu của tôi...

HỒ ANH THẮNG