Hiểu rõ mong muốn của Bác được “một lần vào thăm đồng bào” cùng quyết tâm chiến đấu vụt qua trong trí óc khiến ông đứng bật dậy...
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị luôn nhấn mạnh, sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến quân đội. Người luôn dành nhiều công sức chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội.
Chính vì có sự nhìn xa của Bác mà một thế hệ thanh niên, trong đó có ông được cử sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Năm 1964 trở về nước, phi công Phạm Thanh Ngân được điều về Trung đoàn Không quân 921, Quân chủng Phòng không-Không quân. Không quân là lực lượng mới, lại đặc biệt nên được Bác Hồ “ưu ái” hơn, Người thường quan tâm hỏi thăm, thậm chí cho gọi lên gặp trực tiếp để hỏi chuyện. Do đó, phi công Phạm Thanh Ngân có vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Trong đó, ông ghi nhớ mãi cuộc gặp Bác tại Phủ Chủ tịch, ngày 20-7-1968.
    |
 |
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân nhớ lại những kỷ niệm về Bác. Ảnh: KHÁNH AN. |
Đó là một buổi sáng mùa hè trời trong xanh, mát dịu. Bác cho gọi một số đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua tiêu biểu ở hai miền Nam-Bắc vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Hồi hộp xen lẫn tự hào, Phạm Thanh Ngân cùng các đại biểu ngập ngừng bước chân vào Vườn hoa Ba Đình. Bác tươi cười bước ra, vẫy tay chào trong tiếng vỗ tay không ngớt của mọi người. Đi bên cạnh là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông Vũ Kỳ-người thư ký thân cận của Người.
Mọi người quây quần bên Bác. Người ân cần hỏi thăm sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, những khó khăn trong sinh hoạt và chiến đấu của các em thiếu nhi, các chiến sĩ gái miền Nam. Rồi Người hỏi đến chiến sĩ không quân. Thủ tướng Phạm Văn Đồng giới thiệu: “Cháu Ngân kể chuyện về không quân cho Bác nghe đi!”. Phạm Thanh Ngân ngập ngừng đứng lên, chưa kịp nói thì Bác đã hỏi: “Cháu có mấy con rồi?”. Anh ngượng ngập chưa biết trả lời ra sao thì Người đã nói ngay: “8 con rồi phải không?”. Anh hiểu ra, bẽn lẽn báo cáo với Bác về thành tích 8 lần diệt máy bay địch của mình. Bác khen ngợi và mong anh cố gắng để lập thành tích nhiều hơn nữa.
Phong thái gần gũi, bình dị cùng sự quan tâm của Bác khiến phi công Phạm Thanh Ngân không còn cảm giác hồi hộp ban đầu. Ông lắng nghe từng lời chỉ dạy của Người, càng xúc động hơn khi nghe Người hỏi thăm các chiến sĩ miền Nam đã vượt mọi khó khăn, anh dũng chiến đấu. Hiểu rõ mong muốn của Bác được “một lần vào thăm đồng bào” cùng quyết tâm chiến đấu vụt qua trong trí óc khiến ông đứng bật dậy: “Thưa Bác, bộ đội không quân có một ước mong lớn là nhanh chóng giải phóng miền Nam. Lúc đó, chúng cháu sẽ đưa Bác vào thăm đồng bào trong đó ạ!”. Không khí buổi gặp mặt lặng đi một lúc, Bác xúc động: “Nhưng phải đánh thắng đã nhé!”...
Cuộc gặp Bác hôm đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong phi công Phạm Thanh Ngân khiến ông càng có thêm động lực chiến đấu, chiến thắng quân thù. Một năm sau đó, ông vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Ngày 2-9-1969, Bác mất. Buổi sáng hôm diễn ra lễ truy điệu Người, theo kế hoạch, Phạm Thanh Ngân thực hiện nhiệm vụ bay trinh sát thời tiết trên toàn hành trình đường bay của đội hình để đồng đội sau đó cất cánh bay chào tiễn biệt Bác. “Nhận định thời tiết hoàn toàn có thể bảo đảm cho đội bay cất cánh, tôi đã quay về sân bay Nội Bài để báo cáo chỉ huy hạ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao”-Thượng tướng Phạm Thanh Ngân tự hào kể. Không nằm ngoài dự đoán của ông, đội bay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong không khí đau thương và xúc động, sau khi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam vừa kết thúc bài Điếu văn, cùng 21 loạt đại bác vang lên là từng biên đội máy bay bay qua quảng trường, nghiêng cánh vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân bảo rằng, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông không thể thực hiện được ước mơ đưa Bác vào thăm miền Nam như lời hứa với Bác, nhưng trong mỗi hành động, việc làm, ông đều phấn đấu theo những lời căn dặn của Người. Dù trên cương vị nào, lúc là chỉ huy cao nhất của Quân chủng Không quân hay khi giữ trọng trách là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông cũng luôn chú ý đến việc “rèn quân”. “Quân đội cần phát huy truyền thống, nghiêm túc chấp hành mọi kỷ luật bởi “kỷ luật là sức mạnh của quân đội” và không ngừng rèn luyện ý chí, quyết tâm để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống”-Thượng tướng Phạm Thanh Ngân nói.
THU THỦY