QĐND - Đầu Xuân 1952, tôi là một tân binh 16 tuổi ở Đại đội phòng không-trợ chiến 675 (thuộc Đại đoàn 316). Đang đóng quân dưới chân dãy núi đá Phỏng (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), chúng tôi được nghe phổ biến mệnh lệnh toàn đại đội lên rừng cách đó hơn 10km để khai thác nứa về làm lán ở, chuẩn bị bước vào “chỉnh huấn chính trị”.

Chiến sĩ Nguyễn Xuân Mai (ảnh chụp ngay sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ). Ảnh do nhân vật cung cấp

Nứa được khuân về, dựng thành những chiếc lán nhỏ và dài, mỗi chiếc đủ nằm một tiểu đội. Lán ở dựng xong, mỗi trung đội phải đan một tấm liếp to, có cột trồng giữa sân, được gọi là "báo liếp". Mọi cán bộ, chiến sĩ đều hưởng ứng viết bài, dán lên "báo liếp" của trung đội. Tiểu đội trưởng Đồng Quốc Huệ giục tôi viết bài, nhưng tôi chưa dám viết, tôi chăm chú đọc những bài đồng đội đã dán trên liếp để học tập.  Đó là những bài văn vần xác định mọi người phải an tâm, tập trung tư tưởng bước vào chỉnh huấn. Một số bài có ý khuyên tân binh không nên nhớ nhà, hãy gạt bỏ mọi ưu tư, chớ ngại chỉnh huấn. Có bài nhắc đêm ngủ phải mắc màn, phải giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh... Sau đó, tôi mạnh dạn viết bài văn xuôi: "Tôi đã biết "chỉnh huấn" là gì?" và bài “Xuôi dòng Tân Long” dán trên "báo liếp" của trung đội. Thực ra đó là phần tập hợp những lời giảng giải của Tiểu đội trưởng Đồng Quốc Huệ, gắn với suy nghĩ của mình; rồi cảnh đại đội lên rừng khai thác nứa... Nhiều anh em đùa vui, gọi tôi là "nhà báo" của đại đội. Hai ngày sau, tôi được điều lên làm chiến sĩ liên lạc, được bầu là ủy viên phụ trách "báo liếp" trong đơn vị. Ngoài nhiệm vụ liên lạc, tôi phải chọn những bài cho là hay trên "báo liếp" các trung đội, tổ chức đọc cho toàn đại đội nghe. Tôi trở thành tổ trưởng tổ "báo liếp" của đại đội. Dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Chính trị viên đại đội, tổ "báo liếp" Đại đội 675 chúng tôi sinh hoạt rất đều.

Đầu tháng 11-1953, chúng tôi hành quân từ Thanh Hóa lên Tây Bắc, cùng các đơn vị trong Đại đoàn 316 giải phóng Lai Châu. Cuối tháng 1-1954, khi được điều sang làm chiến sĩ liên lạc của Đại đội 677 và phụ trách "báo chuyền tay" của đại đội, Mặt trận Điện Biên Phủ có lệnh chuẩn bị theo phương châm "Đánh chắc, tiến chắc". Đại đội  bố trí trên đồi Tà Lèng, cách cứ điểm A1 của địch khoảng 2000m theo đường chim bay. Nhận thấy cuộc chiến đấu có thể còn kéo dài, toàn Tiểu đoàn 536 phát động đợt thi đua "Củng cố trận địa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội". Tổ "báo chuyền tay" chúng tôi được chỉ đạo thành lập "báo hầm", rồi phát triển thành tờ "đặc san" của đại đội. Chúng tôi đào một khoang hầm rộng gần 20m2 ở sườn đồi về phía quân ta làm "hầm câu lạc bộ". Căn hầm sâu hơn 2m, có mái che và ngụy trang, đủ ánh sáng, có 2 đường hào nhánh ra đường hào trục. Một vách hầm được mài nhẵn, dán giấy làm nền cho "báo hầm". Trước khi đi chiến dịch, tổ báo chúng tôi được đại đội "trang bị" 20 tập giấy trắng học sinh không có dòng kẻ. Tôi là tổ trưởng, lại là "lính văn phòng", phải giữ trong đáy ba lô 10 tập, còn lại chia cho các tổ viên ở các trung đội. Riêng tôi còn có một thỏi mực nho, một bút lông, một hộp 7 tuýp màu để vẽ trang trí các bài báo; một thỏi phẩm tím và một thỏi phẩm xanh để pha mực viết. Hầm ánh sáng yếu, dán "báo hầm" màu trắng rất hợp. Chúng tôi đặt tên “báo hầm” của đại đội là "Quyết Thắng", được cắt chữ bằng giấy đỏ. Anh Lê Quang Tôn, Chính trị viên phó đại đội vẽ truyền thần rất giỏi. Anh đã vẽ tấm chân dung Bác Hồ rất đẹp bằng màu nước, đóng khung tre treo trên chữ "Quyết Thắng" của "báo hầm".

Chính trị viên Phạm Kỳ chỉ đạo nội dung ưu tiên số một cho "báo hầm" là chuyện chiến đấu của đại đội, những tấm gương thi đua lập công, nhưng vẫn có thể đưa những tin và câu chuyện nổi bật về các đơn vị bạn trong chiến dịch. Lúc này, Báo Quân đội nhân dân đã xuất bản tại mặt trận. Tôi là chiến sĩ liên lạc, sáng nào cũng phải mang báo cáo của đại đội lên tiểu đoàn nên tôi gần như thường xuyên được tiếp xúc với Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại Điện Biên Phủ. Tôi tranh thủ chép những thông tin hay, ngắn về thành tích chiến đấu, những gương chiến đấu dũng cảm của đơn vị bạn về bổ sung cho "báo hầm" của nhà thêm phong phú. Cũng có tin, bài chúng tôi chép lại, nhưng rút gọn từ Báo Quân đội nhân dân. Chúng tôi còn đưa lên “báo hầm” khá nhiều bài thơ, ca dao do cán bộ, chiến sĩ các trung đội viết.

Một hôm, tôi lên tiểu đoàn chép được bài tùy bút “Đêm nay Bác không ngủ” của tác giả Phú Bằng và Trần Cư, đăng trên Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận. Tôi nhớ trong bài có đoạn: “... Ngọn chì đỏ của Bác gõ khẽ xuống tấm bản đồ như cùng nhịp với những nhát xẻng chắc nịch của chúng ta đang hì hục khoét sâu thêm công sự tác chiến, dưới ánh chớp hốt hoảng của đại bác địch. Rồi từ trong đoàn chiến sĩ lớp lớp lao vào đồn giặc, nổi bật lên hình ảnh dũng cảm của những người con ưu tú nhất đã đem tuổi trẻ tuơi đẹp của mình cống hiến cho giai cấp, cho Tổ quốc... Đôi mắt người cha bỗng ứa ra hai dòng nước mắt, từ từ chảy trên gò má rồi rơi xuống tấm bản đồ, xóa nhòe mấy chấm đồn giặc”. Chính trị viên Phạm Kỳ thích quá, bảo tôi chép cho mỗi trung đội một bản, tổ chức đọc và cho anh em học thuộc lòng... Bài báo được cả đại đội hoan nghênh. Nhiều đồng chí tuy đã học thuộc lòng nhưng vẫn chép vào sổ tay lưu niệm. Từ kinh nghiệm bài "Đêm nay Bác không ngủ", chính trị viên Phạm Kỳ bảo tôi thấy Báo Quân đội nhân dân có bài gì hay, có tác dụng động viên bộ đội, cứ chép về phổ cập cho anh em, nhất là trong hoàn cảnh số lượng báo phát hành có hạn, ta phải tìm cách phổ biến báo càng rộng càng tốt, rồi báo viết có ít, ta biến thành “báo nói” để nhiều người cùng nghe...

Đại tá NGUYỄN XUÂN MAI (*)

(*) Nguyên chiến sĩ Đại đội 677, Tiểu đoàn 536, Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.