Hồng An là mảnh đất màu mỡ được bồi tụ phù sa sông Hồng. Thời Lý-Trần, Hồng An còn được gọi là Đìa (Ngự Thiên), thuộc phủ Long Hưng. Từ trên cao nhìn xuống, bờ đê Đìa như cánh tay rắn chắc, bao bọc và ôm trọn quê hương Hồng An giữa màu xanh ngăn ngắt của vườn cây trái. Trên đê, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hồng An đã xây dựng tấm bia kỷ niệm nơi Bác Hồ thị sát đê vỡ vào năm 1946. Ông Đường Khắc Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng An cho biết:
- Tháng 8-1945, đê Đìa (Hồng An) bị vỡ một đoạn dài hơn 800m khiến phía bắc tỉnh Thái Bình và một số huyện của hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam chìm trong biển nước. Nhà cửa, đường sá, cầu cống, các công trình thủy lợi đều bị hư hỏng. Trâu bò, lợn gà, ao cá của nhân dân bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Đời sống nhân dân rơi vào tình cảnh khó khăn, nguy cơ nạn đói lại tiếp diễn. Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh các cấp tỉnh Thái Bình vận động toàn dân tham gia chống giặc đói theo 3 biện pháp lớn: Tổ chức cứu tế, tiếp tế; bảo vệ đê điều, chống nạn lụt; vận động tăng gia sản xuất tiết kiệm. Chính quyền cách mạng đã cử cán bộ xuống tận địa phương, phối hợp tổ chức ngay việc cứu tế, tiếp tế cho hàng nghìn người chạy lụt, kéo lên đê đang sống cảnh "màn trời chiếu đất".
Thượng tuần tháng 9-1945, khi nước bắt đầu rút, toàn tỉnh nhanh chóng tiến hành khẩn trương, dồn sức vào việc huy động nhân dân đắp đê, hàn khẩu đê Đìa. Chiều 10-1-1946, trong chuyến thăm vùng hạ lưu sông Hồng bị vỡ đê, Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ về thăm đê Đìa. Bác lên đê Đìa, nhìn các làng mạc bị nước tàn phá, Người trầm tư và nói: Dân ta đói vì vỡ đê nên phải giải quyết nạn đói cho dân. Cần đắp nhanh những quãng đê bị vỡ, tạo điều kiện cho dân sản xuất, không được để dân đói, dân đói là Chính phủ có lỗi. Bác dặn tiếp: Muốn làm tốt phải dựa vào dân, dựa vào dân là có gạo, có tre... Cán bộ phải gương mẫu làm tốt… toàn dân đoàn kết thì việc lớn mấy cũng làm được. Hoàn thành đắp đê, Bác sẽ về thăm.
    |
 |
Đền thờ Bác Hồ ở xã Hồng An (Hưng Hà, Thái Bình). (Ảnh: LÊ VĂN) |
Ông Trần Văn Thưởng, nguyên Phó bí thư Huyện ủy Hưng Hà cho biết: "Quán triệt lời Bác dạy, nhân dân Hồng An quyết tâm hàn đê để đón Bác về. Thời gian ấy, có nhiều ngày mưa rét kéo dài, quần áo không đủ ấm, nhưng mọi người đều vui vẻ, cố gắng. Nhiều gia đình tự nguyện ủng hộ cả bờ tre, những gia đình không có tre thì chặt xoan ủng hộ".
Cùng với nhân dân xã Hồng An, nhân dân toàn huyện Hưng Hà, các huyện trong tỉnh và cả tỉnh bạn như Hưng Yên, Hà Nam đã ủng hộ hàng chục thuyền đá, gỗ, đất và tre sang công trường hàn khẩu đê. Người người thi đua, nhà nhà thi đua với khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”, “Không để một tấc đất hoang”... tích cực vừa hàn đê vừa trồng cấy màu, phục hồi sản xuất. Đến đầu tháng 4-1946, một con đê quai dài 1.800m, bao lấy toàn bộ phía trong đoạn đê Đìa bị vỡ trước đây đã hình thành. Chân đê rộng 40m, mặt đê rộng 7m, cao 8m, đứng sừng sững như một bức tường thành, đủ sức ngăn dòng nước lũ. Cuối tháng 4, tin Bác Hồ sẽ về thăm đê Đìa làm nức lòng người dân.
Bà Trần Thị Tăng, ở thôn Quyết Tiến, xã Hồng An, người vinh dự được mời nước Bác Hồ lần ấy kể lại:
- Tại công trường đắp đê vừa hoàn thành, Bác xuất hiện trước nhân dân như ông bụt hiền từ bước ra từ câu chuyện cổ tích. Sự ân cần, gần gũi của Bác làm ấm lòng nhân dân Hồng An. Tôi cứ đứng ngắm Bác mà lặng đi trong niềm hạnh phúc. Sau khi chào hỏi đồng bào, Bác căn dặn: Hằng năm, đồng bào cần phải tiếp tục củng cố cho đê vững chắc. Các cụ già có kinh nghiệm nên chỉ dẫn cho thanh niên biết cách hộ đê. Đắp đê phải đồng thời với việc đẩy mạnh sản xuất. Trước mắt phải làm 3 việc lớn: Chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Cán bộ, nhân dân rưng rưng xúc động nghe những lời chân tình, ấm áp của Bác. Trong lòng mọi người đều tự hứa phải cố gắng hơn nữa trong lao động sản xuất theo lời Bác dặn. Tiếng cười, tiếng hát từ ấy ngày ngày vang lên trên cánh đồng Hồng An. Đến tháng 6-1946, khi lúa chiêm và hoa màu được thu hoạch, năng suất đều tăng gấp bội. Lương thực, thực phẩm dồi dào, đời sống của nhân dân không những no đủ mà còn được nâng cao, quần chúng càng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng.
Khí thế ngày ấy luôn được chính quyền và nhân dân Hồng An giữ gìn và phát huy. Hiện nay, Hồng An là một trong những xã phát triển ổn định của huyện. Chỉ tính riêng năm 2019, giá trị sản xuất của xã ước đạt 437,291 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, đó là những thông tin mà ông Đường Khắc Thủy tự hào cho chúng tôi biết.
LÊ VĂN HỌC