Một đời cách mạng, một đời văn
Xuất thân trong một gia đình trung lưu có truyền thống nho học nên ngay từ khi còn rất nhỏ, cha tôi đã được ông nội tôi là cụ Tú Lê Dạ Châu dạy chữ nho và chữ quốc ngữ, bước đầu tiếp xúc với văn học cổ điển Trung Hoa và ca dao, tục ngữ. Ngay cách đặt bút danh rất sớm cho con cũng nói lên nhiều điều: Nam-Mộc là chữ đầu và chữ cuối của câu thơ rút trong “Kinh thi” mà hai chữ giữa là tên thật của cha: Nam Hữu Kiều Mộc. Điều đó biểu lộ sở nguyện của ông nội tôi muốn cha tôi dấn thân vào con đường văn chương chữ nghĩa...
Vì là con nhà nho, cha tôi được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi đỗ tú tài năm 1933, ông bắt đầu cuộc đời nhà giáo, dạy văn học Việt Nam và văn học Pháp tại một số trường tư thục ở Thuận Hóa, Thanh Hóa, Hà Nội và Sài Gòn, được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Từ năm 1935, ông làm phóng viên cho các báo của Đảng như: Tin tức, Thế giới, Dân, Bạn dân, Dân tiến, Dân muốn. Đầu năm 1943, ông hoạt động bí mật ở Nam Kỳ.
    |
 |
Giáo sư Lê Hữu Kiều cùng vợ và các con. |
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cha tôi liên tục làm công tác báo chí và xuất bản. Từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1947, ông làm Thư ký tòa soạn Báo Sự thật kiêm Chủ nhiệm Nhà xuất bản Sự thật. Thời gian này, với bút danh Sơn Tùng, ông viết cuốn sách “Loài người trước chủ nghĩa tư bản” (năm 1946) và cùng với Cương Trực dịch văn kiện Chương trình và Điều lệ Quốc tế Cộng sản từ tiếng Pháp. Từ cuối năm 1947 đến cuối năm 1950, ông lần lượt làm Chủ nhiệm Báo Cứu quốc Liên khu 2, Cứu quốc Liên khu 3 và Cứu quốc Thủ đô. Từ năm 1951 đến 1958, cha tôi trở lại Nhà xuất bản Sự thật, làm Trưởng phòng Biên tập sách. Thời gian này, ông viết hàng loạt cuốn sách lý luận chính trị phổ thông được xuất bản như: “Kể chuyện Liên Xô vĩ đại” (năm 1952), “Hồ Chủ tịch của chúng ta” (năm 1954); “Các giai cấp và đấu tranh giai cấp trong xã hội Việt Nam” (năm 1956); “Đẩy mạnh cách mạng văn hóa, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội” (năm 1958)...
Năm 1959, cha tôi chuyển sang viết văn học với chức danh Trưởng ban Lý luận-Phê bình văn học, Ủy viên thường trực Ban Biên tập Tập san Nghiên cứu văn học (1959-1962) rồi Tạp chí Văn học. Sau đó, ông là Trưởng phòng Thông tin ngữ văn, Thư ký tòa soạn Tập san Thông tin Khoa học xã hội, tiền thân của Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội,
Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Thông tin Khoa học xã hội...
Với Đảng, trọn niềm tin yêu
Trải qua nhiều cương vị công tác ở các cơ quan nhà nước, năm 1979, ở tuổi 64, cha tôi nghỉ hưu. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến thời cuộc, thường xuyên theo dõi tình hình đất nước. Đặc biệt, vào “đêm trước” đổi mới (tháng 8-1986), ông thường thức khuya nghiên cứu tài liệu và viết bản đóng góp ý kiến (32 trang đánh máy) vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội VI của Đảng. Trong bản góp ý, ông đã kiến nghị, đề xuất với Đảng nhiều điều tâm huyết. Ông còn dành thì giờ và tâm sức hợp tác với Tỉnh ủy Thanh Hóa nghiên cứu lịch sử Đảng, góp phần xây dựng quê hương. Cha tôi mất tại Hà Nội ngày 23-5-1989, hưởng thọ 74 tuổi. Trong điếu văn tại lễ truy điệu ngày 25-5-1989 do Giáo sư Phạm Xuân Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam đọc, có đoạn: “Là một người trí thức, đồng chí đã dùng ngòi bút của mình để phục vụ sự nghiệp của Đảng, của dân. Đồng chí mất đi nhưng tên tuổi Sơn Tùng, Nam Mộc, Nam Chi... vẫn mãi mãi còn ghi đậm trong tâm trí bạn đọc và trong đời sống văn hóa-khoa học của đất nước”.
    |
 |
Trang thư Giáo sư Lê Hữu Kiều gửi con trai (tác giả bài viết). Ảnh do tác giả cung cấp |
Giữa tháng 3-2019, đúng vào dịp tôi tròn 45 năm tuổi Đảng, gia đình chúng tôi có thêm niềm vui là nhận được món quà ý nghĩa từ TP Hồ Chí Minh. Đó là cuốn sách “Những chiến sĩ cộng sản hào kiệt, kiên trung lưu danh cùng Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh anh hùng” được Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh biên soạn và do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành. Trong cuốn sách, cùng với thân thế và sự nghiệp của nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu khác, tiểu sử và những đóng góp cụ thể của cha tôi được giới thiệu trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (năm 1945). Hiện nay, ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng; quận 2, TP Hồ Chí Minh và 3 thành phố khác trong cả nước có đường phố mang tên ông.
Trong những kỷ vật mà tôi còn lưu giữ được từ những năm ở chiến trường thời chống Mỹ, cứu nước có một bức thư đã ngả màu của cha tôi đề ngày 4-9-1975 gửi cho tôi đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Nam Lào, còn ông lúc đó đang công tác tại Viện Thông tin Khoa học xã hội. Mở đầu thư, ông viết: “Như vậy là con đã được tròn 5 tuổi quân (tôi nhập ngũ tháng 8-1970), thời gian đủ để cho một sinh viên làm luận án thi tốt nghiệp đại học. Nhưng ở cái trường học gọi là mặt trận chiến đấu, bố coi con đã tốt nghiệp từ năm ngoái khi được kết nạp vào đội ngũ của Đảng quang vinh. Lâu nay bố ít viết thư cho con, vì bố coi con như là đã trưởng thành, ít cần những lời động viên của gia đình hơn”. Sau khi thông tin về tình hình hậu phương, tình hình công tác, học tập và sức khỏe của những người thân trong gia đình, ông kể: “Tết Độc lập năm nay ở Hà Nội vui và đông lắm... Nước nhà đã hoàn toàn độc lập và thống nhất. Cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhật lệnh của Đại tướng ngày 2-9 vừa qua cùng kêu gọi bộ đội tham gia xây dựng kinh tế. Hàng chục triệu thanh niên sẽ là đội quân đông đảo tiến quân vào khoa học kỹ thuật, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”. Rồi ông căn dặn: “Lứa tuổi các con sẽ là cốt cán đầu đàn xây dựng chủ nghĩa xã hội những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Đó là một hạnh phúc, một vinh dự và một nghĩa vụ. Tất nhiên phải có sức khỏe và có khoa học. Con và các bạn con phải rất cố gắng về hai mặt đó. Tất nhiên cũng cần có phẩm chất đạo đức và chính trị nữa, xứng đáng là công dân thế kỷ 21”...
Cha tôi đi xa đã hơn 30 năm, nhưng giờ đây khi đọc lại những dòng thư ông viết và gửi cho tôi ngay sau ngày Tết Độc lập năm 1975 cùng những trang sách, bài báo ông viết cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi không khỏi bồi hồi xúc động và càng thấm thía về tấm lòng của cha tôi đối với Đảng và rộng lớn hơn là niềm tin tưởng sâu sắc ở tương lai tươi sáng của dân tộc từ thế hệ đi trước được trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.
LÊ AN KHÁNH