Sau chiến dịch mùa khô năm 1969 tại Mặt trận 44 Quảng Đà (Đại Lộc, Quảng Nam), ông Tộ cùng đơn vị rút về hậu cứ. Lúc này, ông Tộ là trợ lý quân lực Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 38. Do chiến đấu nơi “rừng thiêng nước độc” nên ông bị sốt rét ác tính và hôn mê. Gần hai ngày sau, ông được chuyển tới điều trị tại Đại đội Quân y 18. Ông Tộ kể: “Lúc bấy giờ, người bị sốt rét ác tính nếu hôn mê quá 48 tiếng thì khó có thể cứu chữa. Trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, sau khi bàn bạc thống nhất với đồng nghiệp, bác sĩ Tuệ quyết định tiêm thuốc Quinin theo đường tĩnh mạch qua truyền huyết thanh cho tôi”.
    |
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Tường Tộ kể chuyện chiến trường. |
Sau này, khi khỏi bệnh, ông Tộ mới biết phác đồ điều trị như vậy được bác sĩ Tuệ nghiên cứu và kiểm chứng từ lâu. Đây là phác đồ điều trị sáng tạo, bởi theo lời kể của bác sĩ Tuệ thì trong điều trị sốt rét ác tính khi đó chưa ai làm thế và trong tài liệu y khoa cũng chưa có hướng dẫn nào. Hơn 3 giờ đồng hồ sau khi tiêm thuốc, ông Tộ tỉnh lại, mấy ngày sau đã có thể trở lại chiến đấu. “Tôi nghĩ mình sẽ chết nếu không có sự sáng tạo trong y thuật của bác sĩ Tuệ”, ông nhớ lại.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, do trung đoàn liên tục chiến đấu nên thương vong cao, có đợt hàng trăm ca (sau chiến dịch tại Bắc Quảng Trị, đội phẫu đã thu dung hơn 732 thương binh, trong đó mổ, cắt chi hơn 100 ca). Lúc này đội phẫu chỉ có một mình bác sĩ Tuệ nên bác sĩ phải thường xuyên đứng mổ liên tục nhiều giờ liền. Vì vậy, chân ông bị phù nề. Anh em phải thay phiên nhau xoa bóp cho máu lưu thông. “Còn sức, còn đứng để mổ cứu thương binh rồi kịp thời chuyển về tuyến sau điều trị tiếp” - đó là suy nghĩ của bác sĩ Tuệ.
Đến đầu năm 1977, Sư đoàn 2 được lệnh chuẩn bị chiến đấu ở chiến trường K. Cũng trong thời gian này, bác sĩ Tuệ lần thứ hai được cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi suy xét, bác sĩ Tuệ quả quyết: “Tôi cùng chiến đấu với đơn vị và anh em hơn chục năm rồi, đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Hơn ai hết, tôi hiểu được sự gian nan, vất vả của anh em nên tôi tự nguyện ở lại để tiếp tục chiến đấu. Tôi xét thấy hiện nay ở sư đoàn, nguồn nhân lực còn thiếu nhiều, chưa có người thay thế khi tôi đi. Sau này, khi có người đảm nhận được công việc hiện tại, tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của trên giao”.
Năm 1978, trong một trận chiến đấu ở chiến trường K, ông Tuệ bị thương nặng phải ra Bắc điều trị. Sau đó, ông nhận được quyết định đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô lần thứ ba. Tuy nhiên, khi chuẩn bị lên máy bay, ông lại được thông báo từ nước bạn là không tiếp nhận vì đã quá tuổi 35. Sau này, ông Tuệ được cấp trên điều động về giữ chức Phó ban Y vụ, rồi Chủ nhiệm Khoa Nội, Viện Quân y 5, Quân khu 3 cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2007, do ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh nên ông phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ông qua đời năm 2012, năm 2014, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Bài và ảnh: PHAN XUÂN ĐỊNH