Tôi nhập ngũ tháng 8-1966, ở tuổi 18. Sau hai năm làm chiến sĩ bộ binh ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324, chiến đấu với lính thủy đánh bộ Mỹ ở bờ nam sông Bến Hải đến Tết Mậu Thân năm 1968, tôi bị thương ở cánh tay và được đi an dưỡng ở Đoàn 200, Quân khu 4. Sau khi điều trị, tôi được nhận nhiệm vụ làm pháo thủ của Đại đội 10, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284, Sư đoàn 367. Khi tôi về đơn vị được vài tháng thì anh Chiến về thay anh Đoàn Ngọc Lĩnh, Chính trị viên Đại đội 10, đi nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới. Anh Chiến quê ở xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ năm 1961, hơn tôi 7 tuổi, đã có vợ và một con gái sinh năm 1962 ở quê. Lúc này, đơn vị được lệnh cơ động sang phía tây Trường Sơn vừa giúp nước bạn Lào, vừa bảo vệ hàng của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở đơn vị, anh Chiến thân thiện, gần gũi và tin tưởng tôi nên đã cùng cấp ủy, chi bộ giao cho tôi thử sức nhiều nhiệm vụ trong đại đội.

Do tôi có năng khiếu ca hát nên có lãnh đạo đoàn văn công xin trung đoàn cho tôi đi đào tạo thanh nhạc. Anh Chiến tâm sự với tôi: "Cán bộ trung đoàn luôn lưu ý đến Ngọc, muốn cho Ngọc đi học sĩ quan chính trị, sĩ quan hậu cần hoặc trường thanh nhạc. Nhưng đơn vị thiếu người chiến đấu nên phải dừng lại". Cuối tháng 9-1971, đơn vị được lệnh rời nước bạn trở về Việt Nam. Cuộc hành quân đầy vất vả vì nước bạn đã bắt đầu vào mùa mưa. Chúng tôi về đến biên giới ngày 1-10-1971 thì vui mừng nghe thông báo qua Đài Tiếng nói Việt Nam: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký lệnh phong tặng tập thể Đại đội 10, Tiểu đoàn 15 danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Mọi người quên hết mệt mỏi, đón nhận danh hiệu cao quý tại biên giới tỉnh Quảng Bình. Anh Chiến cùng toàn thể đơn vị không quên nhắc đến công lao to lớn của biết bao cán bộ, chiến sĩ góp phần làm nên thành tích của đơn vị như các liệt sĩ: Tiệp, Tùng, Hiệu, Vinh... Nhân dân địa phương cùng các đơn vị bạn, các cấp, các ngành đến chia sẻ niềm vui. Ngay sau đó, đơn vị nhận lệnh cùng các đơn vị bạn tiến công, giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972. Anh Chiến phát động trong đơn vị: “Mỗi người là một nhân tố của đơn vị anh hùng. Hãy phát huy tính sáng tạo, tích cực để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao”.

Ngày 1-4-1972, đơn vị vượt sông Bến Hải giữa ban ngày. Chúng tôi vượt qua xã Gio An, rồi thẳng xuống Đường 1. Vừa hành quân, đơn vị vừa chiến đấu với máy bay địch, chi viện cho bộ binh ta tiến công, chiếm lĩnh Đông Hà. Đến ngày 3-4, đơn vị bắn rơi 1 trực thăng, 1 máy bay F-5 và 1 máy bay OV-10. Trưa 5-4, trời Quảng Trị nắng chói chang, máy bay địch đánh vào khu vực trận địa của chúng tôi. Hầm chỉ huy có tôi và anh Chiến, cùng một đồng chí thông tin bị hai quả bom đào hai bên cửa hầm, đất lấp chúng tôi rất sâu. Trong hầm, tôi vẫn nghe anh Chiến nói trong lo lắng: “Không biết đại đội có ai việc gì không?”.

Không rõ bao lâu, khi anh em đơn vị đào bới lôi chúng tôi lên, tôi bị choáng. Họ phải hô hấp nhân tạo rồi cho tôi lên xe chở đến nơi cấp cứu giữa buổi chiều. Anh Chiến và chiến sĩ thông tin hồi phục nhanh, vẫn ở lại đơn vị chiến đấu. Điều trị chừng một tuần, tôi xin về đơn vị. Lúc này, đơn vị đã qua sông Hiếu vào chiếm lĩnh sân bay Ái Tử. Anh Chiến được cấp trên bổ nhiệm làm Chính trị viên tiểu đoàn. Thấy tôi về, anh Chiến xuống động viên tôi ngay. 

Đầu tháng 7-1972, tôi cùng một số cán bộ trợ lý tiểu đoàn đi trinh sát địa hình để kéo pháo vào Thành cổ Quảng Trị. Khi trở về với đơn vị, tôi đang làm công sự thì bị máy bay Mỹ trút bom xuống đội hình. Hai đồng chí bên cạnh tôi là Nga và Ngọ hy sinh. Tôi bị thương nặng, được đồng đội đưa đi cấp cứu và phải từ biệt đơn vị anh hùng thân yêu.

Ngày 30-12-1972, tôi đang phải điều trị ở miền Bắc thì nghe tin anh Chiến đã hy sinh. Năm 2018, tại buổi gặp mặt truyền thống ở Hà Nội, qua đồng đội, tôi mới biết địa chỉ nhà anh Chiến. Tôi tìm về nhà anh, vợ anh không còn, tôi gặp được con gái anh là Nguyễn Thị Hiền, đã 56 tuổi, ở một mình trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. 

ĐẶNG SỸ NGỌC