Cuối tháng 4-1978, giữa lửa đạn chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, tôi đang là Chính trị viên phó Đồn 933 (Long Bình, An Giang), thì nhận được điện phát động toàn đơn vị học tập tấm gương của liệt sĩ Hoàng Kim Long với nội dung: Chưa đầy một tuổi quân nhưng đồng chí Hoàng Kim Long đã chiến đấu 35 trận, tiêu diệt 9 hỏa điểm (trong đó có 5 đại liên, 3 khẩu 12,7mm, một ĐKZ) và gần 50 tên địch.
Nơi tôi chiến đấu cách Đồn 801 khoảng 10km. Tuy chưa một lần gặp mặt nhưng nội dung bức điện đã truyền tải tinh thần và ý chí của liệt sĩ Hoàng Kim Long, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Đồn 933 khắc phục gian khổ, luôn chắc tay súng để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Thời gian sau, khi quân phản động Pol Pot bị đánh bật khỏi bờ cõi, tôi gặp đồng chí Phan Văn Mì (Đồn trưởng Đồn 801) và được anh kể cho nghe câu chuyện đầy cảm động về tấm gương sáng của liệt sĩ Hoàng Kim Long. Câu chuyện ấy tôi mang theo đến tận bây giờ.
Liệt sĩ Hoàng Kim Long sinh ngày 19-5-1959, quê ở xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Năm 1977, khi chưa kịp thi tốt nghiệp lớp 10 (hệ phổ thông ngày ấy là 10 năm) thì anh có giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Tuy thuộc diện được hoãn vì còn đi học nhưng anh quyết “xếp bút nghiên” lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian huấn luyện, anh năng nổ học tập, ngày gần hoàn thành, anh viết đơn tình nguyện xin được vào biên giới Tây Nam chiến đấu và được biên chế vào Đồn 801 cuối năm 1977.
Ngày đầu về đồn, đồng chí Phan Văn Mì cùng ban chỉ huy gặp, cho anh nghỉ phép, nhưng Hoàng Kim Long nhiều lần xin được ra ngay trạm công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đứng án ngữ biên giới để chiến đấu. Nguyện vọng của anh được chỉ huy đồn nhất trí, điều anh về nhận nhiệm vụ tại Trạm CANDVT kênh 5 xã ở huyện Vĩnh Tế (An Giang).
Trạm CANDVT kênh 5 xã đóng xa đồn, xa dân. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống. Trong tình cảnh đó, Hoàng Kim Long là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực và tinh thần khắc phục khó khăn. Anh tự mày mò nghiên cứu, sử dụng các loại vũ khí hiện có, nhất là học cách bắn ứng dụng hỏa lực ĐKZ để vừa phát huy hiệu quả, vừa bớt được người trong sử dụng, nâng cao sức mạnh phòng thủ. Đồng thời, hằng ngày, Hoàng Kim Long còn động viên đồng đội tìm nhặt các đạn cối, lựu đạn... kết thành cụm bãi mìn để chặn địch.
Sau nhiều lần đánh nhỏ lẻ không được, ngày 27-2-1978, địch mở đợt tấn công với quy mô lớn vào Trạm CANDVT kênh 5 xã. Hoàng Kim Long một mình với khẩu ĐKZ không cần giá chân (theo cách bắn ứng dụng), thoắt ẩn thoắt hiện, chiếm lĩnh các vị trí có lợi, bắn 21 quả đạn, diệt 4 hỏa điểm của địch, góp phần cùng toàn trạm chặn đứng đợt tấn công của địch, diệt tại chỗ 27 tên Pol Pot, 3 đại liên và 1 khẩu 12,7mm.
Từ ngày 14 đến 17-4-1978, bọn Pol Pot tiếp tục dùng cả một lữ đoàn tấn công Trạm CANDVT kênh 5 xã, có sự yểm trợ của cối 120mm, ĐKZ, pháo 105mm và pháo 130mm. Hoàng Kim Long cùng đồng đội dũng cảm đánh trả, giữ vững trận địa phòng thủ của trạm. Sang ngày 18-4, địch tiếp tục ồ ạt tấn công, vẫn một mình với khẩu ĐKZ, Hoàng Kim Long bắn 17 quả đạn diệt các điểm hỏa lực của địch. Địch phát hiện và điên cuồng tập trung hỏa lực bắn về phía anh. Khi đang lắp quả đạn ĐKZ thứ 18, anh bị trúng đạn và hy sinh, để lại sự tiếc thương cho đồng đội và cũng là động lực để cán bộ, chiến sĩ quyết tâm tiến lên tiêu diệt kẻ thù.
Hoàng Kim Long trở thành tấm gương sáng trong chiến đấu. Thông thường, khi bắn ĐKZ có sức ép rất lớn, một người chỉ bắn được 10 quả trở lại. Thế nhưng, trong hai trận đánh trên, đồng chí Hoàng Kim Long đã bắn đến quả thứ 17 và 21 để diệt các hỏa điểm và quân địch, góp phần cùng đồng đội chặn đứng bước tiến của kẻ thù. Với thành tích trên, ngày 20-12-1979, liệt sĩ Hoàng Kim Long được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
TRẦN ĐỨC DẦN