QĐND - Những năm làm Cụm trưởng Cụm Tình báo H32, đã để lại trong lòng Thiếu tướng Trần Tiến Cung, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục II, nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình cảm quân dân vùng Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam). Vị tướng già không thể nào quên hình ảnh nước bạc dâng trắng vùng, ca-nô địch chà đi xát lại quanh từng lùm cây, bụi cỏ nổi trên mặt nước (chúng gọi là đi “bắt dế”). Song nhân dân vẫn kiên cường bám trụ để cán bộ, bộ đội có chốn đi về. Những cái tên như: Bà Bảy, chị Thủy, bà Xã Dương, ông Xã Hoàng, Huỳnh Thị Thanh, Tám Công v.v.. luôn gợi lên trong tâm trí ông về một vùng quê cách mạng. Tuy nhiên, mỗi lần nhắc lại những ngày đó, Thiếu tướng Trần Tiến Cung vẫn thường kể về câu chuyện bắt rắn trong hầm bí mật năm 1966.

Thiếu tướng Trần Tiến Cung về thăm Điện Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) và trao tặng quỹ học bổng số tiền 120 triệu đồng do ông quyên góp từ con cháu, bạn bè, đồng đội...

 

Năm 1966, trong một lần từ chiến khu Sơn Trung về nắm tình hình tại Gò Nổi, Cụm trưởng Trần Phong (bí danh của Thiếu tướng Trần Tiến Cung) vừa đến xã Điện Trung thì nhận được tin địch đi càn. Thông thường, trước khi tiến hành đổ quân, chúng cho máy bay hoặc hỏa lực bắn dọn đường. Từ những thông tin nắm được, ta sẽ nhận định địch từ hướng nào tới để tìm cách đối phó. Nếu chúng từ bên Trà Kiệu (Duy Xuyên) vượt sông Thu Bồn qua thì bà con chạy lên Xuyên Hiệp; từ Vĩnh Điện lên thì chạy qua đường xe lửa sang Điện Quang, lên Điện Hồng, bí lắm mới quay lại chạy qua Xuyên Thanh… Những bận như vậy, nhân dân gọi là chạy càn. Dựa vào tình hình dân chạy đông, địch không có khả năng bao vây cả vùng Gò Nổi nên cán bộ hoạt động bí mật ở đây cũng mặc quần áo bà ba đen chạy lẫn với dân.

Song trận càn đó, ta bị bất ngờ do địch không cho máy bay đánh bom trước. Chúng đổ quân vây khắp nơi, dân chạy đâu cũng gặp. Trước tình thế bị vây ráp, Trần Phong cùng các đồng chí của mình không còn cách nào khác là nhảy xuống hầm bí mật nhà bà Xã Dương, đây là gia đình cơ sở có chồng là liệt sĩ Phạm Phú Giáp. Căn hầm này nằm ở trong khu vườn chung với gia đình ông Phạm Phú Hoàng, bên cạnh bụi tre rậm rạp. Thông thường, mỗi khi về hoạt động, các anh chỉ việc xuống hầm, mọi việc ở trên đã có bà lo liệu. Thậm chí có lần, mọi người vừa lên khỏi hầm ăn sáng xong thì bọn lính xộc tới. Trần Phong cùng anh em vội nhảy xuống hầm đã để quên chiếc đài ra-đi-ô. Lính địch ập vào, phát hiện thấy cái đài liền tra hỏi. Bà Xã Dương trả lời thủng thẳng: “Của mấy chú giải phóng đó”. “Tại sao chúng lại bỏ đây? Chúng ở đâu rồi?”, tên chỉ huy tiếp tục tra khảo. Bà bảo: “Ủa! Mấy chú về hoài mà. Có ba bốn chú vừa mới chạy đằng kia kìa”. Bà lấy tay chỉ đại ra phía cổng. Bọn lính nghe thế vội vàng đuổi theo.

Sự thông minh, nhanh trí của nhân dân đã khiến không ít lần các anh thoát khỏi hiểm nguy một cách ngoạn mục. Nhưng lần này, vừa chân ướt, chân ráo về đến nơi, các anh không thể chủ động đối phó kịp thời. Đội công tác ngoài Trần Phong ra còn có các đồng chí: Thế-Bí thư chi bộ xã Điện Trung; Đặng Hội quê ở Kim Liên, Hòa Liên-chiến sĩ cảnh vệ và Tám Công-cán bộ tình báo. Lính địch đã lùng sục đến đầu xóm, bốn anh em nhanh chóng nhấc nắp hầm bí mật. Đặng Hội nhảy trước, lần lượt đến Tám Công, Thế và Trần Phong. Trong ánh sáng mờ mờ, bất ngờ Đặng Hội phát hiện thấy con rắn to gần bằng cổ tay người lớn đang nằm khoanh tròn ở ngách hầm. Nó đã bò theo lỗ thông hơi trong bụi tre xuống. Tám Công bình tĩnh đẩy Đặng Hội ra phía sau rồi cởi chiếc áo bà ba chụp xuống con rắn. Hai bàn tay anh bóp dần và vuốt nhỏ lại. Khi biết chắc con rắn không còn cựa quậy được, Tám Công nhẹ nhàng siết chặt hai ống tay áo. Mối nguy hiểm kề cận chỉ còn là bọc vải do đồng chí cảnh vệ canh giữ. Ở trên đầu họ, có tiếng chửi thề của tên lính ngay trên nắp hầm vọng xuống. Dự đoán khả năng địch không xăm hầm, nhưng các anh vẫn luôn duy trì sẵn sàng chiến đấu. Trần Phong và Thế ngồi một góc hầm. Phía bên kia do Tám Công và Đặng Hội án ngữ kiêm luôn quản lý bọc rắn.

Khoảng nửa đêm, có tiếng phì phì phát ra. Đặng Hội phát hiện con rắn đã dũi rách lớp vải áo. Chờ cho cái đầu của nó thò ra khoảng một tấc, anh túm lấy và siết chặt cổ rắn đến chết. Cả đội thở phào nhẹ nhõm. Phía trên, địch dường như cũng không còn hùng hổ như ban sáng. Các anh phân công cảnh giới và thay nhau ngủ lấy sức để sẵn sàng đối phó với tình huống mới. Tuy nhiên, địch vẫn chỉ tổ chức vây ráp và đụng độ với bộ đội của ta chứ không tổ chức xăm hầm. Chừng hai giờ chiều hôm sau, chúng rút quân. Khi gia đình cơ sở báo yên, mọi người kiểm tra thấy con rắn đã chết cứng, không kéo ra khỏi áo được.

Câu chuyện cũ vẫn vẹn nguyên trong ký ức của vị tướng tình báo. Đó là hình ảnh chiến sĩ Đặng Hội dũng cảm, quyết liệt, cấp phó Tám Công thông minh nhanh nhẹn. Sau bận ấy, đồng chí Hội chuyển đơn vị và đã hy sinh khi đạp phải mìn clây-mo của địch trên đường đi công tác...

Bài và ảnh: Nguyễn Sỹ Long