Cho chúng tôi xem bức hình chụp chiếc đòn gánh vì hiện vật gốc đã tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), bà Tám xúc động: “Đây là vật mà tôi đã sử dụng làm vũ khí trong trận đánh bốt Phương Trù, một trong những trận đánh đáng nhớ nhất mà tôi cùng đồng đội tham gia những năm kháng chiến chống thực dân Pháp”. 
Đầu năm 1951, phong trào nữ du kích Hoàng Ngân của tỉnh Hưng Yên phát triển mạnh mẽ. Đội du kích Hoàng Ngân của xã Đông Kinh có hơn 100 chị em. Để thực hiện phương án đánh bốt Phương Trù, bà Tám đề nghị cấp trên lựa chọn những chị em nhanh nhẹn, khỏe mạnh, mưu trí, có tinh thần gan dạ, không sợ hy sinh, gồm 8 người: Trương Thị Tám (trực tiếp chỉ huy); Đỗ Thị Bẩy, Đỗ Thị Sản, Đỗ Thị Mai, Đỗ Thị Hà, Đỗ Thị Sở, Đỗ Thị Lương, Đỗ Thị Thích. Hằng ngày, chị em thay phiên nhau đi chợ Phương Trù hoặc giả vờ đi cắt cỏ để tiếp cận, trinh sát các vọng gác của địch. “Sau khi kế hoạch đánh địch của đội được thông qua, anh Chức, Huyện đội trưởng cử thêm đồng chí Truy và đồng chí Bằng là bộ đội chủ lực thuộc Trung đội 14, Đại đội 10 đóng giả nữ đi phía sau đội hình. Trước đó, chúng tôi có nhiều buổi tập luyện, ở nhiều thời điểm khác nhau và vũ khí là... đòn gánh”, bà Tám kể.

leftcenterrightdel
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Tám.  Ảnh: KIÊN THÁI

“Trận đánh diễn ra vào sáng 20-6-1953. Chúng tôi hóa trang thành những nhóm đi chợ và cắt cỏ. Khi đi qua mấy tên lính gác, đến chỗ tốp lính có súng trung liên, tôi hô to “xung phong!” rồi lấy đòn gánh phang vào đầu tên địch giữ khẩu trung liên, cướp súng của chúng. Bọn địch bị đánh bất ngờ, tháo chạy. Trận đánh đó, ta tiêu diệt 1 tên địch, làm 2 tên khác bị thương nặng, thu 1 khẩu súng, 1 chiếc radio và 1 hòm đạn...”, giọng bà Tám hào hứng cho biết.
Sau trận đánh đó, bà Tám cùng Đội nữ du kích Hoàng Ngân phối hợp với bộ đội địa phương đánh nhiều trận và lập nhiều chiến công. Ngày 3-2-1954, bà Tám vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, bà Trương Thị Tám đã 3 lần được chọn đại diện cho Đội nữ du kích Hoàng Ngân tham gia duyệt binh tại Hà Nội. Nhưng niềm vinh dự và hạnh phúc nhất trong cuộc đời của bà là có nhiều lần được gặp Bác Hồ. 
Lần gặp Bác Hồ đầu tiên của nữ du kích Trương Thị Tám là ở Quảng trường Ba Đình, khi bà tham gia luyện tập chuẩn bị cho cuộc duyệt binh ngày 1-1-1955 chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến. Bà Tám kể: “Hôm ấy, Bác Hồ đến thăm lực lượng luyện tập duyệt binh. Đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng) chỉ huy cuộc duyệt binh, giao nhiệm vụ cho tôi đại diện khối nữ du kích Hoàng Ngân lên phát biểu. Tôi thật sự bất ngờ bởi không được chuẩn bị trước. Khi bước lên bục phát biểu, nhìn xuống dưới rất đông người, tôi vội vàng nói: “Kính thưa các vị lãnh tụ”. Thấy mọi người phía dưới cười to, tôi lại càng lúng túng, xấu hổ. Tôi nói thêm được mấy câu rồi nói “xin rút lui”. Thấy tôi chạy khỏi khán đài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi tôi đứng lại. Tôi bối rối không biết đứng lại làm gì thì thấy Bác Hồ chủ động đến gần bắt tay tôi. Bác ân cần nói nhẹ nhàng: “Cháu ơi, ta chiến thắng thực dân Pháp rồi. Từ nay trở đi, cháu phát biểu không được nói là “xin rút lui” mà nói là “xin ngừng lời”. Lời dặn của Bác khiến tôi nhớ mãi”.

leftcenterrightdel
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Tám trò chuyện với các tướng lĩnh quê Hưng Yên. Ảnh: NGỌC MAI 

Trong lễ duyệt binh ngày 2-9-1956, nữ du kích Trương Thị Tám là chỉ huy đi đầu hàng quân nữ du kích. Bà Tám kể: “Trưa hôm ấy, ban tổ chức sắp xếp chúng tôi ăn cơm gần khu vực của Bác Hồ. Gặp tôi, Bác vẫn nhớ và hỏi: “Cô Tám ăn mấy bát cơm?”. Tôi thưa: “Dạ, cháu ăn 3 bát ạ”. Bác cười: “Thế là không được. Cô là chỉ huy, phải ăn gấp đôi”. Hội nghị tổng kết 3 năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “4 tốt” ngày 11-4-1966 được đón Bác đến dự; khi đó tôi là Bí thư Đảng ủy xã Đông Kinh. Khi chụp ảnh với Bác Hồ, Bác bảo: “Các cô ở thành phố ngồi phía ngoài, để các cô ở nông thôn ngồi gần Bác”. Tình cảm và sự quan tâm của Bác khiến tôi vô cùng cảm động và tự hào vì Người rất bận việc nước mà vẫn nhớ đến tôi, một đội viên nữ du kích Hoàng Ngân, một cán bộ ở cơ sở.  

THÁI KIÊN