Nơi đây ghi dấu tên tuổi một vị tư lệnh tài năng, với khả năng đặc biệt xuất sắc của mình đã thu phục nhân tâm, chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng toàn bộ miền Duyên hải Đông Bắc của Tổ quốc: Tư lệnh Nguyễn Bình-người sau này được Bác Hồ phong hàm Trung tướng, trực tiếp giao nhiệm vụ vào Nam Bộ thống nhất các lực lượng vũ trang chống thực dân Pháp xâm lược.

Kể lại những ngày đầu thành lập đội vũ trang đầu tiên ở Đông Triều, Quảng Yên (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay), ông Nguyễn Quang Nhạ, nguyên Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ninh, nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Triều, cho biết: “Sau khi Nhật đảo chính Pháp không lâu, đầu tháng 4-1945, sư Tuệ-một tù chính trị, người lãnh đạo hoạt động của Việt Minh ở Đông Triều tìm gặp Nguyễn Bình. Lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên, hai ông đã nói chuyện tâm đầu ý hợp. Các ông đã thống nhất ngay việc hợp nhất lực lượng, cùng vào Đông Triều xây dựng phong trào kháng Nhật, diệt phỉ, lập chiến khu...”.

leftcenterrightdel
Cụ Phạm Văn Chỉ (giữa) kể chuyện Chiến khu Đông Triều cho các thế hệ con cháu. Ảnh: KHÁNH AN

Nguyễn Bình là người trực tiếp phụ trách công tác quân sự, binh vận và trang bị vũ khí cho nghĩa quân. Theo kế hoạch của Nguyễn Bình, cuối tháng 4-1945, đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên của Đông Triều được thành lập ở chùa Bắc Mã, bao gồm những chiến sĩ tình nguyện sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Lúc này, tuy thành lập được đội vũ trang nhưng vũ khí ở Đông Triều rất thiếu thốn. Nguyễn Bình đã về Hải Phòng vận động anh em binh lính ở các đồn địch về với cách mạng. Cùng với đó, ông mua sắm súng trường, mìn, tiểu liên, lựu đạn mang về Đông Triều. Nguyễn Bình thống nhất lực lượng cách mạng ở Đông Triều, Thủy Nguyên, Chí Linh nhằm chiếm lĩnh một địa bàn rộng lớn. Kể từ đây, lực lượng cách mạng tích cực luyện tập, chuẩn bị cho giờ khởi nghĩa đã điểm.

Ở tuổi 95, trong tâm trí cụ Phạm Văn Chỉ (Xuân Bình, Bình Khê, Đông Triều) vẫn vẹn nguyên khí thế của những ngày tháng lịch sử ấy: “5 giờ ngày 8-6-1945, chúng tôi được lệnh xuất quân. Tiếng súng khởi nghĩa đã đồng loạt nổ trên một tuyến dài 24km dọc theo Quốc lộ 18. Lực lượng cách mạng tiến đánh các đồn: Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch đã thu được thắng lợi giòn giã. Đi đến đâu, đoàn quân Việt Minh cũng được nhân dân chào đón. Chúng tôi ào vào kho súng của địch, bao vây huyện đường, thu giữ tài liệu, giấy tờ, phá kho thóc của Nhật...”.

Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thắng lợi. Tư lệnh Nguyễn Bình tổ chức mít tinh ngay tại huyện lỵ, tuyên bố giải tán chính quyền tay sai của Nhật, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh. Ngay chiều 8-6, Ủy ban Quân sự cách mạng được thành lập, đứng đầu là Nguyễn Bình. Ban lãnh đạo đã tuyên bố thành lập chiến khu mang tên “Đệ tứ chiến khu”. Một tháng sau, Đệ tứ chiến khu mở trận đánh tỉnh lỵ Quảng Yên. Nhớ về trận đánh ấy, cụ Phạm Văn Chỉ cho biết: “Chiều 19-7-1945, chúng tôi mỗi người được trang bị một khẩu súng ngắn, chia làm hai trung đội và một tiểu đội bí mật hành quân ra bến sông làng Đạm Thủy rồi xuôi dòng tiến về đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên. Chiều 20-7, quân ta ồ ạt tiến vào đồn, thu toàn bộ vũ khí và đạn dược, với hơn 500 súng các loại. Chúng tôi đã nhanh chóng đánh chiếm được tỉnh lỵ Quảng Yên mà không mất một viên đạn nào. Bởi chỉ nghe đến tên của vị tư lệnh, bọn giặc đã khiếp vía mà bỏ trốn rồi...”.

Trước khí thế hừng hực của quân cách mạng, hơn 500 tên địch đóng ở tỉnh lỵ Quảng Yên đã đầu hàng vô điều kiện. Quân cách mạng hoàn toàn làm chủ thị xã, chiếm các công sở của địch. Trận đánh này đã làm rung chuyển các khu vực xung quanh, tạo thêm điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh lực lượng và phong trào cách mạng vùng Duyên hải Bắc Bộ.

“Hình ảnh vị chỉ huy đoàn quân khởi nghĩa-Tư lệnh Nguyễn Bình vô cùng oai vệ, khăn đỏ chít trên đầu có thêu dòng chữ “Đệ tứ chiến khu”, bên hông là khẩu súng pặc-khoọc lắp 12 viên đạn và chiếc kiếm Nhật cắm mũi xuống đất là nguồn cổ vũ lớn lao với chúng tôi. Là linh hồn của cuộc khởi nghĩa, bằng tài năng, kinh nghiệm quân sự, Tư lệnh Nguyễn Bình đã chỉ huy những trận đánh có tiếng vang lớn. Kể từ khi Đệ tứ chiến khu ra đời, nhân dân Đông Triều đã có cuộc sống mới, người người tham gia luyện tập, sôi nổi cùng các địa phương trong tỉnh chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền...”-cụ Phạm Văn Chỉ tự hào nói.

PHẠM THU THỦY