Sự việc đến đột ngột quá! Ngạc nhiên, vui mừng nhưng tôi cũng không khỏi phân vân, phần đóng góp nhỏ của mình liệu có xứng đáng để báo cáo với Bác? Tôi còn đang băn khoăn thì đồng chí chính ủy đã bảo tôi:

- Chú đừng lo, Bác hỏi đâu thì trả lời đấy, biết sao nói vậy, nhưng không được nói sai sự thật, chú rõ chứ?

Và đồng chí chính ủy trao hai bộ quần áo mới bằng vải kaki là chiến lợi phẩm của trung đoàn làm phần thưởng dành cho tôi để mặc lên gặp Bác Hồ.

Trên đường đi, mỗi khi trèo dốc tôi vẫn còn hoa mắt, hay khát nước và mỏi chân. Việc ăn uống, tắm giặt làm bằng tay trái chưa quen nên gặp nhiều khó khăn, nhưng nghĩ đến sắp được gặp Bác là tôi quên hết. Chốc chốc, tôi lại hỏi đồng chí liên lạc xem đã sắp đến nơi chưa? Tôi mải mê hình dung cuộc gặp Bác sắp tới...

leftcenterrightdel
Anh hùng La Văn Cầu (áo trắng, ngoài cùng bên phải) cùng một số chiến sĩ thi đua yêu nước trong cuộc gặp gỡ Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh tư liệu

Đến trạm liên lạc của Trung ương, tôi nghỉ ngơi một ngày. Quá trưa hôm sau, tôi được đưa vào gặp Bác. Trước khi đi, tôi cấn cá mãi, nhớ đến bộ quân phục giản dị của Chính ủy Chu Huy Mân, đến đồng đội còn nhiều thiếu thốn còn mình lại có những hai bộ quần áo mới. Sau cùng, tôi quyết định cứ mặc bộ quân phục bình thường chứ không mặc bộ quần áo chiến lợi phẩm. Tôi được đưa thẳng đến chỗ Bác làm việc. Bên gốc cây đa to, Bác mặc bộ quần áo nâu, đang ngồi đọc báo.

Tôi chưa kịp chào thì Bác đã đứng lên, đón tôi và hỏi ngay:

- Cháu Cầu đấy phải không?

- Vâng ạ!-tôi xúc động quá, chỉ nói được có thế.

Bác dắt tôi vào nhà và bảo đồng chí phục vụ: Cháu Cầu đi đường mệt, chú pha sữa cho cháu uống!

Bác cho tôi ngồi bên cạnh, rồi hỏi về sức khỏe của anh em thương binh, về tình hình đoàn kết, học tập của đơn vị. Tôi vừa trả lời vừa ngắm kỹ Bác. Bác nói chuyện vui, thân mật và dễ hiểu. Thỉnh thoảng, Bác lại dùng xen tiếng dân tộc, Bác phát âm, dùng từ rất đúng. Tôi càng thêm cảm động vì thấy Bác gần gũi, thương yêu đồng bào các dân tộc, quan tâm đến chiến sĩ. Lòng tôn kính của tôi đối với Bác càng tăng lên vô hạn.

Bác bảo tôi ở lại ăn cơm với Bác, Bác dặn riêng đồng chí anh nuôi:

- Cháu Cầu mệt, chú nhớ nấu cho cháu bát canh ngon!

Rồi Bác cho tôi đi rửa mặt, nghỉ ngơi. Lúc vào phòng ăn, tôi còn chưa biết ngồi chỗ nào thì Bác đã kéo tôi ngồi bên Bác:

- Các đồng chí trong cơ quan mời cháu ăn cơm, cháu ngồi đây với Bác.

Bác vui vẻ giới thiệu: Rau xanh Bác trồng, gà Bác nuôi, trứng gà nhà đẻ, chỉ có muối mắm là phải mua thôi. Hôm nay thết cơm cháu nên bữa ăn khá hơn mọi ngày. Ăn cơm với Bác, cháu đừng làm khách, cứ ăn cho thật no!

Bữa ăn diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ. Bác gắp thức ăn cho tôi luôn. Bác quan tâm, hỏi han với tình cảm ân cần, trìu mến đúng như những gì tôi tưởng tượng. Bất ngờ nhất khi Bác hỏi:

- Ở đơn vị cháu, anh em người dân tộc có nhiều không? Dân tộc nào nhiều nhất?

- Thưa Bác, đơn vị cháu có nhiều người thuộc các dân tộc ở Bắc-Lạng. Đông nhất là Tày, thứ hai là Nùng, thứ ba là Kinh ạ.

Bác khen:

- Tốt lắm! Đồng bào các dân tộc Cao-Bắc-Lạng đều hăng hái tham gia cách mạng. Các cháu đánh giặc giỏi, nay cần phấn đấu để tiến bộ hơn nữa về văn hóa.

Ăn cơm xong, tráng miệng bằng chuối Bác tăng gia và kẹo chiến lợi phẩm. Bác hỏi tôi về chuyện nhà.

- … Cháu mồ côi cha năm lên bảy. Mẹ cháu đi bước nữa nhưng vẫn nuôi cháu. Trước Cách mạng Tháng Tám ít ngày, bản cháu bị thổ phỉ đốt sạch. Bố dượng cháu lo buồn, sinh bệnh rồi mất; thế là cháu lại mồ côi cha lần thứ hai. Mẹ con cháu làm ăn vất vả lần hồi nuôi nhau. Cách mạng Tháng Tám thành công, cháu được đi học, được ca hát với bạn bè, nhưng chưa được bao lâu thì giặc Pháp xâm chiếm nước ta. Ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cháu mới 15 tuổi nhưng đã biết đi cày. Cháu nghĩ: Cầm được cày thì nhất định cầm được súng đánh Pháp. Một hôm, đang cày ruộng, cháu thấy bà con nói ngoài chợ huyện có tuyển binh. Cháu mừng quá, chạy về xin mẹ cho đi tòng quân. Ban đầu mẹ cháu chưa ủng hộ ngay vì mẹ chỉ có mỗi mình cháu. Khi bằng lòng cho cháu đi, mẹ cháu dặn ba điều: Không được làm phiền anh em, phải cố gắng giết thật nhiều giặc Pháp và thổ phỉ để dân làng và mẹ khỏi khổ; đừng làm điều xấu, đừng làm điều lỗi để phải đi tù; nhớ viết thư về thăm mẹ và bà con luôn, khi nào hết giặc Pháp thì trở về với mẹ.

leftcenterrightdel
Anh hùng La Văn Cầu và mẹ tại sân bay Gia Lâm trong lần được về gặp Bác Hồ, đầu năm 1955. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghe đến đấy, Bác cảm động nói với các đồng chí trong cơ quan:

- Các bà mẹ ở nước ta, cũng như mẹ cháu Cầu, rất giàu lòng yêu nước, có một con cũng cho đi chiến đấu. Tinh thần thật đáng quý!

Rồi Bác hỏi tôi:

- Lúc bị thương, cháu nghĩ thế nào?

- Thưa Bác, lúc đó hỏa lực địch từ lô cốt trước mặt vẫn nhả đạn chặn bước tiến của quân ta. Cháu nghĩ chưa hoàn thành nhiệm vụ thì dù hy sinh cũng không thể lùi bước. Cánh tay phải cháu đã bị nát nhưng da thịt còn dính lủng lẳng, vướng quá, cháu liền nhờ đồng đội chặt đứt hẳn để dễ cử động. Cháu nghiến răng chịu đau, rồi dùng tay trái ôm bộc phá xông tới áp vào lỗ châu mai, giữ cho đến khi sắp nổ mới chịu buông ra. Lô cốt địch nổ tung, cháu bị văng ra xa rồi ngất đi.

Bác xúc động, bảo tôi:

- Cháu bị thương, người còn yếu. Cháu nghỉ ngơi bồi dưỡng cho lại sức, nhưng cũng có thể tranh thủ học thêm văn hóa, đọc sách để nâng cao kiến thức. Hôm nay cháu lên thăm Bác, các đồng chí trong cơ quan muốn biết rõ về chiến thắng biên giới và thành tích của cháu. Cháu chuẩn bị đến tối nói chuyện cho mọi người nghe.

- Cháu nói tiếng phổ thông chưa thạo, sợ nói tiếng dân tộc thì nhiều đồng chí không nghe được-tôi lo ngại đáp.

- Cháu biết tiếng phổ thông thế nào thì cứ nói thế.

 Tối ấy, tôi lên nói chuyện. Bác giới thiệu với các đồng chí có mặt:

- Cháu Cầu bị thương, mất nhiều máu, bị sức ép của bộc phá, lại đi đường xa còn yếu nên không nói được to. Các cô, các chú, các cháu ngồi nhích lại để nghe cho rõ, để cháu Cầu nói đỡ mệt.

Lần đầu tiên nói chuyện trước nhiều người, lại toàn là cán bộ ở cơ quan Trung ương, tôi không khỏi rụt rè. Nhưng được Bác khuyến khích, tôi đã mạnh dạn trình bày bằng tiếng phổ thông các vấn đề khá trôi chảy...

Đêm ấy ra về, tôi không sao ngủ được. Tôi xao xuyến bâng khuâng như đang sống trong một giấc mơ. Và giấc mơ này đã theo tôi đến tận bây giờ, là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao!

Anh hùng LLVT nhân dân LA VĂN CẦU