Điều đặc biệt là những “diễn viên” trong phim chính là những nữ chiến sĩ tiêu biểu của Binh chủng Thông tin liên lạc. Tìm gặp bà Đinh Tuyết Lan, nguyên chuyên viên chính Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, một trong những nhân vật trong bộ phim, chúng tôi đã được nghe kể về những ngày làm phim đáng nhớ với bà.
Năm 1965, 16 tuổi, Đinh Tuyết Lan nhập ngũ vào Binh chủng Thông tin liên lạc; năm 1967, vào chiến trường bắc Quảng Trị rồi tham gia Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh. Chiến trường ác liệt không làm nhụt tinh thần của cô gái Hà thành mà càng tôi rèn cho Tuyết Lan ý chí vững vàng trước mọi thử thách. Được đào tạo phụ trách máy tải ba, là cơ công sửa chữa thiết bị nhiều đường hữu tuyến điện nhưng khi cần thiết, Tuyết Lan sẵn sàng sang trực tổng đài để tham gia những nhiệm vụ quan trọng phục vụ trực tiếp cho chiến trường. Cuối năm 1968, Tuyết Lan nhận lệnh về Hà Nội để tham gia một nhiệm vụ đặc biệt.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Tuyết Lan xúc động kể:
- Sau ca trực đêm, tôi được đại đội trưởng gọi lên lấy giấy giới thiệu của đơn vị, về ngay Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Là quân nhân, khi có lệnh của chỉ huy, chiến sĩ chúng tôi sẵn sàng khoác ba lô lên vai. Qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nơi Xưởng phim Quân đội ở đó, tôi cũng chưa biết mình sẽ phải làm gì. Bác thường trực hướng dẫn tôi lên gác gặp một đồng chí thiếu tá, dáng cao gầy, sau này tôi mới biết là đạo diễn Nguyễn Chí Phúc. Ông nhìn tôi và “phỏng vấn” luôn: “Từ khi nhập ngũ đến nay làm nhiệm vụ gì, đã tham gia bao nhiêu trận đánh?”. Rồi ông hỏi: “Có năng khiếu văn nghệ gì không?”. Là con gái ba (Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Ngọc Liên, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017), từ nhỏ, tôi đã được ông kèm cặp học các loại nhạc cụ nên tôi tự tin trả lời là có thể chơi chút ít đàn piano và accordion.
    |
 |
Bà Đinh Tuyết Lan và cha-Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Ngọc Liên, năm 1967. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Sáng hôm sau, tôi theo xe khí tài của trung đoàn lên trạm A56 ở Hà Bắc (nay là Bắc Giang)-nơi lấy bối cảnh chính của bộ phim “Những cô gái trạm thông tin K6”. Trạm nằm trên một vùng đồi thật đẹp và thơ mộng, rất gần với sân bay Kép. Đã quen với khung cảnh chiến tranh tàn khốc, cỏ cây trơ trụi ở chiến trường, tôi chưa từng hình dung về một trạm thông tin giữa những đồi sim tím nằm gối lên nhau bình yên, thơ mộng. Phía sau lưng trạm là vách núi đá ong có những con suối nhỏ róc rách chảy ngày đêm. Trong phim, ngoài những cảnh chiến đấu ác liệt, đạo diễn Nguyễn Chí Phúc còn ghi lại rất nhiều cảnh đẹp ở A56. Chúng tôi cùng nhau múa hát, chơi đàn, trò chuyện và làm thơ trên đồi sim trông xuống mặt nước hồ trong xanh. Ở nơi ấy có trạm máy, tổng đài là “trận địa” của lính thông tin.
Ở Trường Sơn, trạm thông tin bị ném bom là thường, đường dây bị bom còn thường xuyên hơn. Khi bom Mỹ giội xuống, mọi người tìm chỗ ẩn nấp thật kín chờ qua phút nguy hiểm, còn những chiến sĩ bảo vệ đường dây thì ngược lại. Lúc ác liệt nhất, chúng tôi lao ra chỗ bom ném để nối thông đường dây liên lạc. Trong phim có đoạn đồng chí Thuận nối dây lúc bom đánh, nằm trong hố bom với chiếc mũ sắt trên đầu, mặt mày nhem nhuốc, xung quanh mịt mù khói lửa nhưng bừng sáng nụ cười rạng rỡ khi bắt được liên lạc với sân bay. Cảnh là dựng lại nhưng sự kiện thì đúng là những phút giây chúng tôi đã trải qua nên rất thật. Lính thông tin chúng tôi chẳng có hạnh phúc nào hơn là giữ được liên lạc thông suốt!
Tôi cũng có một cảnh quay đáng nhớ, đó là phân cảnh tôi khoác máy lẻ trèo lên đỉnh cột gọi về trạm báo đường dây đã nối thông. Quay phim yêu cầu phải có được hình ảnh chân thật nên chọn cây cột điện trên quả đồi cao nhất. Gió ù ù thổi làm dây và cột đung đưa, nhân vật lại phải đeo máy lên cao 7m. Ai cũng lo lắng không biết con gái Hà Nội “chân yếu tay mềm” như tôi liệu có leo lên được? Lúc này, phía sân bay, máy bay chiến đấu cũng lên xuống nhiều. Đạo diễn chợt gợi ý: “Giá bắt vào được khuôn hình chiếc máy bay bay ngang qua đường dây thì tuyệt!”. Lúc đó, tôi đang đứng sát chân cột nhìn lên cao, chỉ sợ nhỡ máy vướng vào đường dây. Bỗng tiếng ai đó hô to: “Máy bay ta kìa!”, thế là như có động lực vô hình, tôi bước ngay lên thang trèo rất nhanh, máy khoác trên vai. Tôi chỉ phải quay một “đúp” đã nhận được cái gật đầu của đạo diễn. Khi lên phim, hình ảnh nữ chiến sĩ thông tin với hai bím tóc tết đuôi sam, ngồi trên đỉnh cột đang báo cáo, phía sau là con “én bạc” nghiêng cánh trên bầu trời đã thu hút sự chú ý của người xem!
    |
 |
Đoàn làm phim “Những cô gái trạm thông tin K6”. Bà Đinh Tuyết Lan đứng đầu tiên, bên phải. |
Chúng tôi đều là diễn viên không chuyên, dù diễn về mình thì công việc làm phim cũng thật sự quá mới mẻ. Thế nên có những chuyện “cười ra nước mắt”, lại có những phút “hú vía” khiến ai cũng “sởn da gà”! Đó là phân cảnh trạm bị trúng bom, cột đầu cuối là nơi chuyển từ dây trần sang dây cáp bí mật dẫn vào trạm cũng bị trúng bom, phải thay thế bằng dây bọc. Cảnh lớn có nhiều người tham gia, quay ngay trong hầm trạm nên đạo diễn dặn dò kỹ lưỡng lắm. Ai cũng lo ngại nhỡ vì mình mà phải quay lại thì ảnh hưởng đến mọi người. Tiếng máy quay ro ro với tiếng lá báo đổ (báo hiệu có cuộc gọi ở tổng đài) làm cho các “diễn viên” càng thêm căng thẳng. Hai đồng chí tổ dây được bố trí quay cận cảnh ngay trước cửa hầm máy, nghe hô “bắt đầu” liền chạy rất nhanh. Khi gió tạt bớt khói, đạo diễn tập trung mọi người lại thì không thấy hai đồng chí đâu. Gọi mãi mới nghe tiếng các đồng chí từ đỉnh đồi vọng xuống. Hóa ra vì khói bay mù mịt, không nhìn rõ hướng nên các đồng chí chạy tít lên đồi. Gỡ dây về đến nơi thì bắp chân đã bị lá dứa cắt đầm đìa máu. Khổ hơn nữa là vì chạy sai tuyến, dây rải nằm ngoài khuôn hình nên phải quay lại “đúp” ấy! Lần khác, đạo diễn cần quay cận cảnh nòng súng chiến sĩ ta nhả đạn bắn trả máy bay Mỹ. Đồng chí Tuyên xem phim có cảnh những người lính giơ súng bắn rất hiên ngang nên anh đứng thẳng người, ghì súng siết cò. Nào ngờ súng giật mạnh hất anh ngã ngửa, đạn thì vẫn tiếp tục nổ. Thật may là cơ số đạn đã bay lên trời!
Bộ phim tài liệu “Những cô gái trạm thông tin K6” đã phần nào nói lên công việc của những nữ chiến sĩ thông tin trong khói lửa chiến tranh. Không thể không kể đến những “nhân vật chính”. Người đóng vai Trạm trưởng K6 là chị Nguyễn Thị Nghiêm, Đại đội phó Kỹ thuật của một đơn vị đóng quân ở Hải Phòng. Là một người chỉ huy bộc trực, kiên quyết, trạm của chị dù bị đánh sạt một góc hầm, đứt hết dây nhưng chị đã cho khắc phục nhanh để bảo đảm thông tin liên tục. Hay nữ chiến sĩ Triệu Thị Bộ, người dân tộc Tày, chiến sĩ trạm A53 Thái Nguyên, là điển hình trong các phong trào thi đua của binh chủng. Và còn rất nhiều cái tên khác như: Dương Thị Lệ Phái, Kim Tiến, Nguyễn Thị Thuận... những nữ chiến sĩ thông tin dũng cảm, trách nhiệm, nhiệt tình, nơi nào có việc khó là có các chị.
Sau chiến tranh, nhiều người trong chúng tôi trở về với đời thường. Cũng có nhiều người chưa kịp hẹn ước, chưa một lần được ngỏ lời yêu, hay được làm mẹ, nhưng với bản lĩnh của người lính, các chị đã vượt qua hoàn cảnh để vươn lên. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi như được trở về thuở đôi mươi, lại ríu rít những câu chuyện ngày xưa và chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống!
THU THỦY