Công trình mang số hiệu 75808
Ngay từ khi phác thảo bản thiết kế đầu tiên, các cán bộ của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) đã hình thành ý tưởng mô hình Lăng: Trước hết, khối Lăng mang hình dáng cách điệu của một đài sen, tinh khiết và cao quý. Sen còn gắn với quê Bác-Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Thi hài Bác không được để sâu dưới mặt đất mà được đặt ở khối chính của Lăng và trên cao. Lễ đài cho các vị lãnh đạo đứng chủ trì các cuộc mít tinh và duyệt binh đặt ở phía trước Lăng nhưng phải thấp hơn nơi Bác nằm để giữ được truyền thống của dân tộc ta là tôn kính vĩ nhân, tôn kính tổ tiên. Lăng phải giữ được vẻ giản dị đúng theo phong cách của Bác, không hoa văn rườm rà, mang dáng dấp hiện đại mà không hề khô cứng... Một thời gian sau, cùng với sự giúp đỡ của các bạn Liên Xô, ông Vạn và các đồng sự đã hoàn thành bản thiết kế sơ bộ công trình Lăng Bác mang số hiệu 75808. “Tuy nhiên, từ bản thiết kế sơ bộ đến khi hoàn thiện bản thiết kế hoàn chỉnh để xây dựng là một quá trình làm việc nghiêm túc, được chỉnh sửa nhiều lần và nhận được sự đồng lòng góp sức của toàn Đảng, toàn dân. Đặc biệt, chúng ta đã mở cuộc vận động sáng tác các mẫu thiết kế Lăng Bác và đem triển lãm để lấy ý kiến của nhân dân. Sau đó, 3 mẫu thiết kế được nhân dân lựa chọn nhiều nhất đã được hoàn thiện để chúng tôi mang sang Liên Xô làm việc với bạn”-ông Vạn nhớ lại.
Quá trình tham gia thiết kế, thi công công trình Lăng Bác, KTS Nguyễn Tấn Vạn có nhiều lần sang Liên Xô làm việc. Đặc biệt, chuyến đi tháng 8-1973, khi phải khẩn trương hoàn thiện bản thiết kế một cách nhanh nhất để kịp tiến độ thi công xây dựng khiến ông không thể nào quên. Ông kể: “Nhận nhiệm vụ cùng các cán bộ khoa học kỹ thuật của Bộ Kiến trúc và Bộ tư lệnh Công binh sang Liên Xô để phối hợp với bạn hoàn thành các phương án thiết kế, tôi hăm hở chuẩn bị lên đường. Nhưng vào phút chót thì tôi phải ở lại đi sau vì một nhiệm vụ không kém phần quan trọng: Chờ phía ta hoàn thiện mô hình đài sen bằng thạch cao đặt dưới vị trí thi hài Bác để mang đi nhờ bạn làm giúp sang chất liệu đồng. Khi một mình trên con tàu liên vận cùng với mô hình thiết kế đài sen, tôi vô cùng lo lắng, hồi hộp, chỉ sợ có vấn đề gì ảnh hưởng đến mô hình thì phí công sức của biết bao người. Tôi không dám đi đâu, chỉ ngồi “ôm khư khư” mô hình”.
Ở nước bạn, ông Nguyễn Tấn Vạn và các cộng sự nhanh chóng bắt tay vào công việc để có thể hoàn thiện bản thiết kế nhanh nhất gửi về nước. Ông cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi cùng làm việc 7 tiếng với các cán bộ ở Viện Thiết kế Liên Xô, tối về họp tổ để trao đổi công việc trong ngày và bàn kế hoạch cho ngày hôm sau. Ở Moscow, tuyết rơi rất dày. Khi sang nước bạn, mỗi người đều được cấp hai bộ comple, hai bộ đồ ngủ, hai đôi giày... Nhưng chẳng được bao lâu, do đi lại nhiều nên giày, tất đều bị rách, anh em chúng tôi phải tự khâu vá lại để dùng. Sau đó, được sự quan tâm của Đại sứ Võ Thúc Đồng ở Moscow, anh em chúng tôi đã được cấp tiền để mua giày mới!”.
Tháng 9-1973, bản thiết kế nền móng hoàn chỉnh đầu tiên được gửi về Việt Nam trước để kịp thi công. Các KTS vẫn tiếp tục làm việc với chuyên gia bạn về các bản thiết kế khác thuộc hai phần quan trọng là xây dựng và lắp máy. Đến tháng 12-1973, phần thiết kế xây dựng cơ bản được hoàn thiện đã được các cán bộ của ta mang về nước, bàn giao lại cho Ban quản lý Công trường 75808. Riêng bản thiết kế kỹ thuật cơ bản thì phải đến tháng 5-1974 mới giải quyết xong, ông Vạn về nước, trực tiếp tham gia thiết kế và giải quyết các công việc ở Công trường 75808.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Ngày nay, đến thăm Lăng Bác, nhân dân và bạn bè quốc tế đều đọc thấy dòng chữ này trên công trình Lăng. Và KTS Nguyễn Tấn Vạn chính là người hoàn thiện ý tưởng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh, lúc bấy giờ là Chủ tịch Quốc hội. Theo lời kể của ông Vạn, khi về nước, ông được giao thiết kế nội thất cũng như các họa tiết, trang trí trong Lăng của Người và có nhiều lần trực tiếp báo cáo các phương án công việc với đồng chí Trường Chinh. “Là người hết sức cẩn thận và chu đáo, mọi việc từ nhỏ nhất đều được đồng chí Trường Chinh quan tâm một cách sát sao. Công việc rất gấp, tôi cứ vẽ xong là lên báo cáo, nhiều khi chỉ cần tô màu không khéo là phải làm lại”-ông Vạn nhớ lại.
Một hôm, đồng chí Trường Chinh yêu cầu KTS Nguyễn Tấn Vạn phải chọn một câu nói thật ý nghĩa của Bác để đặt trên bức tường lớn chính giữa sảnh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, KTS Nguyễn Tấn Vạn đã quyết định chọn câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Bác. Sau khi báo cáo và nhận được sự đồng ý của đồng chí Trường Chinh, ông bắt tay ngay vào việc chọn chữ ký của Người đồng thời khắc chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bên dưới chữ ký lên mặt đá quý. Toàn bộ khối chữ này được khắc bằng đồng, sau đó mạ vàng. “Đồng chí Trường Chinh đến kiểm tra, chỉ cho tôi thật chi tiết cần phải viết như thế nào để lúc đưa lên cao nhìn chữ không bị méo hay việc đặt dấu ở đâu... Ngày treo khối chữ lên, đồng chí Trường Chinh cũng vào tận nơi chỉ đạo cụ thể. Sau khi hoàn thành, toàn bộ khối chữ đặt ở tiền sảnh đã tạo sự thu hút và xúc cảm cho người đến viếng Bác!”, KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết.
PHẠM THU THỦY