Bà má Long An nuôi quân đánh giặc
Năm 1972, chiến sĩ Nguyễn Văn Được ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 4 (K4), Bộ CHQS tỉnh Long An đóng quân tại ấp Phú Tây A, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Đây là thời điểm ta và địch đang ở thế cài răng lược nên chúng càng ra sức tăng cường càn quét, lập vành đai trắng ở khắp các địa bàn chiến đấu.
Để bảo toàn lực lượng, ban ngày, đơn vị phải chia nhau ra ở ngoài bưng-nơi kênh rạch nhiều dừa nước, cây bần, cây đước che phủ. Sau khi nắm tình hình, nhận định về tương quan lực lượng cũng như lòng dân còn hoang mang, sợ hãi khi chưa hiểu về quân đội cách mạng nên đơn vị của ông đã chủ động làm công tác dân vận gần khu vực đóng quân.
Hằng ngày, khi mặt trời khuất bóng sau những rặng dừa nước cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ K4 lên nhà dân tuyên truyền, nói rõ tội ác của chính quyền tay sai. Tranh thủ những thời điểm địch không đi càn, đơn vị ông giúp dân bằng những việc làm thiết thực như bang mô, bưng điền cấy lúa, trồng khoai… Tích cực bám dân, sống gắn bó, nghĩa tình, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 đã tạo được niềm tin, kéo nhân dân về với cách mạng. Từ đó, nhiều gia đình đã vận động con em của họ buông súng, bỏ hàng ngũ địch trở về gia đình, về với cách mạng.
|
|
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Được (thứ hai, từ phải sang) gặp đại diện các gia đình Long An từng giúp đỡ mình trong chiến tranh tại nhà riêng ở Bắc Giang. |
Má Hai Anh (má Hai) ở ấp Phú Tây A, từ những ngày sợ hãi đã trở thành người tiên phong trong phong trào vận động bà con lối xóm góp sức, góp của cùng bộ đội chống giặc. Thương các chiến sĩ, gia đình má Hai cùng nhiều cơ sở của ta thường xuyên bí mật xuống cứ thăm nuôi. Mỗi lần xuống, các cơ sở đem nhiều thức ăn, nào là canh chua cá lóc, cá bống dừa kho… để bộ đội ăn no, đủ sức đánh giặc. Khi đơn vị thiếu thốn lương thực, má và các cơ sở chạy đôn chạy đáo đi vận động bà con quyên góp gạo, thức ăn, có người còn ủng hộ cả tiền, vàng để giúp bộ đội qua những ngày gian khó. Nhớ lại thời điểm khó khăn nhất, ông Được cho biết: “Khi bị quân địch phong tỏa, bao vây, kiểm soát ngặt nghèo các bưng, sợ mọi người gặp nguy hiểm, má Hai cải trang thành người đi mò cua, bắt ốc nhưng thực chất là đựng cơm và thức ăn trong giỏ để tiếp tế cho các chiến sĩ. Nhờ vậy, chiến sĩ ta vẫn đủ sức để kiên cường bám trụ, chống lại những trận càn của địch”.
Hay trong những dịp Tết đến, xuân về, thấu hiểu cảnh nhớ nhà của chiến sĩ, má gói thật nhiều bánh chưng, bánh tét để bộ đội thưởng thức hương vị quê hương. Mặc dù ông Được chỉ bằng tuổi con má Hai, nhưng má vẫn nhận ông là đứa em trong nhà. Không riêng gì má Hai, nhiều cơ sở của ta luôn xem các chiến sĩ như người thân trong gia đình. Mỗi chiến sĩ ốm đau hay bị thương đều khiến cho bà con lo lắng, chăm sóc. Nhờ sự đùm bọc, cưu mang của bà con nơi đây, các chiến sĩ K4 đã yên tâm bám trụ ở vùng đất khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường cho đến ngày toàn thắng.
Ngọn đèn trong đêm
Thấy Quân Giải phóng ngày một lớn mạnh và có quan hệ mật thiết với nhân dân, kẻ thù dùng nhiều chiêu trò thâm độc như đốt nhà dân, phá vườn, dồn dân lên đường, lập ấp chiến lược để kiểm soát, chia cắt cơ sở cách mạng với bộ đội. Nhưng càng bị quản thúc, kìm kẹp thì tinh thần đấu tranh của nhân dân càng lên cao. Ở trong lòng địch, má Hai và các cơ sở của ta đã mưu trí nghiên cứu quy luật hoạt động của chúng trên trục Đường 21 nối Long An-Tiền Giang.
Khi đã nắm chắc, má Hai thay mặt cơ sở tìm cách liên lạc với bộ đội để thông báo về ám hiệu “hai ngọn đèn”. Một ngọn đèn sáng phía trong nhà và một ngọn đèn sáng ở phía ngoài hiên mỗi gia đình cơ sở là báo hiệu an toàn cho quân ta vượt đường chiến đấu. Không thấy ánh đèn sáng là lúc quân địch đang đi tuần tra kiểm soát. Nhờ sự thông minh, tài trí của cơ sở, quân ta không những giảm được thương vong, tránh được nhiều trận đụng độ, càn quét của địch mà còn giữ vững đội hình chiến đấu, nhiều lần tập kích đánh địch, phá tan những âm mưu thâm độc của chúng. Cũng vì sợ hãi nên sự hung hăng của địch ngày càng giảm, việc đi tuần của đội lính ngụy quyền trên tuyến đường 21 ngày một thưa dần, tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng giải phóng quê hương, bảo vệ bình yên cho nhân dân…
BIỆN CƯỜNG