Sinh ra và lớn lên ở huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội), năm 17 tuổi, Nguyễn Huy Thắng xung phong đi bộ đội và được điều về Đại đội 2, Tiểu đoàn 107, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi, là thương binh hạng 2/4. Kết thúc chiến tranh, ông được cử đi học và trở thành trợ giảng môn Triết học ở Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ (nay là Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Tỉnh ủy Quảng Ninh). Năm 1977, ông chuyển sang làm việc tại Báo Quảng Ninh, năm 1983 về làm phóng viên Báo Hà Tây (trước đây) cho đến khi sang Đức làm việc năm 1988.

leftcenterrightdel

Hiện đang sinh sống tại Đức nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về, cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng luôn nhớ về những lần đón Tết trên chiến trường Quảng Ngãi cách đây nửa thế kỷ. 

Ở nước ngoài hơn 30 năm nhưng cứ vào dịp Tết cổ truyền, lòng ông Thắng lại bồi hồi nhớ về những lần đón Tết cùng đồng đội. “Tết ở chiến trường đặc biệt lắm, nhất là với các chiến sĩ quê ở miền Bắc như tôi. Để xua đi nỗi nhớ nhà, các chiến sĩ thường kể cho nhau chuyện ngày Tết của gia đình. Câu chuyện đôi lúc bị tiếng pháo xé ngang, ngắt quãng”, ông Thắng kể.

Khi được hỏi về lần đón Tết ấn tượng ở chiến trường, ông Nguyễn Huy Thắng kể: “Tết Nguyên đán Tân Hợi 1971, đơn vị chúng tôi đang ở chiến trường Quảng Ngãi. Gần đến Tết, lương thực cạn dần, bộ đội vào bản được đồng bào cho mấy cân gạo nếp và một con gà trống. Có gà, nấu thêm cơm nếp thế là có Tết rồi. Nhưng không hiểu sao, sau một giờ nấu mà nước chắt vẫn trong nguyên, không thấy nhựa gạo chảy ra. Chế thêm nước, tiếp tục đun thêm một giờ, cơm nếp vẫn không chín, hạt gạo cứng đơ. Băn khoăn quá nhưng chẳng còn cách nào khác, anh em cho hết nước luộc gà vào nồi cơm để nấu cháo. Phải mất chừng 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng nồi cháo gà bất đắc dĩ cũng chín. 13 anh em xì xụp húp cháo, mỗi người một miếng thịt gà, vậy là xong cái Tết. Sau này, tôi tìm hiểu mới biết, đây là loại gạo “bọc thép” truyền thống của bà con. Gạo có màu nâu trong chứ không nâu sẫm như gạo nếp cẩm. Cái tên “bọc thép” là bởi bông lúa có vỏ dày, màu nâu và rất cứng. Thời gian sinh trưởng của loại lúa này cũng kéo dài gấp đôi các loại lúa khác. Để không bị động vật hoặc bom đạn của Mỹ tàn phá, khi lúa vừa chắc hạt, bà con thường đi gặt sớm và mang về treo trên gác bếp. Khi nấu, đặt bông lúa khô lên một cái chảo đồng to bằng cái nia, rang lên, sau đó dùng tre tuốt lúa. Tiếp theo, họ mới mang ra giã và sẩy vỏ trấu. Để có thể nấu thành cơm, gạo “bọc thép” phải nấu từ 3 đến 4 giờ, ăn rất khô và cứng”.

Một kỷ niệm khác vào Tết Nguyên đán Nhâm Tý 1972 cũng in đậm trong ký ức của ông Nguyễn Huy Thắng. Vào thời điểm đó, Mỹ có xu hướng rút bớt quân. Trước tình hình trên, Tỉnh đội Quảng Ngãi có chủ trương và giao Thiếu tá Phạm Văn Trinh (tức Phạm Văn Bảy), Tỉnh đội phó Tỉnh đội Quảng Ngãi, làm chỉ huy mặt trận. Tiểu đoàn 107 Pháo binh Quảng Ngãi-đơn vị của ông Thắng-đóng quân sát sở chỉ huy tiền phương của Tỉnh đội Quảng Ngãi. Để anh em được nghỉ Tết, ông Trinh làm công tác phản gián, cho người giả vờ đánh rơi “tài liệu mật”, trong đó tiết lộ kế hoạch tấn công thị xã Quảng Ngãi của bộ đội ta. Bắt được tin của ta, lập tức sư đoàn 2 ngụy kéo quân từ các nơi về phòng thủ thị xã. Lúc đó, ông Trinh mới cho người dẫn đường đưa Tiểu đoàn 107 từ phía tây Quảng Ngãi (khu vực miền núi) luồn xuống phía đông (phải qua Đường số 1 thuộc địa phận huyện Bình Sơn), giáp với biển. Đêm 28 tháng Chạp năm đó, Tiểu đoàn 107 vượt Đường số 1, đi vòng qua trạm phong tỏa của địch ở các thôn Thế Long, Thế Lợi (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) để tới vùng giáp biển. “Anh em trong đơn vị mừng lắm, vì xuống được với dân là sẽ có Tết. Lần đầu tiên đơn vị mua được một con lợn nặng hơn 40kg và một ít gạo nếp. Có thịt lợn tươi gói bánh chưng, có tiết canh lòng lợn, lại đánh được ít cá, kiếm được tổ ong bên đường, một cái Tết tươm tất nhất kể từ khi tôi vào chiến trường”, ông Thắng tâm sự.

YÊN BÌNH