Tiếp chúng tôi tại nhà riêng nằm trên phố Đội Cấn, TP Hà Nội, ông Đoàn Duy Thành say sưa với những tin tức thời sự, chẳng muốn nhắc đến chuyện cũ, nhưng khi đề nghị ông chia sẻ kỷ niệm của mình với đồng chí Lê Thanh Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư lúc sinh thời, thì mắt ông bừng sáng. Ông bảo, đó là một con người đặc biệt, rất ủng hộ những cái mới. Bản thân ông trong giai đoạn thực hiện cuộc “xé rào” ở Hải Phòng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nếu không có sự chia sẻ, ủng hộ của Thường trực Ban Bí thư Lê Thanh Nghị thì rất khó thành công. Ông kể:

- Tôi và anh Lê Thanh Nghị cùng quê Hải Dương, ở hai xã cách nhau hơn 10km. Khi tôi còn nhỏ thường được nghe kể về gia đình anh. Trước năm 1945, cả 4 anh em trai: Khoái, Xứng (Nguyễn Khắc Xứng là tên thật của đồng chí Lê Thanh Nghị-PV), Hách, Hước đều tham gia cách mạng, chống thực dân Pháp đô hộ nước ta và cả 4 anh em đều cùng bị giặc Pháp bắt trong một thời gian. Cụ thân sinh của các anh thương con khóc đến lòa cả mắt. Đến đầu năm 1950, khi anh là Phó bí thư Liên khu ủy Khu 3, được phân công về kiểm tra phân khu Tả Ngạn gồm thành phố Hải Phòng và 4 tỉnh: Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Kiến An thì tôi mới được gặp anh.

leftcenterrightdel

Thường trực Ban Bí thư Lê Thanh Nghị (đầu tiên, bên phải) cùng lãnh đạo TP Hải Phòng và đoàn công tác thăm hoạt động của một hợp tác xã ở Hải Phòng, năm 1980. 

Lúc đó, phân khu Tả Ngạn, dọc Đường số 5 từ Gia Lâm đến Hải Phòng khoảng 100km, bị giặc Pháp chiếm đóng và bố trí dày đặc đồn bốt. Trong điều kiện chiến đấu rất gian khổ, anh Lê Thanh Nghị đã cùng đoàn kiểm tra đi rất sâu vào vùng tạm chiếm. Riêng đối với huyện Kim Thành (Hải Dương) bị giặc Pháp đánh chiếm ngay từ tháng 12-1946, anh về kiểm tra hai lần. Lúc đó, tôi là Ủy viên Thường vụ phụ trách công tác dân vận và công tác tổ chức, trực tiếp làm Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh huyện Kim Thành. Tôi cùng Ban Thường vụ huyện ủy có nhiều ngày làm việc với anh. Anh Nghị còn trực tiếp làm việc với tôi để tìm hiểu sâu về tình hình chiến đấu của nhân dân huyện Kim Thành, đặc biệt là những xã dọc Đường số 5 và đường xe lửa dài 21km trên đất Kim Thành. Anh hỏi rất kỹ về tình hình chiến đấu của khu vực bị chiếm đóng. Tôi là người trực tiếp phụ trách và xây dựng phong trào của những xã này nên báo cáo của tôi được anh rất quan tâm.

Đến đầu tháng 4-1950, anh trở lại Kim Thành gặp Ban Thường vụ huyện ủy rồi dự họp với huyện ủy. Sau khi họp xong, anh gặp riêng tôi, nói về việc Hải Phòng đang cần cán bộ lãnh đạo cấp quận, trên có ý định điều tôi về một quận mới được thành lập và hỏi ý kiến tôi. Tôi trả lời: “Tôi là đảng viên, Đảng điều động đi đâu, tôi xin chấp hành nghiêm chỉnh”. Đây là bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng của tôi, từ nông thôn chuyển vào thành thị, một nơi làm việc mới, rất phức tạp mà tôi chưa quen biết, nhưng tôi rất phấn khởi thực hiện chỉ thị của cấp trên.

Sau đó, tôi thỉnh thoảng lên Trung ương làm việc và có gặp lại anh Nghị. Nhưng lúc đó tôi chưa phải là cán bộ chủ chốt của Hải Phòng nên không thường xuyên gặp gỡ anh, ngoài những lúc tranh thủ giờ nghỉ sau vài cuộc họp mà tôi may mắn được triệu tập. Cho đến những năm 1979-1980, tôi là cán bộ chủ chốt của Hải Phòng, lúc đó tôi mới thường xuyên làm việc với anh. Nhiều kỷ niệm lắm nhưng đáng nhớ nhất là việc Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13-11-1981 về việc cho phép khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp.

Thời kỳ này, khoán hộ, khoán sản phẩm là việc cấm kỵ, mọi người rất sợ nói đến vì đã xảy ra vụ khoán hộ của anh Kim Ngọc-Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (những năm 60 của thế kỷ trước). Kinh tế nước ta khi ấy nông nghiệp trì trệ, thiếu lương thực nghiêm trọng, hợp tác xã “rong công, phóng điểm”, năng suất thấp, đời sống nông dân không đủ ăn. Hải Phòng cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó. Thành ủy và Ban Thường vụ thành ủy đã họp nhiều lần và đưa ra quyết định cải tiến nông nghiệp từ hợp tác xã chuyển sang khoán sản phẩm cho lao động hợp tác xã. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ra Nghị quyết số 24, tháng 8-1980 về cải tiến, quản lý trong hợp tác xã nông nghiệp ngoại thành, đã được dư luận hoan nghênh, nhưng những ý kiến bảo vệ quan điểm giữ nguyên trạng thái hợp tác xã cũng rất quyết liệt. Trong tình hình đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã phân công cán bộ đi báo cáo, xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương, đồng thời tìm mọi cách giữ vững cách làm cải tiến nông nghiệp của thành phố.

Trong Bộ Chính trị lúc đó cũng có nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí Tổng Bí thư và một vài đồng chí tán thành, còn đa số chưa tán thành hoặc còn lưỡng lự. Anh Lê Thanh Nghị là Thường trực Ban Bí thư, là người ủng hộ khoán sản phẩm tích cực nhất, vì anh nắm rõ thực tế quần chúng. Anh giao cho đồng chí Chương, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng và đồng chí Phạm Tiệp, Thư ký Văn phòng Trung ương Đảng, là người phụ trách theo dõi tình hình Hải Phòng của Văn phòng Trung ương Đảng và một số đồng chí khác viết dự thảo chỉ thị. Riêng Hải Phòng, đồng chí Bùi Quang Tạo, Bí thư Thành ủy và tôi, Chủ tịch UBND thành phố tham gia ý kiến dự thảo. Chúng tôi thường xuyên trao đổi ý kiến với anh Tiệp-người luôn có mặt ở Hải Phòng trong thời kỳ này. Anh lại có quan điểm ủng hộ khoán nên chúng tôi tin tưởng, chia sẻ cụ thể công việc đang triển khai cùng những ý định sắp tới.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Thanh Nghị trong chuyến công tác Nhật Bản năm 1980. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Đến tháng 1-1981, dự thảo đã xong và anh Lê Thanh Nghị thay mặt Ban Bí thư ký Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư về “khoán sản” trong nông nghiệp, mở đầu cho kỷ nguyên phát triển sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Sau khi chỉ thị được phổ biến ra toàn quốc, có rất nhiều ý kiến khác nhau ở các tỉnh. Nhất là trường phái không tán thành có nhiều ý kiến phức tạp nên anh Lê Thanh Nghị thận trọng, lắng nghe, suy nghĩ rất nhiều. Hằng tháng, anh gọi tôi lên hỏi tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị 100. Một lần, theo yêu cầu, tôi được phép đến báo cáo tại nhà riêng của anh. Tôi vừa đến nơi, chị Lê Thị Thanh (tên thật là Đào Thị Hậu-PV), phu nhân của anh ra đón tôi. Chị vừa cười vừa nói: “Không biết khoán như thế nào mà anh chú sốt ruột lắm, thấy người ta nói nhiều ý kiến nên anh gọi chú lên báo cáo”. Tôi vội trả lời: “Chị cứ yên tâm, việc làm này là chính nghĩa. Hải Phòng làm tốt, nhiều địa phương cũng đến Hải Phòng học hỏi và thực hiện”.

Tôi bước vào phòng khách của gia đình, anh Nghị mỉm cười, đứng lên bắt tay tôi. Có lẽ anh đã nghe tôi báo cáo với chị Thanh ở ngoài hiên nên tôi thấy anh vui vẻ hơn mọi lần gặp trước. Tôi mời anh về thăm Hải Phòng, anh rất vui và nói sẽ về thăm Hải Phòng vào vụ thu hoạch. Và đúng tháng 10 năm đó, vụ lúa mùa rất tốt, anh Nghị cùng các đồng chí: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều đồng chí lãnh đạo ở Trung ương về thăm rất phấn khởi và yên tâm việc khoán sản phẩm là đúng. Tuy nhiên, phải đến tháng 4-1988, khi Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI ra đời (Khoán 10) và năm 1989, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo mới kết thúc câu chuyện về “khoán sản”, khoán chui. Giờ đây, sau 35 năm nhìn lại, tôi thấy mình và các cộng sự đã rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của Trung ương, nhất là đồng chí Lê Thanh Nghị, người lãnh đạo Đảng kiên trung, luôn lắng nghe tiếng nói từ cơ sở.

NAM BÌNH