Ông bảo chỉ còn vài phút chuyện trò cùng chúng tôi vì đã đến giờ hẹn, vậy mà vào câu chuyện, ký ức những trận đánh năm xưa ùa về khiến cả chủ và khách đều say sưa quên cả thời gian...

Đại tá Vũ Trung Thướng kể rằng, trong hai chiến dịch lớn ông được tham gia là Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì ông đều có những kỷ niệm không thể nào quên.

“Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đơn vị chúng tôi-Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B có nhiệm vụ chốt chặn ngã ba Long Hưng (làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng), bảo vệ vòng ngoài phía tây nam Thành cổ. Ngã ba Long Hưng ngày ấy còn được gọi là “ngã ba bom”, “ngã ba lửa” bởi vị trí chiến lược quan trọng của nó. Địch muốn chiếm bằng được, còn ta cũng quyết giữ bằng được!” - Đại tá Vũ Trung Thướng nhớ lại.

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Vũ Trung Thướng (bên phải) kể chuyện chiến đấu. Ảnh: KHÁNH AN

Nhiệm vụ chốt giữ ngã ba Long Hưng rất khó khăn và nguy hiểm, phải phát hiện và đánh địch từ xa để tạo điều kiện cho đội hình phía sau sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy, Đảng ủy Trung đoàn 48 đã ra nghị quyết nêu cao quyết tâm sắt đá: “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn” (Quang Sơn là mật danh của Trung đoàn 48). Đây như một mệnh lệnh thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48, trong đó có Đại đội 5 quyết tâm giữ vững vị trí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. “Đó là những ngày tháng vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn trăm bề khi sống và chiến đấu giữa mưa bom bão đạn của kẻ thù. Vậy nhưng không ai trong chúng tôi thoái chí, nản lòng. Tôi nhớ, giữa lúc ấy được lệnh thay mặt đại đội ra Sở chỉ huy mặt trận báo cáo tình hình chiến trường và nhận thêm quân, gặp Tư lệnh Mặt trận là đồng chí Lê Trọng Tấn. Thấy trên người tôi còn đúng... một cái quần cộc chào báo cáo, tư lệnh không hề trách cứ vì ông rất hiểu và thương bộ đội đang làm nhiệm vụ thiếu thốn thế nào. Sau một hồi hỏi han, Tư lệnh Lê Trọng Tấn đã yêu cầu cấp lại đầy đủ quân phục mới cho chúng tôi trước khi trở lại đơn vị” -  Đại tá Vũ Trung Thướng xúc động hồi tưởng.

Theo lời kể của Đại tá Vũ Trung Thướng, tại ngã ba Long Hưng thời điểm này, về tương quan lực lượng giữa ta với địch khá chênh lệch. Đại đội 5 có hơn 50 tay súng, tổ chức thành 3 trung đội. Trong khi đó, địch đã huy động rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, với pháo binh từ hạm đội, pháo giàn từ Mỹ Chánh cùng không quân, xe tăng và cả tiểu đoàn bộ binh tấn công ta. Với quyết tâm chốt giữ bằng được ngã ba Long Hưng, Đại đội 5 đã đánh lui nhiều đợt tấn công của địch khiến chúng không thể nào vượt qua “ngã ba lửa” này. Chúng đã phải bỏ lại hơn 100 xác chết cùng 5 chiếc xe tăng, 3 chiếc xe tăng khác phải bỏ chạy. Tiểu đoàn địch ở Long Hưng bị đánh bại, mất sức chiến đấu, địch phải thay thế tiểu đoàn khác… Sau 81 ngày đêm, Đại đội 5 cùng Trung đoàn 48 chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao và tiếp tục bước vào các trận đánh mới.

Tháng 4-1975, trên cương vị là Phó chính ủy Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, Vũ Trung Thướng chỉ huy mũi thọc sâu tiến đánh bộ tổng tham mưu ngụy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và ông có một kỷ niệm nhớ đời khi tự tay lái chiếc xe thiết giáp “chiến lợi phẩm” vào đánh chiếm mục tiêu.

Đó là buổi sáng 30-4-1975. Trên đường hành tiến sau khi đập tan cụm cứ điểm của địch ở cầu Bình Triệu thì đội hình của ông nhận được tin thiết đoàn 18 ngụy từ Biên Hòa (Đồng Nai) vừa tháo chạy tới. Trước sức mạnh của quân ta, tên thiết đoàn trưởng Lý Văn Tòng nhanh chóng đầu hàng. Ta thu được 12 xe thiết giáp còn sử dụng được. Phó chính ủy Vũ Trung Thướng trực tiếp thẩm vấn Lý Văn Tòng và yêu cầu hắn hướng dẫn Quân Giải phóng sử dụng xe thiết giáp vừa thu được của chúng.

“Sau 15 phút được sự chỉ dẫn của Lý Văn Tòng, tôi nhảy lên ghế lái chiếc thiết giáp M18 thẳng hướng bộ tổng tham mưu ngụy. Những chiếc còn lại vừa sử dụng người của ta kết hợp với lái xe của địch thẳng tiến đến mục tiêu đã định. Mặc dù gặp phải một vài ổ kháng cự của địch, quân ta nhanh chóng tiêu diệt và làm chủ chiến trường. Tàn quân của Lý Văn Tòng khúm núm xin tha chết. Tôi thông báo về chính sách khoan hồng, nhân đạo của ta, đồng thời phát kẹo bánh, quần áo để chúng trở về quê hương bản quán. Trước khi đi, Lý Văn Tòng còn cố nán lại hỏi tôi: Các ông giỏi quá! Làm thế nào mà chỉ sau 15 phút các ông có thể lái được thiết giáp khi chính tôi phải mất 3 năm mới làm được? Tôi cười bảo, Quân Giải phóng chúng tôi là vậy đó!” - Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Trung Thướng cười chia sẻ.

PHẠM THỦY