Đánh quân Mỹ tăng viện
Nguyễn Quốc Dũng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Quế Phú (Quế Sơn, Quảng Nam). Cuối năm 1969, chỉ huy Huyện đội Quế Sơn giao nhiệm vụ cho Chính trị viên Đại đội V10 Nguyễn Quốc Dũng chỉ huy đơn vị phối hợp với lực lượng đặc công của Đại đội V75 và tiểu đội công binh của huyện đánh sập cầu Bà Rén, cắt đứt giao thông trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Quế Sơn, tiêu diệt đại đội lính bảo an canh giữ cầu. Sau khi trinh sát địch, thông qua kế hoạch chiến đấu, anh cho đơn vị và các lực lượng phối thuộc luyện tập thuần thục trên sa bàn. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hành chiến đấu thì bất ngờ có một trung đội Mỹ tăng cường vào cứ điểm Bà Rén. Tình thế thay đổi buộc người chỉ huy phải trả lời câu hỏi: “Đánh hay không đánh?”. Nếu đánh thì lực lượng địch đông hơn, hỏa lực mạnh, sức chiến đấu được tăng lên nhiều lần, liệu có chắc thắng? Nếu không đánh thì liệu lui quân có an toàn, bao giờ có thể đánh lại và một điều chắc chắn là ảnh hưởng đến phương án tác chiến của chiến dịch.

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Dũng. 

Sau khi cân nhắc những mạnh yếu của ta và địch như: Ta vẫn giữ được bí mật, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bộ đội đang lên cao, lính Mỹ chiếm giữ chợ mới Bà Rén ở ngay đầu cầu trong thế bị động, bọn lính giữ cầu Bà Rén chủ quan vì ỷ thế có lính Mỹ chốt ở vòng ngoài... Chính trị viên Nguyễn Quốc Dũng quyết định giữ nguyên quyết tâm chiến đấu. Anh hội ý chỉ huy, điều chỉnh lực lượng cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, sử dụng cách đánh đặc công, toàn bộ lực lượng chia làm 7 mũi đồng loạt tiến công địch (3 mũi tiến công trực tiếp trung đội lính Mỹ, 2 mũi tiến công chốt điểm đầu cầu, 2 mũi tiến công vào chợ cũ Bà Rén tiêu diệt 2 trung đội dân vệ), phía dưới có Đại đội đặc công V75 từ Phú Phong đánh lên. Khi ta làm chủ đầu cầu, tiểu đội công binh nhanh chóng gắn khối bộc phá 100kg thuốc nổ TNT vào trụ cầu, khi ta lui quân sẽ cho kích nổ phá cầu.
Khoảng 23 giờ đêm, các mũi tiến công tiếp cận khu vực gần sát cầu Bà Rén, tổ chức “luồn sâu, lót sát” theo mục tiêu được phân công. 2 giờ 30 phút, quân ta bắt đầu nổ súng. Trung đội lính Mỹ hốt hoảng chống trả, chúng bắn pháo sáng lên trời để phát hiện đối phương. Khu vực chiến sự sáng rực, ta với địch quần lộn nhau như giữa ban ngày, giành giật từng tấc đất, từng bức tường chợ Bà Rén. Thấy địch phản ứng quyết liệt, nếu kéo dài thì ta sẽ gặp khó khăn, Chính trị viên Dũng liền hội ý chớp nhoáng với các mũi trưởng và động viên anh em hễ chúng chống trả ở đâu thì chúng ta tập trung hỏa lực tiêu diệt ở đó. “Trong tình huống chiến đấu hết sức gay go, ác liệt, lo anh em không giữ được đội hình, tôi mạnh dạn chỉ huy anh em đánh “ngang xương lòng”, có nghĩa là gặp địch ở đâu thì ta đánh đó, không từ mục tiêu nào”, Anh hùng Nguyễn Quốc Dũng nhớ lại.
Trung đội lính Mỹ bị đánh bại, các mũi của ta nhanh chóng xung phong tiêu diệt đại đội bảo an giữ cầu đang co cụm trong công sự. Đại đội V10 làm chủ trận đánh và tổ chức lui quân an toàn. Nguyễn Quốc Dũng lệnh cho tổ công binh kích nổ bộc phá, đánh sập hai nhịp cầu xuống sông Bà Rén. Khoảng 5 giờ sáng, lực lượng tham gia trận đánh mới rút quân ra vị trí tập kết an toàn.
Trận chống càn lịch sử
Tháng 6-1972, trên cương vị là Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội Quế Sơn, Trung úy Nguyễn Quốc Dũng chỉ huy lực lượng đi chuẩn bị chiến trường. Hoàn thành nhiệm vụ, đoàn trinh sát gồm 6 cán bộ, chiến sĩ về đến xã Phú Diên (nay là xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn), mắc võng nghỉ dưới chân Hòn Hầm (thuộc xã Phú Diên). Nghe tiếng súng nổ từ hướng chợ Gò (xã Phú Diên), Nguyễn Quốc Dũng nhận định địch đang hành quân càn quét lấn chiếm vùng giải phóng với lực lượng đông, quy mô lớn. Bấy giờ, quân ngụy đã chuyển từ chiến lược “tìm diệt” sang “quét và giữ”. Chúng thường xuyên tập trung lực lượng càn quét vùng giải phóng của ta như: Phú Diên, Phú Hương... Hôm ấy, địch tổ chức lực lượng theo 7 mũi gồm: Xuyên Trà, Hòn Đèn, Chợ Gò, Gò Da, Hòn Gai, Hòn Hầm và bãi cát Gò Dê. Tình thế khẩn cấp, anh liền phân công 3 đồng chí trinh sát ở lại chốt giữ đồi sau nhà bà Sáu A (Hòn Hầm), còn 1 chiến sĩ trinh sát và 1 chiến sĩ thông tin vô tuyến điện đi cùng anh về phía huyện đội đóng quân tại rừng Hòa Mỹ (nay thuộc xã Quế Xuân 2). Gặp đồng chí cán bộ chỉ huy huyện đội, anh nắm tình hình được biết chỉ huy huyện đội đã ra lệnh rút quân vì quân địch đông quá. Nghe chiến sĩ thông tin vô tuyến báo cáo tình hình, Nguyễn Quốc Dũng nhận định: Nếu ta không đánh chúng trận này thì bên ta sẽ tổn thất nhiều. Đồng bào đang chạy càn sẽ bị địch sát thương, hậu quả trận càn này sẽ rất nặng nề. Phải đánh! Không thể rút lui! Với cương vị là Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội, Nguyễn Quốc Dũng trực tiếp chỉ huy chung trận đánh. Lúc này, lực lượng của huyện chỉ còn Đại đội V10, Trung đội cối 82, Đại đội đặc công V75 và du kích các xã Phú Diên, Phú Hương. Nguyễn Quốc Dũng lập tức triệu tập cán bộ Đại đội V10, Đại đội V75, Ban chỉ huy xã đội Phú Hương, Phú Diên, xây dựng quyết tâm chiến đấu để bảo vệ vùng giải phóng.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ dân quân huyện Quế Sơn (Quảng Nam) huấn luyện sử dụng súng máy phòng không 12,7mm. 

Khi quân ta đang làm công tác chuẩn bị thì địch đã đưa quân tràn lên non nửa khu vực giải phóng của ta tại các xã Phú Hương và Phú Diên. Thời gian gấp, Nguyễn Quốc Dũng chỉ huy 3 trung đội lợi dụng các công sự đã chuẩn bị và hệ thống mương của dân đào sẵn để cơ động chiến đấu. Biên chế của Đại đội V10 lúc này có 1 khẩu cối 60mm, 3 khẩu B40, 2 khẩu B41, 3 khẩu trung liên RPĐ và một số súng tiểu liên AK, toàn đại đội khoảng 42 người. Theo phương án, lực lượng của ta ém quân tại men bờ cát Gò Dê (Phú Diên), nơi địch không thể ngờ đến. Triển khai bố trí xong, Đại đội đặc công V75 sẽ nổ súng đánh trước để địch bộc lộ lực lượng. Các bộ phận còn lại sẽ tập trung binh lực, hỏa lực tiến công bất ngờ hướng mũi lực lượng địch mạnh nhất theo kiểu “đánh rắn giập đầu”. Khoảng 9 giờ, quân của trung đoàn 3 ngụy từ bãi cát Gò Dê kéo vào. 10 giờ, Tiểu đoàn 79 biệt động quân ở dưới núi Quế tràn lên. Quan sát đội hình đông đúc của địch, chỉ huy trận đánh Nguyễn Quốc Dũng lệnh cho các đơn vị chuẩn bị tinh thần, kiên trì chờ khi chúng đến cách khoảng 10-15m, là cự ly ném lựu đạn hiệu quả, thì mới nổ súng. Tốp địch đi đầu lọt vào trận địa mai phục của ta, song chờ chúng vào trọn một đại đội, Nguyễn Quốc Dũng mới lệnh cho anh em dùng lựu đạn, thủ pháo đánh cấp tập rồi dùng hỏa lực chia cắt đội hình địch. Sử dụng B40, B41 dập tắt các ổ hỏa lực, dùng cối bắn chặn đường cơ động của địch. Vấp phải cách đánh bất ngờ, táo bạo của ta, đội hình địch rối loạn, tháo chạy, bỏ dở cuộc càn. Nhận định địch sẽ gọi máy bay, pháo bầy bắn vào rừng Hòa Mỹ, nơi chúng nghi quân ta bố trí lực lượng, Chính trị viên Nguyễn Quốc Dũng cử 6 cán bộ, chiến sĩ ở lại chốt giữ, nghi binh, lực lượng chính theo giao thông hào rút về Phú Hương, cách trận địa khoảng 2,5km, để bảo toàn lực lượng sẵn sàng đánh địch quay lại. Đúng như nhận định của chỉ huy trận đánh, khoảng 2 giờ sau khi ta lui quân, hỏa lực của địch đã cày xới bầm dập cả cánh rừng Hòa Mỹ, nhưng ta không bị thương vong gì.
Miền Nam giải phóng, đất nước ca khúc khải hoàn, ông Dũng chuyển ngành sang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, sau đó lần lượt đảm nhiệm chức vụ Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng... Tháng 7-2008, Thành ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Đà Nẵng Nguyễn Quốc Dũng được nghỉ hưu theo chế độ. Ghi nhận những công lao, đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 26-4-2018, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội Quế Sơn Nguyễn Quốc Dũng.
Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG