Cả ngày khỏe mạnh, gùi đạn, gùi gạo, đào công sự như lực sĩ, nhưng đến chiều bỗng dưng run cầm cập, quấn vào người bao nhiêu là màn xô, tăng, võng vẫn rét. Rét từ trong rét ra, giống như có một luồng khí rút hết hơi người trong ruột gan mà thổi tống ra ngoài cơ thể. Khi lên cơn sốt uống thuốc ký ninh là đỡ, cố gắng ăn rồi nằm nghỉ qua đêm, sáng hôm sau lại bình thường, đến chiều lại sốt. Cái chu kỳ ấy cứ lặp đi lặp lại cả tháng, cả năm…
Chúng tôi hành quân vào Trường Sơn được khoảng một tháng thì có chiến sĩ đã mắc sốt rét, lần đầu không biết cứ tưởng bị cảm, nhưng đến trạm nghỉ quân y họ nhìn thấy là phát hiện ra sốt rét liền. Có chiến sĩ bị giữ lại trạm giao liên, nhưng qua một đêm ngủ dậy thấy khỏe như không lại vác ba lô theo đoàn hành quân. Ban đầu với một vài chiến sĩ thì dễ, càng đi vào sâu, số chiến sĩ bị mắc sốt rét càng tăng, có người thì bộ đội thay nhau cáng, có người đành phải nằm lại bệnh xá của trạm giao liên.
Sốt rét là thứ bệnh phổ biến ở Trường Sơn, là kẻ thù cùng chung giường, chung võng. Chính “nó” đã loại khỏi vòng chiến đấu nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta khi chưa kịp cầm súng trên mặt trận.
Ca sốt rét ác tính đầu tiên tôi chứng kiến trên đường hành quân là ca của anh Chuyên, chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 44, Tiểu đoàn 11, Đoàn 22A, Quân khu 4. Anh Chuyên quê ở Yên Thành, Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An). Anh có cái sẹo vắt từ bên này sang bên kia cằm giống như bộ râu. Đó là di chứng của cái nhọt bị phẫu thuật mà quê tôi gọi nôm na là nhọt mạch lươn. Nó làm cho gương mặt điển trai của anh kém đi nhiều “chân kính”. Khi còn ở đơn vị huấn luyện, anh Chuyên là chiến sĩ văn nghệ vừa hát hay, vừa thổi sáo giỏi. Tiếng sáo anh cất lên nghe vừa tha thiết, vừa ríu ra ríu rít như có một vườn chim. Trước khi bị sốt rét ác tính, anh Chuyên đã bị sốt rét cơn nhiều ngày, nhưng anh không chịu nằm lại ở bệnh xá của trạm giao liên. Có lần sốt, đơn vị gửi anh ở bệnh xá, đến giờ nghỉ hành quân dọc đường đã thấy anh bám lẽo đẽo sau đội hình. Anh bảo nằm ở bệnh xá nhớ đơn vị và buồn không chịu được.
Hôm ấy, nghỉ ở trạm giao liên hai ngày, chúng tôi đi nhận gạo, thực phẩm bổ sung cho đủ cơ số, anh Chuyên thì sốt li bì nằm bẹp như gián trên võng. Sáng hôm sau hành quân vẫn không thấy đỡ, đại đội gửi lại bệnh xá thì anh không chịu, vì vậy chúng tôi cắt nhau cáng anh đi theo. Đi được nửa chặng đường thì anh bỗng giật đùng đùng trên võng. Mấy chiến sĩ đè xuống cho y tá tiêm ký ninh, nhưng chỉ được một lúc anh lại co giật sùi cả bọt mép, mắt trợn trừng trắng dã. Y sĩ đi bên cạnh lại lau mồ hôi, đắp khăn ướt cho anh và tiếp tục cáng anh đi. Một lúc sau, thấy anh Chuyên nằm yên, tưởng anh ngủ, chúng tôi yên tâm đi đến giờ nghỉ giải lao. Khi chúng tôi đặt cáng xuống thì không ngờ anh Chuyên đã tắt thở từ lúc nào. Cả đoàn quân lặng đi, không ai nói gì. Chúng tôi cáng anh đến trạm nghỉ và mai táng anh bên cạnh những ngôi mộ nằm kề nhau sát đường mòn. Cả đêm ấy, nhiều đứa trong đại đội tôi không ngủ.
Ở Trường Sơn, bộ đội bị sốt rét ác tính hy sinh trên đường hành quân hoặc ở hậu cứ đơn vị chiến đấu là chuyện thường gặp, nhất là vào mùa mưa, bộ đội rút ra hậu cứ để củng cố lực lượng. Nghe nhiều trường hợp, nhưng cơn sốt ác tính cướp đi anh Chuyên trên đường hành quân cứ ám ảnh tôi mãi. Và lần thứ hai tôi lại gặp một trường hợp hy sinh thật hy hữu.
Ngày ấy, sở chỉ huy tiền phương của tiểu đoàn tôi, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Phú Xuân, đóng quân tại thung lũng dưới chân điểm cao 450. Cách sở chỉ huy tiểu đoàn bộ đóng quân chừng một giờ đi rừng là một đơn vị bộ đội địa phương Thừa Thiên-Huế đang phối hợp chiến đấu với Trung đoàn Phú Xuân. Mỗi lần chuyển công văn, điện khẩn đến đơn vị bộ đội địa phương, chúng tôi phải đi qua một con đường rừng khúc khuỷu và rất cheo leo chạy dọc dài suốt bình độ 229. Hôm ấy, cũng như mọi lần, tôi chuyển công văn cho đơn vị bộ đội địa phương, cũng đi trên con đường mòn độc đạo dọc bình độ 229. Đi được khoảng mươi phút thì tôi vướng vào một tổ ong muỗi. Cả đàn ong muỗi bu vào mặt tôi, loại ong này không độc lắm, nó đốt như kiến cắn, nhưng nhiều con đốt khiến cho người bị đốt có thể sưng vù mặt, mí mắt tịt lại không mở ra được. Bị ong muỗi đốt bất ngờ, tôi vội chạy xuống con suối dưới chân đồi ngụp sâu xuống nước. Phải nhiều lần ngụp lặn xuống sâu, bọn ong muỗi không đốt được mới chịu bay đi.
Tôi vuốt mặt cắn răng chịu cơn đau, vạch một lối khác đi lên đường mòn để tránh đàn ong muỗi. Bỗng tôi giật mình phát hiện ra dưới khe núi có một chiếc võng treo lệch giữa hai thân cây. Nhìn chiếc võng và cách buộc dây, tôi đoán chắc đó là bộ đội ta rồi, nhưng tôi vẫn cẩn thận quan sát để tiếp cận. Vừa dò từng bước, tôi vừa tự hỏi tại sao người ngủ qua đêm mà lại không mắc tăng che mưa che gió? Rồi tôi lại nghĩ có lẽ anh bộ đội này cũng là lính trinh sát hay liên lạc như tôi thường đi một mình, mệt quá treo võng nghỉ một lúc. Tôi phục mãi vẫn không thấy người trên võng cựa quậy hay trở mình nên sinh nghi. Biết đâu mình mắc bẫy nghi binh của biệt kích địch. Vì vậy tôi cẩn trọng quan sát xung quanh, chờ đợi và phán đoán tình hình. Nhưng chờ mãi, đợi mãi tôi vẫn không phát hiện thêm điều gì. Tôi lại dò dẫm từng bước tiến gần chiếc võng và hoảng hốt nhận ra một chiến sĩ đã chết trên võng không biết tự bao giờ. Có lẽ rất lâu rồi, qua mưa, qua nắng, cơ thể anh đã phân hủy chỉ còn hài cốt trong bộ quân phục và chiếc mũ tai bèo úp trên hộp sọ. Không cần phải suy đoán nữa, chắc chắn người lính hy sinh trên chiếc võng đang đi làm nhiệm vụ thì bất ngờ cơn sốt rét ác tính ập đến. Anh chỉ kịp treo võng nằm và mãi mãi không dậy nữa…
Khi cầm bút ghi lại những câu chuyện này, tôi vẫn có cảm giác những ngón tay cứ run run theo từng nét chữ. Có mùa mưa dưới chân dốc H15 hay trên A Vao, A Lưới, nhiều lần tôi đi đào măng rừng cơn sốt cũng bất chợt đến. Những lúc như thế tay cầm chiếc xẻng cũng không nổi, đồng đội ôm nhau dìu về hậu cứ. Nằm trong hầm chữ A, đắp lên người đống chăn áo rồi mà cơn sốt vẫn run bần bật.
HỒ ANH THẮNG