Dọc đường vừa hành quân vừa truy quét tàn binh địch, một cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là sự tan tác hỗn loạn của lính Việt Nam cộng hòa (VNCH). Xe cộ, súng đạn, quần áo, túi xách, ba lô vứt la liệt ngổn ngang hai bên đường. Từng tốp lính ngụy áo quần xộc xệch, nhiều tên cởi trần, có tên chỉ dính trên người mảnh quần xà lỏn, bộ dạng sợ hãi, tiều tụy cúi gằm xuống mặt đường đi về các hướng. Ở một vài thị trấn, thị xã, chúng tôi đi qua vẫn nghe tiếng súng nổ. Nhiều đám tàn binh, thậm chí cả những toán địch còn lẩn lút sau những ngôi nhà xây đổ nát tiếp tục chống trả.
Đêm 25-4-1975, đơn vị tôi vào đến khu vực giáp ranh tỉnh Bình Thuận (ngày nay) và tỉnh Đồng Nai, chính thức tăng cường vào đội hình chiến đấu của Quân đoàn 4, sẵn sàng cho trận quyết chiến lịch sử. Tất cả anh em trong đơn vị được phát mỗi người một chiếc băng vải nửa xanh, nửa đỏ đeo vào cánh tay trái. Đơn vị được phổ biến, quân đoàn có nhiệm vụ đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Biên Hòa, đánh chiếm hai đầu cầu trên sông Đồng Nai, mở cửa đột kích vào Sài Gòn.
Đêm 26-4-1975, khi đơn vị vừa đến địa điểm cách Trảng Bom chừng 5-6km thì bị ngay trận pháo kích của địch từ yếu khu Trảng Bom giội xuống. Anh em lập tức tản vào rừng cao su, lợi dụng các rãnh nước bên bìa rừng, vừa ẩn nấp, vừa đào hầm hố sẵn sàng cho trận chiến đấu mới. Cùng thời điểm này, Sư đoàn 341 được xe tăng và pháo binh yểm trợ triển khai đội hình chuẩn bị tấn công yếu khu Trảng Bom. Mờ sáng 27-4, sau đợt phủ đầu mãnh liệt bằng pháo binh, các tiểu đoàn của ta mở đợt tấn công yếu khu Trảng Bom. Quân địch dựa vào công sự kiên cố, nhà cao tầng phản công quyết liệt. Mặt khác, chúng dùng xe tăng đánh thẳng vào bên sườn đội hình tiến công của Tiểu đoàn 5 và 6, Sư đoàn 341, buộc anh em phải rút vào rừng cao su củng cố lực lượng. Vào lúc căng thẳng nhất, quân đoàn sử dụng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273 tấn công thẳng vào trung tâm yếu khu. Các tiểu đoàn còn lại của Sư đoàn 341 kết hợp hỏa lực vừa và nhỏ tiếp tục tiến công. Đến gần 9 giờ sáng 27-4, toàn bộ quân địch ở yếu khu Trảng Bom bị tiêu diệt. Cùng thời điểm này Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 226 được tăng cường xe tăng, pháo binh tấn công khu vực phòng thủ của địch kéo dài nhiều cây số trên Đường 1. Quân địch ở các điểm phòng thủ được pháo hạng nặng chi viện chống trả quyết liệt, hòng ngăn không cho quân ta tiến công. Ngay lập tức lực lượng bộ binh ta được pháo binh chi viện bắn trả mãnh liệt vào các trận địa pháo địch. Pháo binh còn tập trung bắn phá sân bay Biên Hòa, buộc địch phải di chuyển phần lớn máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất. Đến trưa, tất cả chốt phòng ngự của địch ở ấp Hưng Nghĩa và Bàu Cá bị tiêu diệt. Ta làm chủ một đoạn đường dài nhiều ki-lô-mét trên Đường 1, đẩy quân địch co cụm về gần thị xã Biên Hòa. Chiều 27-4, tàn quân địch ở Trảng Bom và các chốt lân cận tháo chạy hỗn loạn về suối Đia. Từ các trận địa phục kích, quân ta dũng mãnh tấn công tiêu diệt và làm tan rã hơn 2.000 tên địch, hơn 100 xe quân sự. Sư đoàn 341 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đầu cuộc tấn công của quân đoàn trên hướng đông bắc.
Ngày 28-4-1975, trên hướng tấn công vào các tuyến phòng thủ của địch ở hướng đông diễn ra vô cùng ác liệt. Để mở rộng đường tiến công của ta, Sư đoàn 341 được pháo binh chi viện bắn phá các trận địa pháo binh địch. Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 4 có xe tăng mở đường đột phá căn cứ Hố Nai. Cuộc chiến giằng co quyết liệt suốt từ sáng cho đến tận chiều quân ta mới vào được ấp Hố Nai 1. Ta và địch mặt đối mặt, giằng co nhau từng căn nhà, dãy phố nên các mũi tiến công chậm chạp. Quân địch dựa vào công sự vững chắc và chướng ngại vật điên cuồng chống trả. Mãi đến sáng 29-4, sư đoàn được tăng cường 5 xe tăng đi đầu lao thẳng vào các ổ đề kháng của địch. Các lực lượng bộ binh bám sát phía sau nhanh chóng chiếm lĩnh từng công sự, dãy phố. Nhưng khi đơn vị tiến đến ngã ba Hố Nai hướng đi Biên Hòa gặp phải nhiều tuyến giao thông hào, xe tăng của ta khựng lại. Sư đoàn nhanh chóng quyết định để lại một lực lượng chặn địch, còn lực lượng lớn vòng qua phía bắc đánh thốc xuống sân bay Biên Hòa. Đêm 29-4, quân đoàn điều Sư đoàn 6 tiêu diệt toàn bộ quân địch, phá hủy hàng chục xe tăng, xe thiết giáp ở Hố Nai.
Căn cứ Hố Nai bị đập tan, nhưng tàn binh địch vẫn lẩn trốn trong các khu nhà cao tầng và các khu phố đông dân cư dùng súng AR15, M79 tập kích vào lực lượng ta. Một số xe và pháo binh của ta do phải hành quân gấp vào Sài Gòn nên bị tàn binh địch bắn trúng làm hư hại nhiều phương tiện. Lực lượng ta buộc phải dừng lại tổ chức truy quét tàn binh rồi mới tiếp tục mở rộng đường tiến quân, vừa đi vừa đánh.
Mờ sáng 30-4, tất cả các hướng tiến công của ta ào ạt đánh chiếm các căn cứ quân sự quan trọng của địch ở Sài Gòn. Ở hướng đông, các lực lượng Quân đoàn 4 đánh tới thị xã Biên Hòa, nhưng vì địa hình phức tạp, đường tiến công hẹp, cầu cống lại yếu nên bị chững lại. Quân địch tại căn cứ Biên Hòa, khu vực phòng thủ mạnh nhất của địch trước cửa ngõ Sài Gòn vẫn tiếp tục chống trả quyết liệt. Trong thời điểm khẩn trương của chiến dịch, Bộ tư lệnh Quân đoàn lệnh cho Sư đoàn 6 tập trung toàn bộ lực lượng truy quét tàn binh địch đang còn lẩn trốn trong nhà dân, hoặc dựa vào công sự ngoan cố chống trả. Sư đoàn 6 tổ chức thành nhiều mũi tấn công tiêu diệt những mục tiêu còn lại ở căn cứ Biên Hòa. Đơn vị tôi cùng Sư đoàn 341 vượt cầu đường sắt Biên Hòa bằng xe tải, đánh chiếm các mục tiêu quân sự của địch tại quận Gò Vấp, quận 3 và quận 10.
Trong 4 ngày quyết chiến trước cửa ngõ Sài Gòn, đơn vị tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bọc lót, hậu thuẫn vững chắc cho Sư đoàn 341 tiến công đánh chiếm căn cứ Trảng Bom, Hố Nai, căn cứ Biên Hòa. Trung đoàn sử dụng lực lượng mũi nhọn ráo riết truy quét tàn binh địch trên đường tiến quân và tiêu diệt những điểm chốt của địch còn sót lại hai bên Đường 1 từ Trảng Bom đến Hố Nai, dọn đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Có một điều, cho đến hôm nay những người lính Trung đoàn 52 chúng tôi vẫn không thể quên, đó là sự cố đau lòng xảy ra trước thời điểm quan trọng nhất của chiến dịch. Vào lúc 8 giờ sáng 30-4, khi chúng tôi đang lên xe tải chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, một tình huống bất ngờ xảy ra. Một quả B41 rơi thẳng từ trên mui xe xuống mặt đất. Tiếng nổ vang dậy giữa đội hình. Trong khoảnh khắc, quầng khói cuộn lên, đất đá bay tứ tung... Tình huống lúc đó hết sức khẩn trương, chúng tôi bàn giao anh em hy sinh và bị thương cho bộ phận thu dung đơn vị, sau đó tiếp tục hành quân tiến vào Sài Gòn. Một tổn thất đáng ra không nên có. Nhưng đó là chiến tranh. Có những điều vượt ra ngoài dự tính...
Mỗi năm khi những người lính Trung đoàn 52 gặp gỡ nhau nhân ngày truyền thống, chúng tôi không khỏi bùi ngùi nhắc lại sự cố trên. Một sơ suất thật đau lòng, nhất là khi chỉ còn ít giờ đồng hồ nữa là Sài Gòn hoàn toàn giải phóng...
TRẦN ANH THÁI