Từng là chiến sĩ tình báo hoạt động nội thành, nhưng rồi bị bắt, bị tù 17 năm. Được trả tự do nhưng phải mất 6 năm ròng gia đình đi khiếu nại, kêu oan mới được tòa án tuyên vô tội. Đến khi được tặng tấm huân chương thì ông đã qua đời trước đó 7 tháng.

Trong một căn phòng hẹp ở ngõ Quan Thổ 3, phố Tôn Đức Thắng, TP Hà Nội, bà Nguyễn Phương Mỹ, giáo viên nghỉ hưu, đã kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời của người cha kính yêu-ông Nguyễn Văn Phổ, từng là tình báo viên của ta những năm đầu cách mạng. Bà tặng tôi một số tài liệu của gia đình, trong đó có một văn bản viết tay, nét chữ của ông Nguyễn Văn Phổ đề ngày 10-4-1973. Văn bản đề nghị (mà thực chất là bản kiểm điểm) dài 10 trang được phô-tô trên khổ giấy A4. Trước mắt tôi là những dòng chữ ngay ngắn, đều đặn mà mỗi dòng đều ẩn chứa sự éo le của số phận con người...

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Phổ (bên trái) và ông Trần Quốc Hương tại gia đình ông Phổ ở Hà Nội. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp. 

Nguyễn Văn Phổ sinh ngày 6 tháng Giêng năm 1917 tại số nhà 34 phố Mã Mây. Là con thứ 7 của ông chủ báo Nguyễn Văn Vĩnh nổi tiếng Hà thành, từ nhỏ, Nguyễn Văn Phổ được đi học chu đáo. Khi gia đình gặp cảnh túng quẫn, anh phải nghỉ học, đi làm thợ sắp chữ trong nhà in Báo Trung Bắc Tân Văn của cha cho đến ngày Khởi nghĩa Tháng 8-1945. Trong những ngày sục sôi cách mạng ấy, Nguyễn Văn Phổ cùng những người thợ in truyền đơn cách mạng. Năm 1946, Nguyễn Văn Phổ có tham gia in giấy bạc Việt Nam ở Cơ quan Ấn loát Bộ Tài chính do ông Phạm Quang Trúc  phụ trách.

Kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Văn Phổ tản cư về Ân Thi, Hưng Yên. Trong văn bản gửi các vị lãnh đạo Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Giám đốc Công an TP Hà Nội... có đoạn như sau: “Đầu năm 1948, tôi gặp anh Nguyễn Trần Huyên là người tôi quen biết và có cảm tình từ trước. Anh hỏi tôi về công việc làm ăn và có đồng ý nhận một công tác nội thành cùng làm với anh thì anh cho người đưa về Hà Nội. Tôi nhận lời với anh Huyên và sau đó ký giấy nhận làm việc với Cục Tình báo, Bộ Quốc phòng của ta… Tôi được đưa về Hà Nội khoảng tháng 2-1948, cùng về Hà Nội với tôi có anh Vũ Bằng làm nghề viết báo…”.

Nguyễn Văn Phổ về Hà Nội làm trong các nhà in Tê-rê-xa, Trần Đăng Lộc, Nhà in Quốc gia, kể cả làm việc tại Đài I-rông-đen (Hirondelle, thường gọi là đài Con Én), sau vào Phòng Thông tin, mà thực chất đây là cơ quan tình báo Mỹ. Chính trong thời gian này, anh đã lấy được nhiều tài liệu có giá trị về mặt quân sự gửi về căn cứ, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tháng 9-1954, ngụy quyền giảm thợ và có kế hoạch chuẩn bị đưa nhà in vào Nam. Nguyễn Văn Phổ theo chỉ thị của cấp trên đã lấy được nhiều tài liệu của địch gửi ra ngoài. Anh còn được giao nhiệm vụ tìm hiểu tình hình giới tư sản Hà Nội trước ngày Chính phủ về tiếp quản Thủ đô…

Hòa bình lập lại, Nguyễn Văn Phổ cùng toàn bộ đường dây tình báo được tổ chức cài tiếp vào hoạt động tại Sài Gòn. Nhưng do hoàn cảnh gia đình, ông xin tổ chức cho ở lại, làm thợ ảnh kẽm tại Nhà in Nguyễn Tham trên phố Hàng Bông.

Biến cố bất ngờ ập đến. Ngày 29-9-1955, Nguyễn Văn Phổ bị bắt ở xưởng ảnh kẽm phố Hàng Bông với tội danh làm gián điệp, phá hoại, lấy cắp của công. Ngôi nhà số 25 Nguyễn Gia Thiều trên phố nhỏ rợp mát bóng cây, yên tĩnh quanh năm quay lưng ra phía hồ Thiền Quang, bao năm nay là nơi tổ ấm, bỗng chốc bị tịch thu. Tất cả gia đình gần chục người phải ở nhờ trong một căn gác rộng 16m2 trong ngõ Liên Trì, cách nhà cũ chừng trăm mét.

Tòa tuyên án tù 15 năm nhưng Nguyễn Văn Phổ đã ngồi tù 17 năm 1 tháng 1 ngày, qua nhiều trại giam, từ Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên. Ngày 30-10-1972, ông được ra tù nhưng phải nhọc nhằn, khốn khó trải 6 năm ròng gia đình khiếu nại, kêu oan. Ngày 28-3-1978, tại phiên tòa giám đốc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tuyên ông vô tội và phục hồi mọi quyền lợi, chế độ. Năm 1990, UBND TP Hà Nội cấp cho ông căn hộ tập thể tầng 4 ở Bắc Thanh Xuân. Tháng 5-1981, ông được hưởng lương hưu 40 đồng/tháng. Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Hương đã từ miền Nam ra Hà Nội thăm ông Phổ.

Tháng 7-1995, ông được trả 100 triệu đồng, là tiền trợ cấp tuổi già đau yếu sau hơn 17 năm đi tù oan. Năm 1996, Bộ Quốc phòng cấp thêm cho ông 1 căn hộ tập thể ở tầng 1, Khu tập thể quân đội ở Nghĩa Tân. Năm 1997, ông được Chủ tịch nước tặng 2 Huân chương Kháng chiến hạng ba và hạng nhì nhưng huân chương đến với gia đình thì ông đã quy tiên trước đó 7 tháng!

Về sự kiện này, người con gái cả của ông là bà Nguyễn Phương Mỹ đã tưởng nhớ hương hồn cha với những dòng chữ xúc động: “Tôi run run mở bọc giấy, treo tấm bằng huân chương bên cạnh ảnh người. Trong khói hương, tôi nhìn thấy cha tôi nhoẻn miệng cười, vẫn nụ cười quen thuộc, thân thiết ấy. Văng vẳng đâu đây câu người thường nói với chúng tôi: Các con, mỗi cỗ máy muốn chuyển động tới đích đều phải nhờ có lực đẩy, dầu mỡ bôi trơn. Song, khi tới đích đâu phải tất cả đều còn lại để khoe công của mình. Bánh xe lịch sử cũng vậy, các con hãy coi gia đình ta là một trong vô vàn những giọt dầu văng đi không ai biết tới ấy!”.

Lúc trở về với đời thường, ông Phổ đã gần 60 tuổi, lại nhiễm bệnh lao. Người bạn đời của ông, bà Lê Thị Ý chịu quá nhiều khổ đau đã tìm nơi nương nhờ cửa Phật.

Các con của ông cứ lớn lên theo năm tháng, rồi tới lúc trưởng thành, đi học đi làm. Cả 7 đứa con ông Phổ đều học giỏi nhưng tuyệt nhiên không một ai bước tới cổng trường đại học mà có một thời không phải thi tuyển, chỉ xét theo lý lịch gia đình. Các con ông, người thì làm nhân viên thống kê, người giữ chân thợ cắt, thợ may. Người mẹ thì làm nhân viên y tá của Hợp tác xã May Thống Nhất Hà Nội… Duy nhất có cô con gái đầu lòng Nguyễn Phương Mỹ học hết lớp 10 (tương đương tú tài), được gọi đi học sư phạm rồi trở thành cô giáo cấp 2 cho đến lúc về hưu... Người con trai ông Phổ là Nguyễn Lân Sử thấy bạn bè tới tấp nhận giấy đi học, còn mình không được vào đại học đã cắn ngón tay lấy máu, viết đơn xin đi bộ đội, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như muôn ngàn thanh niên lúc bấy giờ. Nhưng nhìn vào lý lịch… chẳng ai dám duyệt. Không chịu ở nhà khi Tổ quốc đang cần sức trẻ, Nguyễn Lân Sử lại tình nguyện lên nông trường Điện Biên xa xôi, định lấy cái màu xanh của cây rừng Tây Bắc, cái sương khói từ sơn khê che vợi đi thân phận một kẻ có cha bị tù, bị kết tội làm gián điệp. Ẩn sâu như thế, Lân Sử vẫn bị phát hiện là người thành phần lý lịch có vấn đề: Ông nội từng là thông ngôn cho Pháp, từng làm chủ bút của 7 tờ báo trong nước, là nhà tư sản… Lân Sử bị trả về địa phương. Cũng nhờ có cái gen của ông cha hào hoa, Lân Sử biết vẽ, làm thuê cho Sở Văn hóa, chuyên làm áp phích triển lãm.

Người con gái là Nguyễn Hồng Mỹ đã vất vả loay hoay mới xin được vào một đơn vị thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo đảm cầu phà nơi tuyến lửa trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Nguyễn Văn Phổ cũng không thể biết rằng, vợ ông đang tuổi 35 khao khát tình yêu, không chỉ xa chồng hiu quạnh mà còn chịu sức ép tâm lý. Đó là những lời đơm đặt, đàm tiếu của người đời và đỉnh cao là phải thôi chức Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ khu Hàng Cỏ vì có chồng đi tù... Nỗi khổ đau dồn nén trong lòng người đàn bà lâu quá nên chồng ra tù rồi, các con đã khôn lớn, bà không còn mấy cảm xúc cuộc đời trần tục, đã rũ áo ra đi tìm nơi cửa thiền, tĩnh tâm tu học kinh Phật.

Câu chuyện tuy đau xót nhưng kết thúc có hậu. Tôi rất tâm đắc lời bà Nguyễn Phương Mỹ, con gái cả của người chiến sĩ tình báo Nguyễn Văn Phổ: “Cha ơi, nếu như không có các đồng chí, đồng đội, những người làm chính sách đã không quản vất vả, từng bước gỡ từng nút rối, để minh oan, đòi quyền lợi cho gia đình ta thì làm sao có được giây phút hôm nay, tấm huân chương này!”.

KHÚC HÀ LINH