Cựu chiến binh Nguyễn Doãn Thanh, nguyên cán bộ Ban Tài vụ, Sư đoàn 341B (sau này đổi thành Sư đoàn 391, rồi Lữ đoàn 391 thuộc Binh đoàn 12 và giải thể năm 1990), vẫn nhớ như in về những ngày cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341B thần tốc thi công khôi phục tuyến đường sắt từ Minh Cầm thuộc huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đến Tiên An thuộc huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đây là đoạn phức tạp nhất trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất. Ngoài cầu, đường bị chiến tranh và thiên nhiên tàn phá nặng nề, hệ thống nhà ga, thông tin liên lạc, tín hiệu và thiết bị chạy tàu hầu như không còn sử dụng được; cùng với đó là khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, nhiều bom, mìn còn sót lại…

Hội đồng Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng thi công tuyến Minh Cầm-Tiên An, dài 143,5km và yêu cầu phải khẩn trương thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn. Để thực hiện nhiệm vụ phức tạp, nặng nề này, tháng 11-1975, Bộ Quốc phòng quyết định tách một số lực lượng của các đơn vị thuộc Quân khu 4 thành lập Sư đoàn 341B, do đồng chí Nguyễn Cận làm sư đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Địch Sơn làm chính ủy. Với quân số hơn 10.000 người và được tăng cường một số cán bộ kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, sư đoàn được giao nhiệm vụ trực tiếp thi công khôi phục tuyến Minh Cầm-Tiên An.

leftcenterrightdel

Người dân TP Hồ Chí Minh vui mừng đón đoàn tàu Thống Nhất xuất phát từ Hà Nội vào Thành phố mang tên Bác, ngày 4-1-1977. Ảnh tư liệu.

Cựu chiến binh Nguyễn Doãn Thanh chia sẻ rằng, vừa gác súng đạn, giờ chuyển sang làm nhiệm vụ mới nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Đơn vị phải xây dựng lại các nhà ga, mở mỏ đá, rà phá bom, mìn còn sót lại, kỹ thuật xây dựng đường sắt... trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn thực phẩm. Nhưng với quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341B ngày đêm nỗ lực thi công, làm việc tăng ca. Ban Tài vụ sư đoàn phải lập chi nhánh ở Hà Nội để thuận tiện cho việc liên hệ, giao dịch với Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, kịp thời đáp ứng vốn cho nhiệm vụ thi công công trình.

Tháng 8-1976, đồng chí Đỗ Mười, Phó thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp giữa Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam và Sư đoàn 341B bàn về tiến độ cùng các giải pháp để đẩy nhanh thi công tuyến đường sắt Minh Cầm-Tiên An. Tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Mười hỏi đồng chí Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: “Cuối tháng 12 này liệu có khả năng tàu chạy thông tuyến được không?”. Đồng chí Nam Hải đứng dậy một lúc nhưng chưa dám khẳng định. Phó thủ tướng mời đồng chí Nguyễn Cận cho ý kiến. Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341B Nguyễn Cận đứng dậy, dõng dạc: “Báo cáo Phó thủ tướng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị sẽ quyết tâm thông tuyến trong năm 1976. Chúng tôi đã lên kế hoạch và dự định sẽ làm lễ khánh thành vào dịp 22-12, đúng vào kỷ niệm 32 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi đề nghị các bộ, ngành liên quan bảo đảm vật tư đầy đủ, kịp thời để đơn vị tiến hành thi công xây dựng”.

Phát biểu của đồng chí Nguyễn Cận làm tất cả mọi người có mặt trong cuộc họp ngỡ ngàng và kính nể vì sự quyết đoán, tinh thần vượt khó của những người lính trên trận tuyến mới.

Trong trí nhớ của cựu chiến binh Nguyễn Doãn Thanh, những câu khẩu hiệu ngày ấy như: “Mỗi người làm việc bằng hai”; “Tất cả vì nhiệm vụ xây dựng, kiến thiết Tổ quốc”… đã trở thành mệnh lệnh để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341B cùng các đơn vị làm việc ngày đêm miệt mài, sáng tạo không ngừng nghỉ. Ngày 22-12-1976, tuyến đường sắt Minh Cầm-Tiên An xong trước kế hoạch hơn một tuần. Ngày 31-12-1976, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh diễn ra lễ khánh thành bước 1 đường sắt Thống Nhất với hai đoàn tàu chở khách cùng xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, đánh dấu việc nối liền đường sắt Bắc-Nam sau hơn 30 năm gián đoạn.   

NGUYỄN CHÍ HÒA