Nơi đây trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, điểm khởi phát của các phong trào biểu tình, tuần hành, bãi công, đấu tranh của các tầng lớp học sinh, sinh viên, công nhân, thợ thuyền…
Theo PGS, TS sử học Hà Minh Hồng, Bàn Cờ xưa vốn là nơi sình lầy, hoang vắng nằm trên địa bàn quận 3. Xung quanh Bàn Cờ là các cơ quan đầu não, đồn bốt của Mỹ, ngụy. Dù liên tục bị địch bao vây, lùng sục, bắt bớ nhưng địa bàn này vẫn là “lõm” chính trị kiên trung, tin cậy của cách mạng. Còn “lõm” chính trị căn cứ Bảy Hiền hình thành từ năm 1950, khi những người dân miền Trung (chủ yếu là xứ Quảng) vào Nam lập nghiệp đã chọn khu vực này làm nơi bám trụ với nghề dệt vải. Ngã tư Bảy Hiền là cửa ngõ trấn thủ quan trọng để vào nội thành nên địch bố trí dày đặc các căn cứ quân sự và trại lính. Khu dân cư Bảy Hiền nằm lọt thỏm trong lòng địch, âm ỉ cháy ngọn lửa cách mạng, trở thành nơi che chở cho những cán bộ hoạt động nằm vùng.
    |
 |
“Người mẹ Bàn Cờ” Trần Thị Ngọc Sương (ngồi bên trái) cùng gia đình sum họp. Ảnh tư liệu. |
Bà Trần Thị Ngọc Sương, 86 tuổi, ngụ tại phường 3 (quận 3), một trong những “người mẹ Bàn Cờ” năm xưa, nhớ lại: “Ngày đó, ít thông tin lắm, thỉnh thoảng bà con mới được cán bộ bí mật thông báo tình hình chiến sự và chủ trương của Đảng. Thế nhưng hễ cứ nghe được những gì Bác Hồ kêu gọi là bà con Sài Gòn phấn khởi tin theo, bảo nhau làm bằng được”…
Với hệ thống hầm bí mật ngay trong nhà, cả vùng “lõm” chính trị đều ngụy trang hết sức tinh vi, kín đáo, hình thành các “trạm giao liên” dưới vỏ bọc của các tiệm tạp hóa, quầy hàng, trường học, ngôi chùa, thậm chí là từ những người bán hàng rong, học sinh, sinh viên... Căn nhà của bà Sương ở hẻm 51 Cao Thắng, phường 3 được sử dụng làm trụ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bà Sương đã vận động bà con kiên trung trong hẻm hình thành đường dây vận chuyển tài liệu phục vụ cách mạng. Ông Nguyễn Trọng Xuất, 88 tuổi, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP Hồ Chí Minh, ngụ tại phường 3, quận 3, người trưởng thành trong chiếc nôi cách mạng Bàn Cờ, kể: “Sau chiến thắng Ấp Bắc, ngày 25-3-1963, Trung ương Cục quyết định phát động Phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Phong trào nhấn mạnh việc tiết kiệm, nuôi quân; phòng gian bảo mật, ủng hộ bộ đội, du kích. Bà con vùng “lõm” bảo nhau đào hầm trong nhà nuôi bộ đội, gom góp gạo, bông băng, thuốc men tiếp tế cho cán bộ, du kích địa phương. Nhờ những việc làm thiết thực, cụ thể ấy mà phong trào cách mạng trong nội thành ngày một lên cao...”.
Ở vùng “lõm” chính trị căn cứ Bảy Hiền, người dân địa phương đã tận dụng môi trường lao động của xóm dệt thủ công, đông người vào ra mua bán, nhiều đường ngang ngõ tắt để xây dựng cơ sở bí mật phục vụ cách mạng. Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền (Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định), nằm vùng chiến đấu cùng bà con Bảy Hiền, nhớ lại: “Trong một lần nghe thầy Thích Tâm Thanh, trụ trì chùa Phổ Hiền, thuyết pháp về chống bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu, cả vùng “lõm” rủ nhau đốt thẻ cử tri để phản đối bầu cử, đòi hòa bình, chống chiến tranh. Tụi lính dã chiến kéo đến đàn áp, bà con trèo lên nóc nhà bỏ ống tơ, thùng phuy ra đường để chúng trượt chân té ngã, lấy gạch đá nện xuống. Nhiều tên sứt đầu, mẻ trán. Cầm cự không nổi, tụi lính phải rút lui. Bà con vui mừng động viên nhau đoàn kết, đồng lòng, mỗi nhà là một chiến lũy, chặn đánh địch ngay từ đầu làng, không để cơ sở lọt vào tay địch”.
Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tinh thần yêu nước, khí thế thi đua của người dân vùng “lõm” Bảy Hiền lại dâng lên ngùn ngụt. Theo lời kể của ông Nguyễn Hồng Giáo, nguyên cán bộ Đội vũ trang tuyên truyền, người có nhiều năm sát cánh với bà con vùng “lõm”, trước yêu cầu của khu ủy phải chuẩn bị gấp một lượng lớn cờ Tổ quốc, cờ ngũ sắc phục vụ cho ngày toàn thắng, ông Giáo đã thông tin nhờ bà con Bảy Hiền. Hàng nghìn hộ dân đã tự nguyện may cờ suốt ngày đêm, nhà nào cũng cố gắng may được nhiều nhất cung cấp đủ yêu cầu, vượt trước thời gian dự định…
HOÀNG THÀNH