QĐND - Lữ đoàn Pháo binh 45 (Đoàn Tất Thắng)-Binh chủng Pháo binh có lịch sử và chiến công khá đặc biệt. Trong kháng chiến chống Pháp, lữ đoàn đã tổ chức tháo pháo xuôi bè, được Đại tướng Hoàng Văn Thái gọi là cuộc “hành quân huyền thoại”. Đây cũng là đơn vị đã bắn phát đạn đầu tiên mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ và bắn những loạt đạn cuối cùng vào Bộ Tổng tham mưu ngụy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, Lữ đoàn Pháo binh 45 còn có vinh dự lớn khi được giao nhiệm vụ: Bắn pháo lễ trong nhiều sự kiện trọng đại của đất nước...
 |
Lực lượng của Lữ đoàn Pháo binh 45 làm nhiệm vụ bắn pháo lễ mừng 70 năm Quốc khánh 2-9-2015. Ảnh: TRẦN THÁI |
Từ cuộc “hành quân huyền thoại”
Sau Chiến dịch Biên Giới năm 1950, Trung đoàn 34 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 45) nằm trong đội hình Đại đoàn 351 được lệnh sang Mông Tự (Trung Quốc) học pháo 105mm-loại pháo có hỏa lực mạnh nhất thời bấy giờ, tiếp nhận khí tài và chuyển về nước để trở thành đơn vị pháo binh xe kéo đầu tiên của Quân đội ta. Đầu năm 1953, sau một thời gian huấn luyện chuyển binh chủng gian khổ, trung đoàn được lệnh hành quân về nước và đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 45 Tất Thắng. Theo CCB Đào Tam Trọng, phiên dịch viên của đơn vị kể lại: Việc đưa pháo về vốn có ba phương án nhưng trung đoàn đề nghị với cấp trên chọn phương án bí mật, an toàn hơn dù khá táo bạo là tháo rời pháo ra và đi theo đường sông xuôi bằng mảng từ Lào Cai về bến Âu Lâu, Yên Bái. Vấn đề này phía bạn phản đối vì những cỗ pháo của Mỹ đều làm bằng máy rất chính xác, nay dỡ pháo ra coi như là pháo hỏng vì sẽ không còn độ chính xác khi bắn nữa.
Nhưng sau thời gian khảo sát thực địa và tranh luận nảy lửa, cấp trên vẫn quyết định cho làm bè mảng, tháo 20 cỗ pháo thả xuôi bè như dự định. Vậy là một cuộc “hành quân huyền thoại chưa từng có đã được tiến hành” (lời Đại tướng Hoàng Văn Thái-PV). Với ý chí cách mạng kiên cường, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và huy động được nhiều nhân tài, vật lực, đơn vị đã bảo đảm cho cuộc hành quân thắng lợi. Hàng chục khẩu trọng pháo, xe cơ giới các loại, gần 100 tấn đạn pháo cùng nhiều trang bị kỹ thuật của trung đoàn đã được chuyển về hậu cứ an toàn. Trong chuyến đi tiền trạm đầu tiên, CCB Đào Tam Trọng cũng có mặt. Hình ảnh những chiếc bè mảng chở các bộ phận pháo lướt trên dòng nước, lúc chúi xuống lúc ngóc lên, lách ngang, vượt chéo qua nhiều khúc sông nguy hiểm như Hàm Hổ, Hàm Rồng với những mỏm đá lởm chởm trên 100km đường sông thường được ông kể lại cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 45 nghe trong mỗi lần gặp mặt truyền thống. Và họ cùng tự hào rằng, những cỗ pháo xuôi bè ngày đó sau này đã cùng với Đoàn Tất Thắng bắn thẳng vào cứ điểm Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu rồi góp mặt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi bắn những quả đạn pháo vào dinh lũy cuối cùng của chính quyền ngụy-Sài Gòn.
Đến tiếng đại bác trong ngày Đại lễ
Là đơn vị huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu nhưng đồng thời cũng là đơn vị thường xuyên được Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Pháo binh giao những nhiệm vụ quan trọng. Từ năm 2010, lữ đoàn vinh dự được giao nhiệm vụ bắn pháo lễ trong nhiều dịp đại lễ, như: 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, 70 năm Quốc khánh; hay làm nhiệm vụ quốc tế, giúp đỡ Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia huấn luyện bắn pháo lễ tại Lễ hỏa táng và Lễ chuyển di cốt cựu Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-núc... Cái tên “Đoàn Pháo lễ” ra đời cũng xuất phát từ việc đơn vị
đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Đại tá Nguyễn Xuân Quý, Lữ đoàn trưởng-người trực tiếp chỉ huy, điều hành tổ chức thực hiện từ khi anh còn là Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng chia sẻ: Tháng 10-2010, lần đầu tiên đơn vị được giao bắn pháo lễ phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới mà Bộ Quốc phòng giao cho Bộ tư lệnh Pháo binh, trực tiếp là Lữ đoàn 45 thực hiện. Trước đây bắn pháo lễ không phải chức năng của Bộ đội Pháo binh nên khi nhận chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi khá bất ngờ. Đơn vị chưa có lực lượng chuyên trách, phải chọn hạt nhân từ các đơn vị trực thuộc mới đủ quân số, giao cho một đồng chí lữ đoàn phó đóng vai tiểu đoàn trưởng tổ chức huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ”.
Nhớ lại thời điểm đó, anh Quý kể rằng, cùng với các bộ phận được triệu tập, các anh tranh thủ thời gian tìm đọc tài liệu để hiểu rõ mục đích và yêu cầu của bắn pháo lễ, xem băng ghi hình bắn pháo lễ của các nước trên thế giới để học kinh nghiệm... Đại tá Nguyễn Công An, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: “Để đáp ứng tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc” và huấn luyện với cường độ cao, quá trình tổ chức huấn luyện được chúng tôi thực hiện hết sức cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo cả về con người và vật chất, trang thiết bị huấn luyện”.
Không gì tốt hơn bằng trực quan sinh động, cán bộ hướng dẫn từng động tác cụ thể để các pháo thủ luyện tập thành thục. Bắn pháo lễ khó nhất là làm thế nào để 21 loạt đại bác nổ đều trên nền nhạc quốc ca kéo dài trong khoảng thời gian nhất định. Phải mất gần 3 tháng kiên trì tập luyện, rồi tổng duyệt các lực lượng mới chính thức triển khai nhiệm vụ. Binh nhất Nguyễn Tiến Tân, pháo thủ số 1-người vinh dự hai lần tham gia bắn pháo lễ hào hứng nhớ lại: Mặc dù động tác của tôi trong khẩu đội là đơn giản nhất, nhưng để động tác giật cò của cả 25 người đều và thống nhất như nhau không đơn giản chút nào. Sau mỗi tiết học, trong giờ nghỉ giải lao tôi lại cùng với các pháo thủ trong đội thảo luận thêm, hướng dẫn nhau từng động tác cho thật thành thục mới nghỉ.
Trong những ngày lễ lớn của đất nước diễn ra gần đây, từ vị trí đặt pháo ở Hoàng thành Thăng Long, những chiến sĩ pháo binh Lữ đoàn 45 đều rất nghiêm trang hướng về Quảng trường cách đó khoảng 500m chờ khẩu lệnh của chỉ huy. Nhạc quốc thiều vang lên chính là lúc loạt pháo đầu tiên nổ. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng để có điều đó là nhiều tháng liền đổ mồ hôi trên thao trường. “Nhìn các pháo thủ tập trung cao độ, động tác trên cả 5 cụm pháo đều nhau, không thừa, không thiếu, ít ai biết chúng tôi đã phải nín thở tính toán từng giây để biết lúc nào cần truyền lệnh và thực hiện động tác. Thành công này là kết quả của sự thống nhất hiệp đồng của cả tập thể...” - Đại tá Nguyễn Xuân Quý khẳng định.
NGUYỄN VĂN TÂM