QĐND - Trong những ngày kỷ niệm mùa Thu Cách mạng, chúng tôi về xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình chứng kiến cuộc hội ngộ và trò chuyện cảm động của hai chiến sĩ Điện Biên: Hoàng Văn Cận và Nguyễn Đình Đỉnh. Tròn 50 năm trước, các ông là thành viên trong tổ quân kỳ của Lễ duyệt binh kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc khánh 2-9-1955…

Trung tá Hoàng Thái Son, Trưởng phòng Quân nhu, Cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, là con trai của cựu chiến binh Hoàng Văn Cận rất nhiệt tình trong việc kết nối cuộc gặp mặt này. Anh bảo rằng, những câu chuyện thời chiến của thế hệ đi trước, trong đó có bố anh luôn là điều gì đó nhắc nhớ, thôi thúc trên bước đường học tập, công tác của mình. Mỗi lần ngồi nghe ký ức thời trận mạc của “các cụ”, anh như được “tiếp lửa”, ngọn lửa truyền thống trao truyền và luôn cháy sáng. Buổi gặp mặt hôm nay cũng là một lần như thế…

Ông Hoàng Văn Cận (thứ hai, từ trái sang) và ông Nguyễn Đình Đỉnh (thứ ba, từ trái sang) xem lại bức ảnh đã mờ chụp “tổ quân kỳ” 50 năm trước. Ảnh: Trần Vĩnh.

Theo dòng ký ức, hơn nửa thế kỷ trước ông Cận và ông Đỉnh cùng ở Đại đội 260 trực thuộc Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Hai tuổi quân, tuổi đời cũng vừa ngoài đôi mươi, các ông tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ông Cận ở trung đội cối, còn ông Đỉnh ở bộ phận ĐKZ. “Nhớ nhất là những ngày đào công sự. Khó khăn, gian khổ nhưng tinh thần chiến đấu rất cao. Có những hôm đào suốt đêm, vừa đói, vừa khát lại buồn ngủ, chúng tôi động viên nhau: Đói, khát là ở đầu mình, cứ đào đi, đến sáng thế nào cũng có thực phẩm và nước uống. Có anh còn kể chuyện ăn chanh, khế chua ở quê làm không ít người vừa nghe, vừa nuốt nước miếng. Anh chàng kể chuyện ấy cười, bảo: “Đấy, tớ vừa cho các cậu uống nước rồi nhé!”-ông Cận kể. Một trong những trận đánh ác liệt mà hai ông nhớ nhất là trận đánh Đồi E. Tiểu đội của ông Cận hy sinh gần một nửa: “Tôi nhớ nhất cậu Quất, đồng hương Vũ Thư. Trước trận đánh, như một dự cảm, Quất nói với tôi: “Nếu tớ hy sinh mà cậu còn sống thì về nhà tớ chơi, cứ bảo thầy mẹ và gia đình là tớ vẫn mạnh khỏe, công tác tiến bộ nhé. Nói tớ hy sinh thì mọi người sẽ buồn lắm, nhất là mẹ, sợ không chịu nổi đâu”. Và trận ấy, Quất đã vĩnh viễn ra đi…”. Cũng ở Đồi E, ông Đỉnh không thể nào quên người đồng đội tên Thê, bị thương, được ông đưa vào hầm ếch và đã tắt thở trên tay ông. Ông Đỉnh day dứt: “Tôi chỉ biết anh ấy quê Nghệ An, còn địa chỉ cụ thể thì không biết. Sau này, tôi muốn về quê, thăm gia đình anh mà hỏi cũng không ai còn nhớ…”.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của hai ông được lệnh rút về Phú Thọ, sau đó đóng quân và huấn luyện tại thị xã Bắc Ninh. Khoảng tháng 6-1955, đơn vị được lệnh chia làm hai lực lượng. Một nửa đi Thái Nguyên lấy gỗ, một nửa về thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị bạn tập luyện chuẩn bị cho Lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1955). Sau nhiều vòng sơ tuyển, ông Cận, ông Đỉnh và chiến sĩ Dương Đình Nghị được chọn vào tổ quân kỳ. “Tổ quân kỳ không chỉ là những người to cao và có dáng “chuẩn”, còn phải là những quân nhân có thành tích, được bình chọn từ dưới”-ông Cận tự hào cho biết. Các khối duyệt binh được tập trung và huấn luyện ở sân bay Bạch Mai. Hà Nội những ngày đó nắng nóng gay gắt, sân bê tông hầm hập, ngày đầu chưa quen, có người đã bị ngã, ngất. Riêng tổ quân kỳ, phải tập thật nhuần nhuyễn động tác lên, xuống xe; đứng nghiêm, ngồi nghiêm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và áp lực cao về tinh thần. Theo kịch bản, tổ quân kỳ sẽ ngồi trên chiếc xe mui trần chiến lợi phẩm thu được trong Chiến dịch Điện Biên Phủ dẫn đầu đội hình duyệt binh trên Quảng trường Ba Đình và đi trên nhiều tuyến phố của Thủ đô. Quá trình cơ động, lên xuống xe theo quy định điều lệnh và tư thế ngồi, cầm cờ, súng phải giữ nguyên tư thế, mắt nhìn thẳng, quân dung tươi tỉnh. Ông Nghị được phân công cầm cờ ngồi giữa, ông Cận và ông Đỉnh cầm súng ngồi hai bên. Ông Đỉnh nhớ lại: “Trước hôm diễn ra lễ duyệt binh chính thức, chúng tôi được tham gia buổi tổng duyệt. Niềm hạnh phúc nhất hôm ấy là chúng tôi được thấy Bác Hồ. Cánh lính trẻ chúng tôi có nằm mơ cũng không nghĩ được gặp Bác, vậy mà bữa ấy, Người đã ở trước mắt chúng tôi, rất ân cần, gần gũi. Được Bác động viên, khích lệ, các khối duyệt binh đã tập trung cao độ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ duyệt binh vào ngày hôm sau…”.

Kết thúc lễ duyệt binh, 3 ông trở về đơn vị công tác. Theo yêu cầu nhiệm vụ, thời gian sau đó, mỗi người lại đi một nơi, người ra quân, người chuyển công tác khác. Đến năm 1962, ông Cận tình cờ gặp lại ông Nghị trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Họ chỉ có mươi phút ngắn ngủi để hỏi thăm nhau. Còn ông Đỉnh thì mãi đến năm 1987, trên đường từ Tuyên Quang về Hà Nội, qua một đồng đội, ông tìm đến nhà ông Nghị ở số 11 phố Quán Thánh. Sau hơn 30 năm, họ mới có trọn vẹn một đêm để hàn huyên, tâm sự: “Anh Nghị là người thẳng thắn, phải nói là trực tính, trong sinh hoạt, công tác, gặp điều gì “chướng tai gai mắt” là anh phê bình, nhiều lúc gay gắt nhưng không bao giờ để bụng. Anh và anh Cận còn là “cây văn nghệ” của đại đội, hát và diễn kịch rất có duyên. Cách đây mấy năm, tôi có biết tin anh Nghị đã mất. Thế là, tổ quân kỳ ngày ấy, nay chỉ còn tôi và anh Cận. Nhớ thương anh Nghị nhưng xa xôi và già yếu quá không thể về Hà Nội thắp hương cho anh được. Anh ở Báo Quân đội nhân dân, giúp chúng tôi sang số nhà 11 Quán Thánh, xem gia đình anh Nghị bây giờ thế nào nhé. Tôi nhớ, vợ anh ấy là Đinh Thị Vân, nhà có hai cháu gái…”-ông Đỉnh nắm chặt tay tôi dặn dò lúc chia tay.

TRẦN LONG