QĐND - Đại tá Hoàng Đình Phu (1920-2013) thời kỳ làm Viện phó rồi Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) đã có nhiều đóng góp về nghiên cứu cải tiến vũ khí. Là người giàu kinh nghiệm thực tiễn, vốn kiến thức cơ bản về quân giới vững vàng, ông Hoàng Đình Phu thực sự là “tổng công trình sư” của các công trình nghiên cứu, cải tiến vũ khí vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bài viết dưới đây nói về một số chiến công tiêu biểu nghiên cứu cải tiến vũ khí thời chống Mỹ ở Viện KTQS do ông trực tiếp chỉ đạo.

A12 từ bệ đất, túi cát

Các căn cứ lớn của Mỹ và quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ được bảo vệ rất chặt chẽ bởi một hệ thống đồn bốt nhiều tầng lớp, vượt quá tầm bắn của các loại pháo cối thông thường của Quân Giải phóng miền Nam. Lúc đó, ta được Liên Xô viện trợ loại đạn phản lực BM-14 đặt trên giàn phóng. Với điều kiện chiến trường sử dụng loại vũ khí này bị hạn chế, vì pháo thủ không thể mang vác, luồn sâu vào trận địa địch. Tư lệnh Pháo binh Nguyễn Thế Lâm, vốn là bạn học Trường Cao đẳng Đông Dương với Hoàng Đình Phu, đã yêu cầu bạn đồng môn giải quyết bài toán sao cho loại vũ khí có hỏa lực mạnh trở nên gọn nhẹ, dễ mang vác, dễ sử dụng. Nhóm nghiên cứu của Viện KTQS đã có một phương án táo bạo, bỏ giàn, bệ phóng, thiết kế mới ống phóng và đặt ống phóng ngay trên… ụ đất. Khi chuẩn bị bắn, đặt ống phóng, giá đỡ lên một ụ đất và đặt thêm một túi cát lên ống để giữ ổn định cho viên đạn phóng đi đúng tầm, hướng. Như vậy, xạ thủ chỉ cần mang ống phóng gọn nhẹ (10,5kg) và cái túi vải nhỏ, đến trận địa lấy đất, cát tại chỗ. Cơ cấu điểm hỏa được thiết kế để phóng 6 quả đạn cùng một lần, mỗi tiểu đội (gọi tắt là a) có hai cụm, tức 12 quả đạn, bởi thế hỏa tiễn cải tiến mang tên mới là A12.

Ông Hoàng Đình Phu (thứ hai, từ phải sang) trở lại thăm Viện KTQS, chụp ảnh với lãnh đạo viện.

A12 được đưa vào chiến trường, thực sự là nỗi kinh hoàng của lính Mỹ. Trận đầu tiên đánh vào Sân bay Đà Nẵng đêm 27-2-1967, A12 với 67 quả đạn đã phá hỏng 13 máy bay địch, giết và làm bị thương gần 150 lính Mỹ. Tờ New York Times ngay sau đó đã có bài, ảnh phóng sự về máy bay cháy, lính Mỹ chết tại trận và đặt dấu hỏi: “Việt Cộng có loại vũ khí gì mới với hỏa lực rất mạnh chưa từng thấy trên chiến trường?”. Một thời gian sau, địch cũng lần ra loại vũ khí mới đó, chúng đối phó bằng cách mở rộng chiều sâu bảo vệ các căn cứ quan trọng, nống ra đến 11-12km, vượt quá tầm phóng của A12. Được Cục Tác chiến cho biết tin ấy, Hoàng Đình Phu lại cùng các cộng sự bàn cách đối phó. Muốn có cự ly xa hơn phải ghép hai động cơ phản lực cho quả đạn. Nhưng không thể ghép được động cơ đạn xoay như BM-14, mà phải ghép đạn có cánh bay thẳng, lúc ấy chỉ có loại DKB cỡ 122mm. Ông lại cùng các kỹ sư Minh, Hậu, Bàng, Oanh, Hào… sau nhiều lần bàn thảo, thay đổi các phương án thiết kế, đã đi đến thống nhất chọn cách ghép nối tiếp và dùng ngòi “nhoi”. Việc thiết kế và thử nghiệm DKB kéo dài khoảng một năm, đến đầu năm 1970 sản xuất hàng loạt và gửi vào chiến trường. Kết quả hỏa tiễn nối tầng DKB đã tiêu diệt nhiều căn cứ lớn của địch những năm 1971-1972 tại B2 và Khu 5. Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 đã gọi điện ra Viện KTQS khen ngợi hiệu quả của vũ khí cải tiến.

Thủy lôi dùng áp suất nước

Đánh tàu địch trên sông là một yêu cầu cấp bách ở chiến trường, song cần phát triển loại thủy lôi nào thích hợp nhất? Hải quân ta ở miền Bắc lúc đó có thủy lôi chạm nổ K5, thủy lôi âm thanh hoặc từ tính AMD1, AMD2 đều do Liên Xô viện trợ. Các loại thủy lôi đó cồng kềnh, nặng nề. Buổi đầu, quân giới đã phải cắt chúng ra từng khoanh 20kg để dễ mang vác, mỗi khoanh chống ẩm rất công phu. Đến địa điểm tập kết, lại phải ráp các khoanh lại trước lúc vào trận. Phải tìm hướng chế tạo loại thủy lôi mới, trong điều kiện thiếu thông tin, tài liệu tham khảo. Một lần, Đại úy, kỹ sư Bàng đưa cho Hoàng Đình Phu xem một cuốn sách phổ biến khoa học của Liên Xô, có đoạn: “Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người ta đã chế được thủy lôi áp suất, lợi dụng sóng khi tàu đi qua với áp suất tối đa ở mũi tàu và tối thiểu ở đuôi tàu để làm thủy lôi nổ”. Chỉ có vậy, không sơ đồ, bản vẽ hay cách tính toán cụ thể. Ông ngẫm ngợi, rồi gợi ý với các cán bộ kỹ thuật: Có thể dùng ruột quả bóng đá làm khâu tiếp thu chênh lệch áp suất, còn khâu truyền chênh lệch áp suất để tạo tiếp điểm gây nổ thì có thể dùng màng xếp bằng đồng dát mỏng như của máy đo áp suất của ngành khí tượng thủy văn. Công trình mang mã số APS, được thử nghiệm ngay tại nơi sơ tán là vùng rừng núi Kim Bôi, Hòa Bình. Nhưng thử nhiều lần không đạt yêu cầu. Có người đã nản, bảo nguyên lý chênh lệch áp suất dùng vào ngòi nổ là “khoa học viễn tưởng”, nên dẹp, tìm cách khác. Hoàng Đình Phu kiên quyết không thay đổi, lại cùng nhóm thí nghiệm phối hợp với một đơn vị hải quân thử nghiệm trên sông Hồng, cho một tàu vận tải 300 tấn đi qua. Lần này ngòi nổ đã làm việc tốt, đèn tín hiệu bật sáng. Với các tàu 500 tấn, 800 tấn cũng đều tốt. Vậy là APS có cơ sở khoa học. Nhưng phải có lượng nổ nhất định mới diệt được tàu địch. Tàu càng lớn, lượng thuốc phải lớn tương xứng. Trong điều kiện chiến trường không thể đúc hàng tạ thuốc bột vào thùng sắt bịt kín, sẽ rất khó cho vận chuyển và tiếp cận tàu địch. Hơn nữa, bị ngấm nước có nổ được không?

Đại tá Hoàng Đình Phu (đứng giữa) giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp biện pháp vô hiệu hóa “Cây nhiệt đới” của Mỹ rải trên Đường Trường Sơn, năm 1973. Ảnh tư liệu

Một lần Hoàng Đình Phu đến chơi nhà người bạn đồng môn Phạm Đồng Điện, lúc đó đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông Điện vốn là một chuyên gia về hóa chất, khẳng định: Thuốc nổ ngâm nước đến 5% trọng lượng vẫn nổ tốt. Vậy là giải quyết được khâu thuốc nổ bằng cách lèn các thanh thuốc cho thật gọn, nhẹ không còn ngại khi bị ngấm nước. Tết Mậu Thân (1968), Viện cử một đoàn mang APS vào Bắc Quảng Trị. Đêm 14-3, kỹ sư Bàng cùng 3 đặc công nước mang đầy đủ “đồ nghề” vượt sông Bến Hải, đến một địa điểm chọn trước ở cảng Cửa Việt và hạ thủy lôi APS xuống đáy sông, chỗ các tàu địch thường qua lại. Sáng hôm sau, tàu LCT 360 tấn của địch vừa chạy qua chỗ đó lập tức bị nổ tung. Từ đó, sản phẩm thủy lôi của Viện KTQS liên tiếp lập được chiến công, đánh chìm nhiều tàu địch từ sông Cửa Việt trở vào.

“Rồng lửa” tung hoành

Thường thì khi tiến công, bộ binh dùng bộc phá đánh cửa mở, nhưng địch gia cố hàng rào ngày càng dày đặc xung quanh căn cứ, cách đánh như trước không hiệu quả, chiến sĩ cửa mở dễ bị thương vong. Để giải quyết “bài toán” này, ngay từ đầu Đại tá Hoàng Đình Phu chỉ đạo hướng vào nghiên cứu dùng tên lửa phá mìn (FR) như của quân đội Mỹ, Ba Lan, Liên Xô. Nhưng không có mẫu cùng tài liệu tham khảo. “Chất xám” được huy động tối đa trong viện và các đơn vị bạn. Phải mất 3 năm thử nghiệm (1969-1971) với vô vàn khó khăn nảy sinh, đến cuộc diễn tập binh chủng hợp thành dưới sự chủ trì của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, FR trình diễn rất thành công. Đầu năm 1972, quân ta mở Chiến dịch Bắc Quảng Trị. Giờ phát hỏa, FR bay vút lên cao kéo theo một chuỗi bộc phá dài như một con rồng lửa rơi xuống trùm lên toàn bộ hệ thống chướng ngại vật, rồi một loạt tiếng nổ ầm ầm đã phá toàn bộ bề sâu hàng rào kẽm gai bùng nhùng, mở đường cho bộ đội xung phong chiếm lĩnh cứ điểm. Đại úy, kỹ sư Hồ Khả Tô, người của Viện KTQS đi theo đơn vị công binh của trung đoàn ra tận vị trí chiến đấu, kiểm tra lần cuối bộ FR được thưởng Huân chương Chiến công ngay tại trận địa. Sau trận mở màn ở Quảng Trị, FR còn có mặt tại nhiều chiến trường khác, như trận diệt cứ điểm Plei Kleng trong chiến dịch giải phóng Kon Tum. 0 giờ 30 phút, ngày 7-5-1972 “rồng lửa” bay trên bầu trời Tây Nguyên, trong chớp mắt mở một cửa rộng thênh thang, cả cái lô cốt sát bên trong chướng ngại vật cũng biến mất.

Đại tá Hoàng Đình Phu có hơn 30 năm trong quân ngũ. Cuối năm 1978, ông chuyển ngành làm Viện phó Viện Khoa học Việt Nam, rồi làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Ông về hưu ở tuổi 70. Trong một cuốn hồi ký, ông viết: “... Thời gian sống trong quân ngũ của tôi là những năm tháng tuyệt vời với bao kỷ niệm vui buồn mà suốt đời tôi chẳng thể nào quên được”.

PHẠM QUANG ĐẨU