Ngày 18-7-1967, chàng thanh niên Trần Hồng Sơn mới 17 tuổi, đã chích máu viết đơn để thể hiện tinh thần chiến đấu, cùng lớp thanh niên trong làng tình nguyện nhập ngũ. Tuy nhiên, do không đủ điều kiện sức khỏe nên Hồng Sơn bị loại. Mặc dù vậy, ông tiếp tục viết đơn và được nhập ngũ ngày 22-2-1968.
Trải qua quá trình huấn luyện, năm 1969, ông Trần Hồng Sơn được biên chế vào Trung đoàn Đặc công 429 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ (sau này là Lữ đoàn Đặc công 429, Binh chủng Đặc công). Kể về trận đánh ở cứ điểm sân bay Technique tại Bình Long (trước đây), ông Sơn nhớ lại: Mưu đồ của Mỹ là biến Technique thành sân bay chiến lược ở Đông Dương, tập kết vũ khí, binh lính phục vụ cho chiến trường ở 3 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia. Sau khi nhận lệnh của cấp trên chia lửa với chiến trường, đêm 11-5-1969, đơn vị của tôi được lệnh tấn công cứ điểm sân bay Technique. Trước đó, đơn vị trinh sát đi nghiên cứu thực địa về báo cáo có 6 lớp hàng rào bùng nhùng. Tổ 3 người gồm tôi, anh Quý và anh Tạ. Anh Quý là tổ trưởng-xạ thủ B40, anh Tạ có nhiệm vụ mang theo đạn B40 bám sát anh Quý, còn tôi là bộc phá viên mang thủ pháo 1kg và các thủ pháo nhỏ bằng nắm tay có khối lượng khoảng 500g. Tổ có nhiệm vụ thọc sâu vào đánh địch, tôi được phân công nhiệm vụ dùng thủ pháo tiêu diệt địch trong lỗ châu mai.
    |
 |
Ông Trần Hồng Sơn (bên trái) kể về trận đánh cứ điểm sân bay Technique tại Bình Long. Ảnh: VŨ TUẤN |
Đến khoảng 6 giờ tối, chúng tôi có mặt tại rừng cao su cạnh cứ điểm, nằm chờ đến giờ được lệnh tấn công. Trong quá trình đó, chúng tôi sử dụng than củi trộn với nước để bôi lên người ngụy trang. Mỗi người chỉ được mặc chiếc quần đùi nên đêm xuống rất lạnh. 12 giờ đêm, trời tối như hũ nút, được lệnh tiềm nhập, chúng tôi bò vào tới gần hàng rào ngoài cùng của cứ điểm. Bộ phận mở cửa cắt rào lên cao khoảng 1m để tổ chúng tôi thâm nhập vào bên trong. Sau khi cắt rào xong, bộ phận này luồn ra ngoài để bảo vệ cửa mở với trang bị B40, B41 áp chế hỏa lực địch, tiêu diệt địch nếu chúng có ý định bịt cửa mở. Khi luồn qua lớp rào trong cùng khoảng 15m, chúng tôi tới được lô cốt tiền duyên. Bò tới dưới lô cốt, tôi vẫn nghe tiếng lính Mỹ nói chuyện. Đúng “giờ G” theo quy định từ trước, bộc phá các mũi tiến công nổ, tôi và đồng đội trong tổ cũng dùng thủ pháo ném vào các lỗ châu mai. Những tiếng nổ đinh tai vang lên khắp cứ điểm, lính Mỹ hoảng loạn không hiểu chuyện gì xảy ra. Địch không kịp trở tay, nhiều máy bay, xe quân sự, trận địa pháo, trận địa súng bị phá hủy, sân bay bị hư hại nặng. Các tổ khác theo nhiệm vụ cũng đánh địch từ các hướng vào trung tâm.
Khi quân ta đánh ra tới cửa mở để chờ lệnh rút, tôi thấy anh Tạ bám sát ngay sau kêu lên. Lúc này, trên người anh Tạ vẫn còn 5 quả lựu đạn và 5 đầu đạn B40 đeo sau lưng, tôi sờ lên người thì thấy phổi anh đã bị lồi ra to như cái bát con. Tôi liền nhổm dậy, dùng băng y tế cá nhân băng tạm cho anh nhưng vết thương quá lớn. Trong lúc nhổm dậy, tôi thấy đầu đau nhói. Biết mình trúng đạn bị thương nhưng thấy tình trạng anh Tạ ngày càng xấu đi, tôi cố bò tới chỗ đồng chí mũi phó, đồng thời là tổ trưởng tổ bảo vệ cửa mở. Tôi nói: “Đồng chí Tạ bị thương nặng lắm, nên làm gì bây giờ?”. Thấy vậy, đồng chí mũi phó quyết định: “Phải đưa anh Tạ ra ngoài ngay”. Trong tình thế cấp bách, tôi gắng hết sức cõng anh Tạ trên lưng, đến lúc không cõng được thì kéo. Sau khi đưa anh Tạ ra đến ngoài, tôi giao anh cho các đồng chí thanh niên xung phong đã trực sẵn đưa đi cấp cứu. Tôi cũng ngất đi không biết gì nữa và được đưa về trạm phẫu tiền phương. Sau khi được sơ cứu, tôi được chuyển về Bệnh viện K40 để chữa trị. Từ lúc đưa anh Tạ ra ngoài, tôi không có thông tin về anh nữa. Mãi sau này, khoảng năm 2010, liên lạc được với Lữ đoàn Đặc công 429, tôi mới biết thông tin: Anh là Nguyễn Văn Tạ, sinh năm 1950, nhập ngũ tháng 6-1968, đi B tháng 12-1968 và đã hy sinh đúng vào đêm 11-5-1969 tại cứ điểm Technique.
NGUYỄN VŨ