QĐND - Trong thời điểm diễn ra Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975), tôi đang là Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66, Sư đoàn 10). Sáng 19-3-1975, khi đơn vị đang làm nhiệm vụ tại căn cứ Khánh Dương (tỉnh Đắc Lắc), tôi nhận được bức điện của Sư trưởng Hồ Đệ: “Cho bộ đội hành quân theo đường 21, gặp địch đâu đánh đó”. Cầm bức điện trên tay, tôi trao đổi với Đại đội trưởng Trần Đới: “Cấp trên ra lệnh hành quân mà chẳng biết công tác bảo đảm là gì, hỏa lực chi viện ra sao, hành quân đích đến là đâu, nhưng đã là lệnh trên thì ta phải chấp hành”.

Chúng tôi cho anh em đơn vị ăn cơm sáng rồi chuẩn bị hành quân. Lúc này, đại đội tôi vừa được bổ sung hơn 30 tân binh từ miền Bắc vào và được tăng cường một khẩu ĐKZ 75mm, hai khẩu cối, một trung đội vận tải, một tổ trinh sát nên tổng số đơn vị hơn 180 người. Con đường 21 từ Khánh Dương đến chân đèo Ma-đrắc hai bên không một bóng cây, chạy dọc theo đường bên phải là con suối thi thoảng có bụi lau, sậy. Hôm trước hành quân trên nương rẫy tuy nắng nóng nhưng còn dễ chịu hơn lúc này, bởi chúng tôi phải hành quân trên đường nhựa, cứ đi một vài tiếng là chân bắt đầu phồng rộp, mặt đường bốc lên hầm hập.

9 giờ sáng, chúng tôi chạm đến chân đèo Ma-đrắc. Bên trái là ta-luy, bên phải là suối chảy qua một ngầm nhỏ. Chúng tôi cho bộ đội dừng lại để nắm tình hình. Một trinh sát chỉ tay lên lưng chừng dốc, báo cáo: “Các thủ trường nhìn xem, kia là xe M113 được địch ngụy trang để “phục” mình đấy! Xem ra địch cũng theo dõi và biết được ta, nhưng vì cự ly còn xa nên chúng chưa nổ súng”. Cậu trinh sát vừa dứt lời, lập tức súng trọng liên trên xe M113 của địch bắn xối xả vào đội hình. Do địa hình bất lợi nên Đại đội tôi không thể triển khai đánh trả. Tôi cho bộ đội tạt xuống suối, giữ vững đội hình. Vài phút sau, một chiếc L19 từ phía đông bay lên rồi bắn một quả pháo khói chỉ điểm cho máy bay phản lực. Tôi hô to: “Không được ai chạy vào núi, hãy bám suối giữ đội hình”. Đúng như dự đoán, máy bay địch rải bom bi dọc theo dãy núi đá bên phải đường 21 chừng gần cây số. Súng trọng liên trên xe M113 vẫn nổ liên hồi, bom bi, bom phá chà đi chà lại dọc theo triền núi vì địch nghĩ ta sẽ vào núi trú ẩn.

Chính trị viên Đại đội 5 Lê Hải Triều (bên phải) và đồng đội tại căn cứ Khánh Dương, Đắc Lắc chiều 18-3-1975. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Lúc này, ta phải chia cắt đường đèo Ma-đrắc thành nhiều đoạn để diệt địch, Đại đội 5 chúng tôi có nhiệm vụ khóa đuôi để Tiểu đoàn 7 đột phá chính diện, khi xe tăng và bộ binh địch tháo chạy thì chúng tôi chặn lại tiêu diệt. Đêm 28-3-1975, Đại đội 17 công binh đã làm việc cật lực để bắc cầu qua con suối dưới chân đèo Ma-đrắc, kịp cho xe tăng và bộ binh ta qua. Hai đại đội của Tiểu đoàn 7 được xe tăng chi viện đã theo trục đường 21 tiến công địch. Sau nửa giờ chiến đấu, ta đã diệt một đại đội địch và làm chủ đèo Ma-đrắc. Tiểu đoàn dù 5 của địch buộc phải tháo chạy về phía đông và lọt vào trận địa của Đại đội tôi. Các loại hỏa lực của đại đội đã tới tấp nã đạn vào đội hình hành quân của địch. Tôi lệnh cho khẩu ĐKZ 75mm nhằm chiếc M113 đi đầu nổ súng, chiếc xe bùng cháy, xoay ngang chặn lối hai chiếc còn lại. Chiến sĩ Nguyễn Văn Phán tiến sát mặt đường, dùng súng B40 bắn cháy hai chiếc M113. Quân địch sống sót băng rừng chạy tháo thân, quân ta phục sẵn chờ chúng đến gần mới nổ súng. Lính dù địch hoàn toàn bạc nhược, bỏ vũ khí đầu hàng, đại đội tôi bắt sống hơn 100 tù binh...

Trận đánh chiếm đèo Ma-đrắc thắng lợi song Đại đội tôi cũng chịu tổn thất: Trung đội trưởng Trung đội 2 Nguyễn Văn Hoan hy sinh. Hoan là người trắng trẻo, đẹp trai, viết chữ rất đẹp. Sau khi Chính trị viên phó Lê Cao Khải hy sinh, tôi đã có ý định đề nghị cấp trên đưa Hoan lên thay, nhưng chưa kịp đề nghị thì Hoan hy sinh...

Lữ đoàn dù 3 của địch bị tiêu diệt, cánh cửa đèo Phượng Hoàng – Ma-đrắc được mở toang để tiến xuống đồng bằng. Chúng tôi đứng trên đỉnh đèo nhìn về hướng đông, chân ai cũng phồng rộp sau những ngày truy kịch địch, nhưng trong lòng thì háo hức lạ thường bởi sau lưng là cả một vùng cao nguyên bao la vừa được giải phóng...

LÊ HẢI TRIỀU