Sinh năm 1949 ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, 18 tuổi, Nguyễn Văn Khuynh tình nguyện nhập ngũ, được điều động vào miền Đông Nam Bộ tham gia đơn vị đặc công cơ giới Miền. Ông kể: “Tháng 11-1969, ba tiểu đoàn đặc công 3, 4, 5 (mật danh lần lượt T30, T40, T50) thuộc Đoàn Đặc công 429 (nay là Lữ đoàn Đặc công 429, Binh chủng Đặc công) chúng tôi được điều xuống vùng Bảy Núi (An Giang) phối thuộc chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 1. Khi ấy, tôi đang là Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 47, Tiểu đoàn 5. Hành quân ròng rã đến tháng 2-1970, sau khi vượt qua tuyến phòng ngự của địch ngăn chặn ở kênh Vĩnh Tế, T50 về ém quân tại núi Cô Tô”.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Văn Khuynh (bên phải) cùng thủ trưởng cũ trong lần trở lại thăm chiến trường xưa tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, năm 2017. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Đêm 28-3-1970, đơn vị ông nhận nhiệm vụ phối thuộc với một đại đội đặc công của địa phương tham gia tiến công một căn cứ huấn luyện của Mỹ, ngụy tại chi khu Vĩnh Trung. Đây là vị trí quan trọng trong tuyến phòng thủ ở khu vực nên địch canh phòng, bảo vệ rất nghiêm ngặt. Ông được phân công nhiệm vụ là tổ trưởng tổ cắt rào thuộc mũi số 2, Đại đội 47. Đêm hôm ấy, sau khi ngụy trang bằng lớp áo cỏ dày, mũi của ông tiềm nhập căn cứ địch. Cắt được ba lớp rào, chỉ còn lớp trong cùng thì xuất hiện tình huống khó khăn: Lớp rào này nằm sát dãy lô cốt phòng ngự, ánh điện ở đây rất sáng, địch có thể phát hiện ra ông và đồng đội bất cứ lúc nào.

Nguyễn Văn Khuynh lùi lại báo cáo mũi trưởng và đề xuất phương án đánh mới: Đội hình đơn vị sẽ tiến vào nằm chờ tại lớp rào đã cắt. Còn các chiến sĩ cắt rào, sau khi bò sát hàng rào cuối cùng sẽ vừa dùng kéo cắt vừa luồn bộc phá ống vào. Cỏ mọc um tùm, dày đặc nên các ông dù đã ở ngay trước mặt mà mấy tên lính gác không hề phát hiện ra. Nhưng thêm một tình huống bất ngờ nữa là khi đồng đội của ông đang luồn bộc phá và cắt được một dây của lớp rào trong cùng thì nghe tiếng bộc phá xen lẫn tiếng súng các loại nổ dồn dập. Thì ra Tiểu đoàn T40 đang tấn công địch ở căn cứ Ba Xoài, cách đó khoảng 6-7km. Bọn địch ở chi khu Vĩnh Trung thấy động la hét ầm ĩ, bắn pháo sáng liên tiếp. Biết đã bị lộ nên mũi trái của đơn vị bạn nổ súng trước bằng một quả B40, cùng lúc đó, mũi của ông cũng giật nụ xòe bộc phá ống để phá rào. Ông và đồng đội buộc phải nổ súng trước giờ G hơn 10 phút.

Ông Khuynh kể tiếp: “Đồng chí chiến sĩ cắt rào rút nụ xòe của bộc phá ống. Nó nổ tung nhưng không phá được hết nên dây kẽm gai còn lùng nhùng phía trước. Chúng tôi đồng loạt lao lên. Một số đồng chí xông lên trước vào được bên trong đánh bộc phá, một số bị địch bắn chặn hy sinh ngay bên hàng rào. Chúng tôi dùng súng B40, thủ pháo đánh vào các ụ súng, công sự sát hàng rào vào chiếm dãy lô cốt tiền duyên. Địch dồn quân từ phía trong ra ngăn chặn quyết liệt. Chúng tôi không sao tiến vào tung thâm được”.

Cố thủ đến gần sáng thì đơn vị ông được lệnh rút ra cho đơn vị pháo binh và bộ binh đánh tiếp. Phía cửa mở địch bắn chặn quyết liệt, ông rút qua được hai lớp rào bên trong, đồng thời trèo qua lớp rào mái nhà ở giữa có rào bùng nhùng dày đặc. Ra được bên ngoài thì gặp một đồng đội đang bị thương rất nặng, người anh bê bết máu. Cùng lúc, bộ binh của các đơn vị phối thuộc cũng đang tiến đến. Sau khi chỉ cho họ vị trí cửa mở, mặc dù chân tay bị rào kẽm gai cứa rách, rất đau đớn nhưng ông vẫn cố dìu người chiến sĩ bị thương lui về vị trí tập kết.

Sau khi giao chiến sĩ này lại cho bộ phận thu dung, ông Khuynh theo đơn vị rút về núi Cô Tô củng cố đội hình, đến đầu tháng 4-1970 thì nhận nhiệm vụ sang Campuchia giúp bạn. Sau này ông mới được biết, mãi đến ba hôm sau, bộ binh Sư đoàn 1 mới đánh chiếm được căn cứ Vĩnh Trung. Vĩnh Trung được giải phóng, hàng loạt cứ điểm khác trong khu vực cũng bị ta chiếm được, tuyến phòng thủ biên giới của địch hầu như bị phá vỡ. Trụ lại đây 15 ngày thì đơn vị đánh chiếm mới rút ra.

50 năm sau, qua đồng đội, người chiến sĩ bị thương năm ấy mới tìm được ông Khuynh. Ông tên Đặng Duy Thỉnh, là thương binh hạng 2/4, hiện ở khu 5, phường Tân Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ông Thỉnh cho biết: Hôm ấy, sau khi bị thương, được ông Khuynh cứu đưa về hậu cứ, ông được các y, bác sĩ mổ lấy được mảnh đạn ở đầu và cứu được cánh tay không bị cắt. Ông tiếp tục ở lại chiến đấu đến năm 1972 thì ra Bắc với thương tật 71%. Giờ đây, tuy sức khỏe yếu, không thể gặp trực tiếp người đồng đội cứu mình năm xưa nhưng ông vẫn thường liên lạc với ông Khuynh qua điện thoại. Những lúc rảnh rỗi, hai ông cùng ôn lại trận chiến đấu năm xưa, nhớ về những đồng đội đã cùng “vào sinh ra tử” ở chiến trường.

LƯƠNG THỊ THÚY HƯỜNG