 |
Trần Kỳ Tiến những ngày ở quân ngũ
|
Cuốn nhật ký đã từng được chôn ở hậu cứ Quảng Trị, rồi sau đó lại được đào lên để viết tiếp. Những ghi chép chân thực trên đường hành quân đi “B” và câu chuyện sinh động ở vùng giáp ranh bên bờ sông Thạch Hãn...
Kỳ 1: Vượt Trường Sơn
Anh là Trần Kỳ Tiến, hiện nay là kiểm tra viên chính Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 37 năm trước, từ quê hương Từ Sơn, Bắc Ninh, anh xung phong nhập ngũ. Sau 4 tháng huấn luyện tân binh, Trần Kỳ Tiến cùng đơn vị bắt đầu hành quân đi “B”. Đúng mồng Một Tết Quý Sửu (1973), đơn vị của anh tới miền Tây Quảng Bình và bắt đầu vượt núi Trường Sơn để sang đất Lào, mượn đường tới Quảng Trị. Bên bờ sông Thạch Hãn, Tiến có gần hai năm liền cùng đồng đội chốt giữ, chống địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng sau Hiệp định Pa-ri. Những gian khổ và khốc liệt của cuộc chiến; tinh thần chiến đấu, hy sinh và cả những mong muốn đời thường, suy nghĩ giản dị của những người lính đã được phản ánh khá rõ nét, chân thực và sinh động qua những trang nhật ký của Trần Kỳ Tiến. Năm 1975, trước khi đơn vị tiến vào thành phố Huế, sợ thất lạc, nên Tiến đã nhờ một đồng đội chôn cuốn nhật ký xuống đất ở hậu cứ Quảng Trị. Giải phóng xong Thành phố Huế, họ quay lại hậu cứ đào lên và lại ghi chép tiếp…
Ngày đó, Tiến người nhỏ thó, lại gầy gò, cân nặng có 38kg, nên phải 4 lần khám sức khỏe mới được đưa vào danh sách “lên huyện để tập trung bồi dưỡng thêm”. Dù vậy, anh vẫn cùng đơn vị kiên cường vượt Trường Sơn vào đến chiến trường Quảng Trị.
19-1-1973
Có lệnh chính thức chúng tôi vào chiến trường, buổi trưa chúng tôi sang tiểu đoàn bộ nhận quân trang, gồm ba lô, quần áo, nilon mưa, thắt lưng. Cả đơn vị huyên náo, mọi người viết thư về gia đình trước khi bước vào cuộc hành quân trường kỳ vất vả mà có thể hình dung trước được.
21-1-1973
Hành quân trong rừng rậm không có dân ở, hiếm hoi mới gặp vài người đi qua. Đường làm cho những đoàn quân nối nhau từ đây vào chiến trường, có đoạn rất tối, cây cối trùm kín, dọc đường vương vãi ít vỏ bao thuốc lá, giấy kẹo, cơm thừa, dấu vết của những đoàn quân đi trước.
Trên đường hành quân, đơn vị của Trần Kỳ Tiến đi qua đúng thôn của nhà thơ Trần Đăng Khoa, một người mà anh và nhiều bạn trẻ rất ngưỡng mộ lúc bấy giờ. Tiến nảy ra ý định đến thăm “thần đồng” thơ này…
22-1-1973
Sáng dậy hành quân tiếp, xuống đến đồng bằng đường đi tốt hơn. Tôi nghỉ ở một làng nhỏ cũng nghèo và nhiều nhà tranh, đường nhỏ hẹp. Nghỉ đêm tại gia đình cụ già hỏi thì được biết đây là xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng. Tôi chợt nhớ có lần xem sách báo nói nhà thơ nhỏ tuổi Trần Đăng Khoa, quê ở xã này, hỏi ông cụ được biết Khoa ở thôn đây và là cháu họ ông cụ. Tôi muốn đến thăm quá, chẳng mấy khi có điều kiện, nhưng vì quá mệt không đi được, cũng tiếc vì bỏ lỡ dịp gặp người có tiếng tăm.
24-1-1973
Hành quân đến chiều tới ga Cao Xá, sẽ được hành quân bằng xe lửa, suốt sáng đến giờ cứ mong mãi chóng tới nơi này, người mệt quá rồi. Khu ga đã bị máy bay Mỹ ném bom sập, đất nát vụn thành bụi, bụi dày đến nửa đế dép cao su, đoàn quân kéo qua bụi cứ mù lên, ngộp thở, nhớp nháp quá.
Đoàn quân đi qua Thủ đô Hà Nội, nơi vừa diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Tiến viết:
26-1-1973
Thủ đô Hà Nội thân yêu vừa qua thử thách ghê gớm, máy bay B52 của Mỹ thả bom rải thảm, cả Hà Nội gồng mình đánh trả bằng tên lửa Sam 2 và cao xạ pháo. Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng Hà Nội đã đánh thắng không lực Hoa Kỳ, bắn hạ hàng chục pháo đài bay B52. Chúng tôi chào Thủ đô thân yêu, chúng tôi đi trả thù cho Hà Nội, nhân dân Hà Nội vẫy tay chào đón chúng tôi. Biết bao tự hào được đứng trong hàng ngũ đông đảo những thanh niên dũng cảm ra đi cứu nước được nhân dân yêu mến. Ba lô nặng trĩu trên vai, người mỏi mệt sau chặng đường dài, tôi vẫn cố gắng tỉnh táo linh hoạt nhìn những người qua lại đông vui, nhìn những dãy phố Thủ đô xinh đẹp như muốn thâu tóm tất cả hình ảnh của Thủ đô lần cuối để đi vào chiến trường đầy cam go thử thách chống quân thù.
Qua cầu Hàm Rồng, đơn vị Tiến vượt sông Mã đến nơi trú quân. Điều làm Tiến ngạc nhiên là, mặc dù nơi đây đang là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ nhưng người dân vẫn sinh hoạt bình thường, “còn xay bột tráng bánh phở nữa”. Anh rút ra kết luận: “Thì ra đất nước ta rộng lớn vô cùng, bom đạn Mỹ không thể tàn phá nổi, trong bom đạn cuộc sống vẫn vươn lên. Chúng ta vẫn làm việc sản xuất để chiến đấu dai dẳng với quân thù”.
Tranh thủ thời gian không có máy bay đánh phá, đơn vị Tiến hành quân cấp tốc qua thị xã Thanh Hóa, thành phố Vinh, thị xã Hà Tĩnh…
 |
Một trang nhật ký của Trần Kỳ Tiến
|
“Chúng tôi đến Quảng Bình thì đã giáp Tết Nguyên đán Quý Sửu, được phát tiêu chuẩn ăn Tết, mỗi người 0,5kg gạo nếp. Ngồi sà lan ca nô kéo đi dọc sông Gianh, tôi giở gói cơm nếp ra ăn, ngắm cảnh vật hai bên bờ sông chạy hai giờ đồng hồ thì cập bến. Tôi lên bờ giẫm lên cầu bằng ván gỗ dài gác từ sà lan vào bờ, vừa đi mấy bước thanh gỗ tuột khỏi thành sà lan. Tôi rơi xuống dòng sông Gianh. Anh em kéo lên, thật hú vía. Ba lô quần áo bị ướt hết, phải mặc ướt hành quân. Đến Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình thì đã là 29 tết.
30 Tết Quý Sửu
Chúng tôi vẫn hành quân đến chân núi miền Tây Quảng Bình. Thoạt đầu là những quả đồi thấp đầy cây sim cây mua già cỗi, sau đó đến những quả núi cao cây to và rừng rậm…”.
Tại cánh rừng này, Tiến và đồng đội đón một Giao thừa thật đặc biệt, với nhiều tâm trạng, suy tư:
“Anh Phục người lớn tuổi nhất tiểu đội đốt một đống lửa. Mấy đứa tôi ngồi vây quanh đón Giao thừa, chỉ còn vài giờ nữa thôi là sang năm mới Quý Sửu, nhưng mệt nên nằm ngủ mất. Gần Giao thừa tôi tỉnh giấc, xung quanh tiếng súng nổ rộ lên, có lẽ vài chục khẩu AK cùng lúc nhả đạn, thỉnh thoảng có tiếng nổ to, tiếng lựu đạn, tiếng súng B40. Cả cánh rừng lạnh lẽo bỗng rộn rã như pháo Tết. Ngồi trên võng nhìn ra, anh Phục vẫn ngồi bên bếp lửa hút thuốc lá, chắc anh đang nghĩ đến vợ và đứa con trai đầu của anh.
Càng đi sâu về phía Tây Trường Sơn, đường hành quân càng vất vả, gian khổ. Những trang viết thấm đẫm mồ hôi của người lính trẻ:
“Vượt đèo một ngàn lẻ một, đó là cái đèo đáng sợ trong cuộc trường chinh này, nó cao 1001 mét so với mặt nước biển, không cao lắm nhưng đường đi dài kinh khủng, leo đến phờ phạc, nửa ngày mới qua nổi. Con đường ngoằn ngoèo men theo các triền núi đá, chênh vênh bên những cái vực sâu thẳm. Càng lên cao không khí càng mát dịu, những sườn đá bị bom đánh sạt từ kẽ đá không khí tỏa ra mát lạnh đến tỉnh người. Những giọt nước trong vắt như nước mắt con gái thương xót bộ đội từ kẽ đá rỉ ra thánh thót rơi, nhiều giọt tụ lại thành dòng nhỏ trong vắt.
Đến đèo 800, thấp hơn đèo trước một chút nhưng rất hiểm trở. Con đường mòn xuyên rừng nứa vắt qua tảng đá tai mèo lớn. Cả tiểu đoàn nối nhau leo, chân người trước như đạp ngay đầu người sau, đầu gối ngang tai. Cả đoàn quân đi lặng lẽ, tất cả tâm trí đều dồn vào việc nhìn xuống đường cho rõ hơn, cho bước chân chắc hơn. Có chỗ một đoạn dài độ cao chênh lệch nhiều, phải bắc một cái cầu bằng cây rừng rất nguy hiểm. Chân tôi run run, phần do mệt, phần vì lo, nhưng rồi qua được.
Còn cách biên giới Việt Lào 3 giờ đường rừng, chỉ trưa là sang đất Lào. Cả đoàn quân im lặng đi dưới mưa, con đường nhớp nhúa trơn tuột. Từ các thân gỗ, từ những đống lá rừng những con vắt xanh đã ngoi đầu ngo ngoe chờ người bước qua là nhảy sang hút chỗ sinh lực còn lại của đoàn quân đã mệt mỏi. Bỗng có lệnh dừng lại, một giao liên bắn mấy phát súng hiệu, đơn vị tôi nhận lệnh quay lại. Thế là đã muộn rồi, tổ giám sát quốc tế đã đóng ngang đường hành quân, chúng tôi không đi tiếp được nữa, buộc phải quay lại.
Lại vượt đèo 800, đèo 1001, duyên nợ với hai đèo này nặng thế. Chúng tôi vượt trở lại hơn 100 km đường rừng đi đường khác tới bãi Hà. Đây là bãi khách như muôn bãi khách khác ta thường thấy trên đường hành quân vào miền Nam, chúng tôi ở lại chờ giao quân cho mặt trận”.
Tại đây, Tiến và một nửa tiểu đoàn của anh được giao cho tỉnh đội Quảng Trị. Anh ngậm ngùi:
“Giờ phút chia tay đồng chí, đồng hương không hẹn được ngày gặp lại. Rồi đây vào chiến trường bom đạn ác liệt cái sống cái chết ranh giới rất gần nhau, chúng tôi thương nhau hơn bao giờ hết. Tôi viết lá thư gửi gia đình vào lúc cuối buổi chiều. Sáng hôm sau chúng tôi hành quân. Một nửa còn lại tự động đứng thành một hàng dọc, những cái bắt tay rất chặt, những lời chúc thắm thiết…”.
Đến dòng sông Bến Hải, ranh giới chia cắt hai miền, nhật ký ghi:
“Cả đoàn quân nối nhau lặng lẽ vượt sông Bến Hải bằng một cái ngầm ở thượng nguồn sông. Mùa khô nên nước chảy rất hiền hòa, nước trong suốt, không khát nước nhưng tôi cũng cúi xuống vốc nước rửa mặt và uống vài ngụm, nước mát và ngọt quá. Thế là tôi đã vượt Vĩ tuyến 17 ngăn đôi đất nước, mảnh đất dưới chân tôi không phải là miền Bắc thân yêu nữa. Tôi đã thật sự là người lính chiến trường rồi.
22-2-1973
Hành quân qua Cồn Tiên, vùng đồi hoang tàn đầy kẽm gai và mảnh đạn bom mìn, phải theo lối mòn người đi trước. Nơi đây mấy năm trước là chiến trường ác liệt, đài báo trong nước và nước ngoài nhắc đến nhiều. Tôi vẫn thấy có mùi hôi thối, cả một vùng rộng còn ngổn ngang xác xe, xác pháo và các vật liệu chiến tranh của địch bị quân ta phá hủy. Về đến C20 tỉnh đội Quảng Trị đóng ở Cam Lộ được nghỉ mấy ngày lấy lại sức và chờ phân về đơn vị chiến đấu”…
(còn nữa)
(Nhật ký của Trần Kỳ Tiến)
Trần Hoàng Tiến biên soạn