QĐND - Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1936 ở Pháp, Mặt trận Bình dân của các đảng phái chính trị cánh tả thắng lớn. Tháng 6-1936, Chính phủ Pháp được thành lập do Léon Blum, lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp làm Thủ tướng. Chính phủ mới đã ban hành nhiều chính sách có lợi cho các nước thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam.
Đối với nước ta, điều đáng nói trước tiên là chính sách ân xá chính trị phạm. Trong hai đợt trả lại tự do cho tù chính trị ở Đông Dương (tháng 7-1936 và 7-1937), phần lớn chính trị phạm bị giam cầm trong hệ thống nhà tù của thực dân Pháp ở Đông Dương được trả tự do. Những người cộng sản thoát khỏi ngục tù là một nguồn cán bộ được tôi luyện bổ sung làm tăng sức mạnh cho hàng ngũ của Đảng. Lợi dụng hoàn cảnh có một không hai này, Đảng Cộng sản Đông Dương đã vận dụng sáng tạo nhiều hình thức phong phú tạo thế và lực mới đưa phong trào cách mạng nước ta tiến lên. Trong số những hình thức tạo được uy tín và tiếng vang lớn của Đảng, phải kể đến hình thức đấu tranh nghị trường, bắt đầu từ việc vận động bầu cử cho những người cảm tình Đảng do Mặt trận Dân chủ giới thiệu. Ngày 20-3-1937, Trung ương đã gửi thông cáo cho các cấp Đảng bộ nêu rõ: “Chúng ta lợi dụng các thời kỳ tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng vào các cơ quan gọi là lập hiến mà bênh vực quyền lợi cho quần chúng lao động và các dân chúng bị áp bức. Các cấp đảng bộ tương đương phải dự bị những người ra ứng cử trong các viện dân biểu, các hội đồng thành phố”.
 |
Đồng chí Phan Đăng Lưu, người trực tiếp chỉ đạo vận động bầu cử, tranh cử của Xứ ủy Trung Kỳ vào Viện Dân biểu Trung Kỳ thời Mặt trận Dân chủ. Ảnh tư liệu |
Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ là cấp ủy chấp hành đầu tiên chủ trương ấy. Phan Đăng Lưu được Xứ ủy phân công chỉ đạo trực tiếp cuộc vận động bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ khóa III (1937-1940). Nhận thấy cần phải có phương tiện cho việc vận động tranh cử, Phan Đăng Lưu cùng với các nhà báo cách mạng Hải Triều, Tôn Quang Phiệt… thương lượng với Phan Khôi mua lại bản quyền tờ Sông Hương đang lay lắt và đổi tên thành tờ Sông Hương tục bản. Ngày 19-6-1937, Sông Hương tục bản ra số đầu tiên nhằm mục đích trước mắt là vận động bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ với bài có tựa đề Nhân tuyển cử sắp đến. Nhìn lại các cuộc tuyển cử vừa rồi ở trong nước và ngoài nước của Tổng biên tập Phan Đăng Lưu. Trong bài này, tác giả đề cập tới thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử ở Pháp năm 1936, sự thắng lợi của những người cộng sản trong cuộc bần cử vào Hội đồng quản hạt Nam Kỳ năm 1935 và mới nhất là thắng lợi của nhóm Le travail (Nhóm Lao Động) trong cuộc bầu cử bổ sung vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ tháng 1-1937. Đó là kinh nghiệm, và là động lực cho cuộc vận động bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ sắp tới. Trong một bài có tựa đề Cuộc tổng tuyển cử dân viện Trung Kỳ (Sông Hương tục bản số 2, ra ngày 26-6-1937), Phan Đăng Lưu thay mặt Xứ ủy Trung Kỳ tuyên bố công khai lập trường của Đảng nhằm định hướng cho quần chúng: “Chúng tôi muốn lựa người xứng đáng, biết trọng quyền lợi của chúng tôi… Không kể thanh niên hay lão đại, tân học hay cựu học, hễ thành tâm vì dân, vì nước mà mưu cầu việc công ích thì chúng tôi hết sức ủng hộ”. Với thái độ công minh, hợp pháp ấy, tác giả khuyến cáo: “Vậy xin các ông đi ứng cử nên xét trước tư cách của mình đã. Không đủ sức nên tự cáo lui trước đi. Xin các ngài đi bầu cử phải xem xét cho kỹ càng, chọn hạng người dám nói, dám làm mới có thể thay mặt mình mà mưu cầu quyền lợi dân chúng được”. Đặc biệt trong số 5, ra ngày 17-7-1937, Sông Hương tục bản nhân danh phe Bình Dân cho đăng bản “Chương trình của chúng tôi”. Đây là chương trình tranh cử tối thiểu do Xứ ủy Trung Kỳ thảo ra nhằm định hướng cho toàn bộ cuộc vận động bầu cử, đồng thời nêu lên các mục tiêu cải cách.
Cùng với việc tuyên truyền trên báo chí, Xứ ủy Trung Kỳ phân công cụ thể cho từng đồng chí xuống tận cơ sở ở Huế và các tỉnh thuộc Trung Kỳ vận động ứng cử và bầu cử cho các cử tri do Mặt trận giới thiệu. Đồng thời, sử dụng những đồng chí quen thuộc địa bàn Huế và các tỉnh khác hợp sức như: Võ Nguyên Giáp, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai.
Tại Huế, lợi dụng mâu thuẫn giữa Ngô Đình Diệm và Phạm Quỳnh, qua môi giới của anh em trong họ Ngô, Phan Đăng Lưu đã trực tiếp gặp Ngô Đình Diệm, lúc đó là Thượng thư Bộ Lại bàn về giải pháp liên danh, hợp tác. Trong cuộc gặp gỡ đó, Phan Đăng Lưu trao cho Diệm một bản danh sách những ứng cử viên do Mặt trận Dân chủ giới thiệu, trong đó có Phan Thanh, người Quảng Nam, được Đảng bộ Quảng Nam đánh giá rất cao, đang dạy học tại Trường tư thục Thăng Long, Hà Nội. Phan Thanh được Mặt trận ủng hộ đã ghi danh ứng cử viên vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông được phân về ứng cử tại hạt I Hòa Vang, Đại Lộc, Quảng Nam ở tuổi 29, hơn tuổi tối thiểu 1 tuổi. Ông trúng cử với số phiếu cao nhất trong 4 người ứng cử tại hạt và trúng cử ngay vòng đầu.
Trong cuộc vận động bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, Xứ ủy thông qua Mặt trận Dân chủ với việc vận dụng nhiều thủ pháp linh hoạt, sáng tạo, uyển chuyển, đặc biệt là báo chí công khai đã giành được thắng lợi rực rỡ không ngờ tới. Ngày 1-8-1937, trong bản danh sách những người trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ có 18 ứng cử viên do Mặt trận Dân chủ giới thiệu đã trúng cử với số phiếu rất cao. Các chức vụ cao trong Viện Dân biểu khóa III, từ Viện trưởng(*), Phó viện trưởng và phần lớn Ủy viên thường trực đều thuộc ứng cử viên do Mặt trận Dân chủ giới thiệu. Đó thực sự là một kỳ tích lớn lao dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Vừa là người tham gia trực tiếp, vừa là người quan sát chăm chú cuộc vận động bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, Võ Nguyên Giáp đã viết bài có tựa đề La lecon d’ Annam (Bài học Trung Kỳ) tổng kết thực hiện chính sách Mặt trận và rút ra những kinh nghiệm trong cuộc vận động bầu cử.
Thừa thắng xốc tới, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thu được thắng lợi rực rỡ trong cuộc vận động bầu cử vào Grand Conseil des intérêts écononiques et financiers de l’Indochine (Đại Hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương) và Hội đồng thành phố Hà Nội.
Viện Dân biểu Trung Kỳ họp phiên họp thường niên tháng 11-1937. Do vận động hành lang trước, tại phiên họp này, viện đã nhất trí bầu Phan Thanh và Huỳnh Văn Dâu (Trân) tham gia Đại Hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương. Đây là cơ quan tư vấn về các vấn đề kinh tế và tài chính cho Toàn quyền Đông Dương được thành lập từ tháng 11-1928. Đại Hội đồng có 51 thành viên, 28 người Pháp và 23 người bản xứ, gồm những thành viên do chính quyền bổ nhiệm, số còn lại được bầu từ các cơ quan hành chính và kinh tế ở địa phương. Ngày 2-12-1937, Phan Thanh và Huỳnh Văn Dâu dự phiên khai mạc của Đại Hội đồng tại Đại giảng đường Viện Đại học Đông Dương, Hà Nội. Trong kỳ Đại Hội đồng kéo dài 3 tuần này, Phan Thanh và Huỳnh Văn Dâu lên diễn đàn đề cập đến nhiều vấn đề trong 11 điều thỉnh cầu, trong đó có thỉnh cầu phá bỏ các nhà ngục, thay vào đó là các xưởng sản xuất để các phạm nhân được hưởng chế độ nhân đạo hơn.
Tháng 12-1938, có cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Hà Nội. Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội chủ trương, thông qua Mặt trận Dân chủ, giới thiệu người ra ứng cử. Rút kinh nghiệm vận động bầu cử bổ sung Hội đồng Dân biểu Bắc Kỳ năm 1935, đặc biệt nghiên cứu sự thành công rực rỡ của Xứ ủy Trung Kỳ trong cuộc vận động bầu cử Viện Dân biểu Trung Kỳ năm ngoái, Xứ ủy Bắc Kỳ cùng với Mặt trận Dân chủ ở Hà Nội sử dụng nhiều biện pháp, hình thức mềm mỏng, sáng tạo, đặc biệt trên báo chí để quảng bá và vận động bầu cử cho những ứng cử viên của mình. Mặt trận Dân chủ Đông Dương giới thiệu 4 đại biểu ra ứng cử vào Hội đồng thành phố Hà Nội, trong đó có Giáo sư Phan Thanh và bác sĩ Trần Văn Lai. Kết quả, 4 đại biểu của Mặt trận Dân chủ trúng cử với số phiếu khá cao, trong đó Phan Thanh trúng cử với 703 phiếu bầu và Trần Văn Lai là 550 phiếu (trung bình cho mỗi người trúng cử là 408 phiếu). Báo Notre Voix của Xứ ủy Bắc Kỳ ra ngày 1-1-1939 đã bình luận là kết quả bầu cử không phải do quảng cáo rùm beng hoặc do đút lót mà do phẩm giá của các ứng cử viên.
Thắng lợi của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc vận động bầu cử những đại diện vào các cơ quan dân cử dưới thời thực dân là cực kỳ to lớn. Xin được trích dẫn một đoạn trong “Văn kiện Đảng” thời kỳ này để kết luận cho bài viết này. Văn kiện đánh giá: “Công tác có thành tích rõ rệt, có ảnh hưởng lớn lao hơn hết là sự tham gia các cuộc tuyển cử ở Sài Gòn, Hà Nội và ở Trung Kỳ. Trong các cuộc tuyển cử ấy, các đồng chí đã đề xướng ra những bản Chương trình hành động rất rõ rệt. Việc các căngdida của ta ở Hà Nội, Sài Gòn và Trung Kỳ… được đắc cử là những thắng lợi rất vẻ vang của Đảng ta”.
(*) Ông Hoàng Văn Khải, một nhân sĩ dân chủ, tham gia Đảng Tân Việt, đã từng bị tù ở Côn Đảo, ứng cử viên do Mặt trận Dân chủ giới thiệu đã trúng cử và được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ.
PGS, TS PHẠM XANH