Trung tướng Vương Thừa Vũ, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sinh năm 1910 tại Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông là chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội, ngày 10-10-1954 ông chỉ huy ba trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Thủ đô, được Bác Hồ giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội. Tên ông đã được đặt cho một đường phố ở Thủ đô.
 |
Chủ tịch Ủy ban quân chính Vương Thừa Vũ đọc diễn văn trong lễ mừng Chiến thắng tại sân Cột Cờ, Hà Nội. |
Mới đây, tôi có dịp trò chuyện cùng Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, nguyên Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu. Ông Nguyễn Chu Phác năm nay 75 tuổi, từng có 18 năm liền làm thư ký giúp việc cho Trung tướng Vương Thừa Vũ. Những kỷ niệm một thời với người thủ trưởng đáng kính ấy vẫn còn tươi mới trong tâm khảm ông…
Giữa năm 1960, tôi đang chỉ huy hai tiểu đoàn bộ binh diễn tập tại Rịa (Ninh Bình) thì cấp trên gọi lên, gặp một người dáng cao, gầy, tác phong rất bình dị. Đó là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ. Tên tuổi ông từ lâu lớp sĩ quan trẻ chúng tôi đã ngưỡng mộ và thật vinh dự, bất ngờ, từ hôm đó tôi được làm thư ký giúp việc cho ông.
Thực ra hồi cuối năm 1946, tại mặt trận Hà Nội, khi chúng tôi tham gia tự vệ thành Hoàng Diệu, đã là lính dưới quyền ông rồi. Thiếu thời, do nhà nghèo ông theo cha lưu lạc sang Vân Nam, Trung Quốc làm việc trong một nhà máy xe lửa, sau vào học trường võ bị Nam Kinh. Năm 1941 ông về nước tham gia phong trào đánh Pháp đuổi Nhật, bị địch bắt, chuyển qua các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Bá Vân (Thái Nguyên), Nghĩa Lộ. Sau khi vượt ngục Nghĩa Lộ, ông được Đảng giao nhiệm vụ mở lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ chiến khu 2 tại Hòa Bình. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông về Hà Nội làm Khu trưởng Khu 11. Tháng 11-1946 tình hình Hà Nội cực kỳ nóng bỏng, thực dân Pháp rắp tâm tiêu diệt Nhà nước dân chủ-cộng hoà non trẻ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, ông được Bộ Tổng tư lệnh cử làm chỉ huy trưởng mặt trận. Lúc đó tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân Pháp đông, trang bị hiện đại, có máy bay, xe tăng yểm trợ, còn ta vũ khí thô sơ, với súng trường, bom ba càng tự tạo, giáo mác, lại chưa có nhiều bài bản đánh địch. Với tác phong sâu sát, tỉ mỉ ông đến từng chiến hào, chiến lũy để đôn đốc, kiểm tra và với tài năng quân sự thiên bẩm, ông đã đề ra nhiều cách đánh cụ thể, linh hoạt tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng ta. Có những chiến thuật mà mỗi chiến sĩ Thủ đô chúng tôi ngày ấy đều truyền nhau học đến thành thục, như “cang chiến” (đánh kiểu cài then cửa), “xoáy trôn ốc” (đánh nhiều vòng để thực hiện cắt địch thành nhiều khúc)… Đặc biệt, “trùng độc chiến” là một sáng tạo độc đáo của ông. Lúc đó, ta gom được số quân vào 4 tiểu đoàn, phòng thủ theo 3 tuyến trên diện rộng hàng trăm km. Cách đánh thường thấy thì phải dàn quân theo chiến tuyến, đối đầu trực tiếp, như thế sẽ không tránh khỏi thất bại, vì địch trội hơn hẳn về hỏa lực. “Trùng độc chiến” cũng có thể gọi là “nội công ngoại kích”, ông cho bí mật ém sẵn một tiểu đoàn trong nội thành, ngay giữa lòng địch, các đơn vị còn lại bố trí tại các cửa ô, nút giao thông quan trọng. Địch hoàn toàn bất ngờ, chúng đánh vỗ mặt Việt Minh, lập tức bị nếm đòn “nội công”, quay lại đối phó thì lại bị “ngoại binh” phản kích. Chính nhờ chiến thuật này mà quân dân Thủ đô với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã giam chân và tiêu hao một lực lượng lớn quân Pháp trong suốt 60 ngày đêm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cầm chân địch, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ rút về Chiến khu Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ.
Thời chống Mỹ, ông từng làm tư lệnh các quân khu Hữu Ngạn, Quân khu 3, Quân khu 4, ngày đêm chăm lo việc rèn binh, luyện cán một cách bài bản, thực chất để chi viện cho tiền tuyến. Sau về tại Tổng hành dinh, hằng ngày nhận được điện báo cáo từ chiến trường, ông yêu cầu Cục Tác chiến vẽ lên bản đồ và đặt ra một số câu hỏi để đơn vị trả lời. Sau đó ông cùng các cục Khoa học quân sự, Quân huấn, Nhà trường nghiên cứu trao đổi rút ra các kết luận khách quan, điện phổ biến ngay cho các chiến trường. Trên đường đi công tác, ông hay hỏi chúng tôi về người lính, về chỉ huy cấp phân đội nhỏ. Ông thường bảo, sau mỗi trận đánh không thắng, không nên đổ tại người lính, chỉ huy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Ông còn nhấn mạnh: tình thương cao nhất với chiến sĩ là giúp họ có bản lĩnh chiến đấu để tránh thương vong, sau trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương, do đó người chỉ huy phải là tấm gương về học tập, rèn luyện, lắng nghe cấp dưới, chịu chung cái khó, cái khổ với họ.
 |
Trung tướng Vương Thừa Vũ. |
Ông đã đúc kết được thêm nhiều cách đánh địch mới mẻ, hiệu suất cao. Chẳng hạn: chiến thuật “thế kiềng 3 chân”, tác chiến phòng thủ từ tổ 3 người trong một tiểu đội, đến đơn vị lớn hơn là đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, lần đầu được được áp dụng ở chiến dịch Đường 9-Quảng Trị. Vận dụng kinh nghiệm vây lấn trong chiến dịch Điện Biên Phủ (lúc đó ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308), ông cùng Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo vận dụng tại chiến trường miền Nam, đánh thắng nhiều trận, mà điển hình là trận Ta Ke, Tây Nguyên năm 1969, với chiến thuật “quyết, vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”. Là tướng trận mạc, khi có trận thua, ông cũng rút ra những bài học để không mắc lại sai lầm phải trả giá bằng xương máu chiến sĩ. Đó là các trận thời chống Pháp như: Chùa Cao, Ninh Bình của Trung đoàn 88 (tháng 6-1951); Pheo, Hòa Bình của Trung đoàn 102 (1-1952)… Thời chống Mỹ như: Đức Vinh (Tây Nguyên), Thượng Đức lần thứ nhất (Khu 5)…
Nét độc đáo khác nữa của ông là còn đúc kết kinh nghiệm đánh địch thành thơ ngắn gọn, súc tích để cán bộ, chiến sĩ dễ nhớ vận dụng trên bãi tập cũng như vào trận. Chẳng hạn: Bài Cách đánh tỉa: Bắn gần kết hợp bắn xa/Bắn thằng phía trước cùng là xuyên hông; bài Vận động tấn công kết hợp chốt: Chiến trường là chốn giao tranh/Hai bên đọ sức để giành phần hơn/Địch vào ta chặn phản công/Khẩn trương vận động hiệp đồng triển khai…
Trung tướng Vương Thừa Vũ đã đi xa đến nay là 26 năm. Những chiến công, cùng những đúc kết kinh nghiệm chiến dịch, chiến thuật ông để lại trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam thật là to lớn. Riêng với tôi, được may mắn nhiều năm gần gũi ông, những kỷ niệm về tinh thần cầu thị, ham học hỏi, lòng thương yêu đồng đội của ông là không thể nào quên. Tôi nhớ dạo vừa mới về, ông bảo tôi sưu tầm ngay cho 6 tập luận văn quân sự của Ph.Ăng-ghen. Ông đọc rất kỹ, đọc đi đọc lại từng đoạn chính, đoạn nào tâm đắc đều gạch dưới dòng và kẹp giấy đánh dấu. Đến nay tôi còn lưu giữ cẩn thận 5 tập với hơn 1.300 trang in có bút tích của ông, từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thật hiếm có một cán bộ quân sự nào đọc kỹ cả nghìn trang sách về tư tưởng, học thuyết quân sự của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin như thế! Mặc dù bận nhiều việc ông vẫn dành thời gian dạy anh em cấp dưới những ngón nghề ông thành thạo hồi trước khi tham gia cách mạng như nề, mộc, gò; riêng anh em cảnh vệ ông dạy thêm các thế võ (ông vốn giỏi võ, tập luyện từ thuở bé). Tôi quên sao được hình ảnh vị thủ trưởng của mình xách một làn mây đựng 5kg gạo nếp, một chục trứng gà đến thăm vợ tôi khi sinh con đầu lòng. Có anh cán bộ thuộc đại đoàn cũ của ông đến trình bày việc một quân nhân tại đơn vị bị kỷ luật oan, đời sống hiện rất khó khăn. Nghe xong, ông mở tủ lấy đôi giày đen mới và cái máy ảnh do đoàn quân sự nước ngoài vừa tặng, bảo đem về cho người ấy bán đi tạm có tiền ăn, còn sự việc bị kỷ luật thế nào, ông sẽ gặp cấp có thẩm quyền giải quyết…
PHẠM QUANG ĐẨU