QĐND - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, y sĩ Nguyễn Văn Nhân chưa kịp tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội đã xung phong ra chiến trường và trở thành Đội trưởng Đội điều trị 4, Đại đoàn 304. Ngay tại mặt trận, ông đã cùng đồng đội tiến hành hàng nghìn ca phẫu thuật dưới “phòng mổ” là các căn hầm dã chiến được chiếu sáng bởi những chiếc đèn “tự chế”…

Bộ máy phát điện quay tay và chiếc đèn đi-na-mô xe đạp của Đội Điều trị 4, Đại đoàn 304 sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần. Ảnh: Thanh Hà

Dù đã ngoài 90 tuổi, sau một lần ốm nặng khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng GS, TSKH, TTND Nguyễn Văn Nhân vẫn còn rất minh mẫn. Với ông, ký ức những ngày phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình Đại đoàn 304 “bao giờ cũng trỗi dậy rõ nét nhất”. Chính vì vậy, khi đoàn cán bộ của Bảo tàng Hậu cần đến gặp, ông say sưa kể chuyện như quên cả thực tại.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm tốt công tác bảo đảm quân y trong điều kiện hậu phương xa tiền tuyến tới 400-500km, địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận chuyển cơ giới ít và xấu, thời tiết không thuận lợi, dân thưa, kinh tế nghèo, phương tiện, thuốc thang thiếu thốn là vô cùng khó khăn. Các đội điều trị thuộc Cục Quân y được thành lập ngay từ đầu chiến dịch, được bố trí đứng sau tuyến Quân y Đại đoàn, làm nhiệm vụ bệnh viện dã chiến chiến dịch, thu dung điều trị thương binh, bệnh binh của mặt trận cho tới khi tình trạng ổn định, được trả về đơn vị hoặc chuyển tiếp về các bệnh viện hậu phương ở Việt Bắc hoặc Thanh Hóa. Đội điều trị 4, Đại đoàn 304 do Đội trưởng Nguyễn Văn Nhân chỉ huy làm nhiệm vụ bệnh viện dã chiến, đóng quân tại Hồng Cúm.

GS, TSKH, TTND Nguyễn Văn Nhân (bên trái) và thương binh Trần Quốc Hanh, người được cứu sống tại mặt trận Điện Biên Phủ nhờ mổ bằng đèn đi-na-mô xe đạp. Ảnh chụp lại

Tại đây, bộ đội phải chiến đấu trong hầm hào, quân y cũng làm việc trong điều kiện tương tự. Trang thiết bị y tế thiếu thốn, kỹ thuật thô sơ, môi trường “tác nghiệp” của các thầy thuốc khó khăn trăm bề. Sau mỗi trận mưa, hầm hào ngập đầy bùn, do đó hầu hết các vết thương sọ não, vết thương nội tạng, bụng, ngực... đều bị nhiễm trùng nặng. Thêm vào đó, ở Tây Bắc có loại ruồi vàng hay bậu vào các vết thương, nên các vết thương phần mềm đều bị nhiễm trùng, gây đau đớn cho thương binh. Ông kể: “Để xử lý các vết thương, chúng tôi sẵn sàng triển khai các bộ phận chuyên môn mọi lúc, mọi nơi. Giường nằm của bệnh nhân là chỉ là những "hầm ếch" trên vách hầm hào, mặt giường trải lá, lát phên nứa, phủ một lớp dù và "nhân viên buồng mổ” đi chân trần không guốc dép, mặt bàn mổ là một mặt chõng, ánh sáng buồng mổ là mấy chiếc đèn bão…".

Nhưng ánh sáng từ những chiếc đèn bão đó không đủ sáng, không thể rọi sâu vào trong ổ bụng và khoang lồng ngực. Đó là một thách thức lớn đối với các y, bác sĩ khi cứu chữa cho thương binh. Đúng thời điểm ấy, Cục Quân y phổ biến sáng kiến sử dụng ánh sáng điện bằng cách lấy đèn pha xe đạp, lắp trên một khung xe và lắp thêm một bộ phát điện quay tay, được một y tá hoặc dân công ngồi quay. Đèn xe đạp được trưng dụng từ các đoàn xe thồ của dân công và thế là có nguồn điện phát ra từ đi-na-mô xe đạp tương đương với dòng điện 12V. Bằng cách đó, họ có đủ ánh sáng tiến hành mổ, cứu sống được nhiều thương binh trong đêm và trong hầm tối. Nói đến đây, thầy thuốc Nguyễn Văn Nhân mỉm cười: “Đó chính là sáng kiến của ông "Bảo đen" (bác sĩ Trần Bảo, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108-PV). Chuyện này tôi được bác sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Tạ Lưu kể lại. Cũng là cả một hành trình vượt khó đấy”.

Vào những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến (1946), bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ (sau này là Giáo sư, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội) nhận lệnh thành lập bệnh viện ngoại khoa dã chiến đóng ở xã Xuất Cốc thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Cùng công tác có sinh viên y khoa năm thứ tư Trần Bảo và y tá Đào Thế Phượng, công tác ở phòng mổ. Hằng đêm đều có thương binh bị thương ổ bụng và lồng ngực vào cấp cứu. Ánh sáng nhà mổ lúc đó duy nhất chỉ có chiếc đèn bão nên không thể rọi sâu vào trong ổ bụng và khoang lồng ngực, hơn nữa bệnh nhân được gây mê bằng ê-te dễ bắt lửa trong lúc mổ, rất nguy hiểm, còn ánh sáng của đèn pin thì lại quá yếu khiến bác sĩ Cơ gặp nhiều khó khăn. Vài lần như vậy, ông đề nghị tất cả mọi người cùng nghĩ xem có cách nào khắc phục được không. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, Trần Bảo bật ra sáng kiến thử dùng đèn đi-na-mô xe đạp xem sao. Được bác sĩ Cơ đồng ý, Trần Bảo sốt sắng đi tìm mua một chiếc xe đạp có đèn về phối hợp cùng y tá Đào Thế Phượng bắt tay vào lắp ráp thực nghiệm ngay. Lúc đầu phải hai người thay phiên nhau quay "pê-đan" bánh xe, người phụ cầm đèn rọi vào ổ bụng hoặc lồng ngực theo yêu cầu của phẫu thuật viên. Về sau được cải tiến treo xe đạp ở ngoài phòng mổ, để đảm bảo vô trùng, một người ngồi xe đạp liên tục như một "cua-rơ" thực thụ vừa đỡ mỏi mà ánh sáng rọi vào "trường mổ" không bị lập lòe, lại bớt được một người. Sáng kiến này được Đội điều trị 4 áp dụng và cải tiến bổ sung thêm bộ phận phát điện quay tay sử dụng tại những "phòng mổ đặc biệt" ở Điện Biên Phủ.

Hiện vật chiếc máy phát điện quay tay và chiếc đèn đi-na-mô xe đạp của Đội điều trị 4, Đại đoàn 304 đang được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần.

SONG THANH-ANH GIÁ