Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, bố ông-cụ Nguyễn Đức Lô sinh năm 1918 tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Tháng 9-1946, Nguyễn Đức Lô nhập ngũ; cuối năm 1949 được cử sang Trung Quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Nguyễn Đức Lô trở lại đơn vị tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Tại đây, Nguyễn Đức Lô vinh dự là người đầu tiên sử dụng súng bazooka do quân giới sản xuất. Với sự gan dạ và kinh nghiệm chiến đấu, ngay từ viên đạn đầu tiên, Nguyễn Đức Lô đã bắn cháy chiếc xe tăng dẫn đầu của đội quân viễn chinh Pháp khi chúng đang hành quân lên Đông Khê chi viện. Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến quân địch hết sức hoang mang và rối loạn đội hình chiến đấu, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị xung phong tiến công tiêu diệt địch. Kết quả, ngoài bắn cháy chiếc xe tăng dẫn đầu, Nguyễn Đức Lô còn tiêu diệt được nhiều tên giặc.

leftcenterrightdel
Chiếc áo trấn thủ của cụ Nguyễn Đức Lô được lưu giữ tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc, Quân khu 1.

Kết thúc chiến dịch, Nguyễn Đức Lô được đơn vị bầu chọn là chiến sĩ có thành tích tiêu biểu nhất và được cử đi dự hội nghị báo công tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng). Tại đây, Nguyễn Đức Lô vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc áo trấn thủ, chiếc áo mà trước đó Hội Phụ nữ cứu quốc đã tặng Người. Thời gian sau đó, Nguyễn Đức Lô tiếp tục cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh trên địa bàn Việt Bắc và lập được nhiều chiến công. Cuối năm 1951, trong một trận càn của quân địch, chiến sĩ Nguyễn Đức Lô bị thương nặng, bị biến chứng dẫn đến câm, điếc và được chuyển về hậu phương để chữa trị. Khi sức khỏe hồi phục, tuy không đủ điều kiện trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng Nguyễn Đức Lô vẫn hăng hái tham gia các hoạt động xây dựng lực lượng vũ trang tại địa phương, tích cực lao động sản xuất kiến thiết quê hương.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Mạnh Hà trao chiếc áo trấn thủ tặng Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc, Quân khu 1. Ảnh: QUANG THẮNG

Sau khi cụ Nguyễn Đức Lô mất, chiếc áo trấn thủ Bác tặng được giao lại cho ông Nguyễn Mạnh Hà cất giữ. Ông luôn coi chiếc áo như một kỷ vật quý giá, niềm tự hào của gia đình và dòng tộc.

TẠ VĨNH HẢI