Sinh năm 1930, 18 tuổi, chàng thanh niên Lâm Đức Hạt tình nguyện rời quê hương Ninh Bình để đăng ký tòng quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông bảo, ngày ấy, trang bị cho quân đội thiếu thốn, “làm gì có quân phục chỉnh tề như bây giờ”, trên người thì “có gì mặc nấy”, chân toàn đi đất, ai “sang” lắm mới có đôi dép cao su... Thế nên, việc đơn vị pháo phòng không 37mm của ông có cả bi đông đựng nước đeo bên hông, mũ sắt trên đầu là rất quý. “Chiếc bi đông do nước bạn tài trợ cho các đơn vị pháo phòng không của ta sang học tập và rèn luyện”-Đại tá Lâm Đức Hạt kể.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/13/2019/04/11/tvthuonghuyen/10.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên nhận chiếc bi đông do Đại tá Lâm Đức Hạt (thứ hai, từ phải sang) trao tặng tại Lễ phát động hiến tặng tài liệu, hiện vật liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3-2019. Ảnh: PHẠM KIÊN |
Giữa năm 1951, ông và đồng đội nhận lệnh đi học tập tại huyện Tân Dương, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ông kể, chuyến đi ấy, những người được lựa chọn đều phải biết chữ (ông Hạt lúc ấy đã học hết lớp 5), cấp trên có giải thích là học một loại vũ khí mới do nước bạn viện trợ. Đại tá Lâm Đức Hạt kể tiếp: “Nhận lệnh hành quân ban đêm, mưa lây phây trên đường, đầu trần, chân đi đất, chúng tôi bảo nhau bẻ tàu lá cọ để làm mũ che mưa. Qua biên giới Lạng Sơn, sang đến Bằng Tường thì được đi tàu hỏa. Đơn vị toàn là những cậu lính trẻ tuổi mười tám, đôi mươi, kháo nhau là chuyến này được sang nước bạn học tập, không cần phải dùng các loại ống bương, giá đựng cơm canh, ống tre đựng nước... nữa nên thi nhau vứt qua cửa sổ toa tàu”.
Đến Nam Ninh, đơn vị được ăn một bữa cháo gà rồi lên xe thẳng đến pháo trường Tân Dương. Chuyến đi huấn luyện này ai cũng xác định là phải rèn luyện thật tốt để trở về đánh đuổi giặc ngoại xâm. Năm 1953, Lâm Đức Hạt và đồng đội hoàn thành khóa huấn luyện. Trước ngày trở về, tại buổi lễ tiễn đoàn Việt Nam, vị chỉ huy người Trung Quốc vừa trao những chiếc bi đông, mũ sắt vừa dặn dò: “Đây là quà của Chủ tịch Mao (Chủ tịch Mao Trạch Đông-PV) tặng các đồng chí! Chúc các đồng chí chiến thắng!”.
Đơn vị của Lâm Đức Hạt được hành quân bằng ô tô ra Mặt trận Điện Biên Phủ. Pháo 105mm và cao xạ 37mm trở thành vũ khí bí mật, bất ngờ tại chiến trường. Quán triệt chỉ thị của cấp trên phải hết sức giữ bí mật, nhất là bất ngờ về lực lượng pháo binh lần đầu tiên tham chiến, các ông đã lấy sức người thay cơ giới, đưa pháo từ vị trí tập kết vào trận địa. Rồi lại phải kéo pháo ra khi mặt trận chuyển phương thức tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Với mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn, ngoài các pháo thủ, cả một trung đội bộ binh thay nhau kéo ra vào ban đêm, ban ngày thì ngụy trang ẩn nấp. Trước những địa hình đèo cao dốc đứng, phải hứng chịu những trận bom na-pan, bom bướm, pháo tọa độ... của địch, nhưng không người lính nào nao núng tinh thần bởi lòng tin vào quyết định của cấp trên là tuyệt đối.
“Chiếc bi đông trở thành vật bất ly thân với những người lính pháo chúng tôi. Khi đựng nước uống, khi trở thành vật chườm nóng giúp giảm đau với những vết thương phù nề, sưng tấy. Lại có lúc cứu tính mạng chúng tôi như trường hợp Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Pho bị mảnh pháo bắn vào đúng chiếc bi đông buộc ngang hông, vậy là không hề hấn gì! Tiếc rằng ở trận đánh sau, Nguyễn Văn Pho đã anh dũng hy sinh...”-Đại tá Lâm Đức Hạt trầm ngâm khi nhớ về đồng đội.
PHẠM THU THỦY