QĐND - “Chiếc đồng hồ này tôi được đồng chí Đội trưởng Đội công tác Phú Thọ tặng để xem giờ chỉ huy hiệp đồng chiến đấu trong trận Hố Rổi”, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hải Lý vừa nói, vừa trao cho chúng tôi kỷ vật được ông nâng niu, gìn giữ suốt mấy chục năm qua và tâm sự về cơ duyên của ông và “chiếc đồng hồ”.

Đầu năm 1972, nhằm rút kinh nghiệm cho cách đánh cứ điểm, Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam giao nhiệm vụ cho Tỉnh đội phó kiêm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Lê Hải Lý đi chuẩn bị chiến trường ở Hố Rổi, nơi tiếp giáp giữa các xã Phú Thọ (Quế Sơn) và Bình Định (Thăng Bình). “Sau khi lập kế hoạch, xây dựng quyết tâm chiến đấu, tôi báo cáo với Ban chỉ huy Tỉnh đội và được nhất trí với phương án và quyết tâm đánh cứ điểm Hố Rổi để làm kinh nghiệm cho những trận đánh tiếp theo”, Đại tá Lê Hải Lý hồi tưởng.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hải Lý luôn nâng niu chiếc đồng hồ như một kỷ vật về tình đồng đội.

Trong thời gian đó, lính Mỹ vẫn còn trên khắp các chiến trường. Ta đánh ở đâu là xe tăng Mỹ đến đó, đặc biệt là máy bay trực thăng vũ trang. Khi khói súng của ta chưa tan đầu nòng đã thấy tên lửa rốc-két của chúng bắn dồn dập xuống trận địa. Được lệnh của Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam, các đơn vị nhanh chóng tổ chức hành quân. Thành phần tham gia chiến đấu gồm có Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 74 và lực lượng của các huyện đội Quế Sơn, Thăng Bình. Tối 20-2, khi nhận được báo cáo của các đơn vị về việc tập kết quân số, bố trí đội hình chiến đấu, Tỉnh đội phó Lê Hải Lý đưa tay xem đồng hồ để đối chiếu với thời gian hiệp đồng chiến đấu đã quy định. Nhưng đồng hồ của anh không có dạ quang nên phải loay hoay tìm nguồn sáng. Đúng lúc ấy, anh phát hiện thấy chiếc đồng hồ trên tay đồng chí Đội trưởng Đội công tác Phú Thọ có vệt sáng lân tinh vội quay sang hỏi giờ để kịp thời chỉ đạo các nhiệm vụ tiếp theo. Anh không ngờ người đội trưởng đã tặng luôn cho anh chiếc đồng hồ để tiện chỉ huy hiệp đồng đánh trận Hố Rổi.

Không ngờ sáng ngày 21-2, có 2 chiếc máy bay trinh sát và 5 trực thăng, cũng là loại máy bay trinh sát nhưng kiểu tàu rọ, quần lượn trên bầu trời thôn 1 và thôn 2 (Phú Thọ, Quế Sơn). Cánh quạt vè vè thổi bạt lá cây, thậm chí có nơi có nguy cơ bị lộ vì cây cối ngụy trang bị gió thổi nghiêng ngả. Tình huống bất ngờ xảy ra khiến người chỉ huy phải thường xuyên căng mắt để quan sát và kịp thời đề ra biện pháp xử trí. Bằng kinh nghiệm đã qua nhiều năm trận mạc, căn cứ động thái của địch, anh xác định quân ta đã bị chúng phát hiện. Cùng lúc đó, pháo binh từ Tuần Dưỡng, núi Quế bắt đầu đánh cấp tập vào núi ông Lặng và thôn 2. Trong 5 chiếc máy bay đã có 4 chiếc hạ thấp độ cao và phát hiện được hầm của Sở chỉ huy tỉnh đội. Chúng liền cho máy bay treo tại chỗ, bọn lính ngồi trong khoang ném lựu đạn và bắn xối xả xuống khu vực sở chỉ huy. Sau đó, địch tiếp tục ném hỏa mù để hạ xuống bắt sống cán bộ ta. Tuy nhiên ta vẫn giữ bí mật vì: “Nhiệm vụ cơ bản của chúng tôi là đánh cứ điểm Hố Rổi trong công sự vững chắc để rút kinh nghiệm”, Đại tá Lý cho biết. Song tình hình chiến sự diễn ra quá bất ngờ và chuyển biến mau lẹ. Một đồng chí chiến sĩ vệ binh đã bị thương ngay hầm chỉ huy. Đường dây thông tin hữu tuyến điện bị rốc-két và pháo binh địch bắn đứt nhiều đoạn, thông tin liên lạc bị tắc nghẽn. Trong lúc đó, tốp máy bay thứ hai gồm 2 chiếc tiếp tục lao xuống trước hầm chỉ huy. Lê Hải Lý nhanh chóng chộp lấy khẩu súng AK của chiến sĩ bị thương, nhằm vào đầu chiếc máy bay đầu tiên siết cò. Bị trúng đạn, chiếc máy bay trực thăng bốc cháy và rơi xuống trước hầm chỉ huy khoảng 20m. Khi chiếc thứ nhất bị cháy, máy bay thứ hai vẫn chưa kịp bay lên. Anh nghiến răng xả hết băng đạn vào đầu nó. Máy bay lảo đảo, bốc cháy và rơi xuống đồi Ông Lặng, phía sau sở chỉ huy.

Chiếc đồng hồ đêm Hố Rổi.

Sau đó, Lê Hải Lý lệnh cho sở chỉ huy tiền phương cơ động về trực tiếp chỉ huy các Tiểu đoàn 70 và 74, đồng thời cho mở máy thông tin vô tuyến để liên lạc nối lại đường dây hữu tuyến. Đúng như nhận định của ta, địch sử dụng 4 chiếc máy bay phản lực ném bom ở núi ông Lặng, thôn 2 và đổ quân xuống khu vực chiến sự vừa xảy ra. Khi địch dừng đổ quân và bộ binh bắt đầu đánh vào làng, anh chỉ huy Tiểu đoàn 70 xuất kích bao vây toàn bộ lực lượng địch, truyền lệnh cho Huyện đội Quế Sơn từ đường sắt đánh lên, Huyện đội Thăng Bình từ cầu ông Triệu đánh qua; chỉ đạo Tiểu đoàn 74 dùng hỏa lực 12,7mm bắn máy bay, cối 81 bắn vào đội hình địch, chi viện cho Tiểu đoàn 70 xung phong. Sau hai giờ chiến đấu, ba mũi tiến công của ta đã hợp lại trước cánh đồng thôn 2 (Phú Thọ) diệt gọn đại đội trinh sát của Sư đoàn 2 ngụy. Đêm hôm ấy, địch tiếp tục bắn pháo sáng và sử dụng pháo binh bắn vào Phú Thọ, nhưng quân ta đã về nơi trú ẩn an toàn.

Khi hết chiến tranh, Đại tá Lê Hải Lý đã cố tìm lại người đội trưởng để trả đồng hồ. Song không ai biết anh ấy là ai nên nó đã trở thành kỷ vật của người chỉ huy năm xưa. Ông tâm sự: “Trước đây, tôi đã hiến tặng khẩu súng K59 số hiệu 6H-3189 cho Bảo tàng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, do Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân tặng tại hội nghị mừng công năm 1972. Bây giờ, tôi muốn hiến tặng kỷ vật này cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự để góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc”.

Bài và ảnh: Bình An