Ngay sau lễ thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã xuất quân thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tạo niềm tin cho đội viên, quần chúng và xây dựng truyền thống cho đội. Xác định rõ ý nghĩa của nhiệm vụ đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đội trưởng Hoàng Sâm quyết định chọn Phai Khắt để đánh trận đầu tiên.
Đồn Phai Khắt thuộc bản Phai Khắt, xã Tam Lộng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đó là ngôi nhà cột gỗ, xung quanh xây gạch, lợp ngói âm dương, chiều dài chừng 15m, chiều rộng chừng 14m, diện tích khoảng 210m2. Tháng 2-1944, quân Pháp tiến về bản Phai Khắt nhằm kiểm soát và đàn áp phong trào cách mạng địa phương. Nhận thấy ngôi nhà phù hợp làm nơi trú, chúng đã chiếm lấy làm đồn. Bên trong được chia làm 4 gian, một bức tường lửng ngăn đôi, nửa bên phải đầu hồi là buồng ngủ của tên đồn trưởng Simono, gian thứ hai là buồng ngủ của tên cai. Nửa bên trái, giá súng đặt ở giữa; hai bên giá súng kê ván nằm ngủ của lính. Trước cửa có cọc gỗ, tre đổ đất cao chừng 1,5m, có lỗ châu mai để phòng thủ.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](http://file.qdnd.vn/data/images/13/2017/12/11/tvthuonghuyen/anh2140685838am.jpg?w=500) |
Áo khoác dạ, quần quân phục và nón lính dõng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: DUY ĐÔNG |
Chiều 24-12-1944, lực lượng tham gia cải trang thành lính khố xanh, hành quân về Phai Khắt, đến nửa đêm thì dừng lại nghỉ tại hang Thẳm Khẩu cách đồn gần 1km. Sáng sớm 25-12, tin báo về cho biết tên đồn trưởng đã cưỡi ngựa đi châu lỵ Nguyên Bình. Đội lập tức chia làm hai nhóm, nhóm chính theo bờ suối tiến thẳng vào đồn, nhóm còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ vòng ngoài. Dẫn đầu đội hình chính tiến vào đồn là đồng chí Thu Sơn (Nguyễn Văn Càng), mặc quân phục kaki vàng, tiểu liên khoác chéo trước ngực cùng các đội viên cải trang thành lính khố xanh theo hầu và lính dõng.
Tới cửa đồn, đồng chí Thu Sơn nói lớn với tên lính gác rằng đội đi tuần vào chào quan Tây và giơ tờ “lệnh đi tuần” giả có dấu đỏ. Khi tên lính còn chưa kịp xem kỹ thì Thu Sơn đã gạt hắn ra, dẫn đội đi thẳng vào trong. Bọn lính trong đồn vừa ăn cơm xong, đang dọn dẹp thì nghe thấy hô lớn bằng tiếng Pháp “Tập hợp! Chuẩn bị đón quan châu”. Bọn lính tưởng thật, vội vàng chạy ra sân xếp hàng. Các đội viên cải trang thành lính dõng nhanh chóng chiếm khu vực để súng, bao vây nhóm lính. Thu Sơn dõng dạc: “Chúng tôi là quân cách mạng, tất cả giơ tay đầu hàng, cách mạng sẽ không giết ai”. Bị bất ngờ, tất cả bọn lính giơ tay hàng, tên lính gác cũng bị tước súng và dồn vào sân.
Một lúc sau, tin báo về cho biết tên đồn trưởng Simono đang đi ngựa về đồn cùng một vài tên lính không mang súng. Như mọi lần, tên Simono mặc bộ quần tây, cưỡi ngựa hồng cao lớn tiến vào. Một tiếng thét vang lớn: “Giơ tay lên!”. Tên đồn trưởng hoảng hốt quay ngựa hòng bỏ chạy thì “đoàng”-đội viên Luân (Võ Văn Dảnh) đã kịp thời tiêu diệt hắn. Sau đó, cả đội tập trung lấy vũ khí, đạn dược và quần áo làm chiến lợi phẩm. Trước khi đi, đội bàn với lãnh đạo địa phương các cách chống bọn địch quay lại bắt bớ và để lại đồn một mảnh giấy bằng tiếng Pháp: “Chúng tôi đã cùng Việt Minh đi đánh Tây rồi”.
Trận đánh diễn ra khoảng mười phút và giải quyết xong mọi việc sau nửa giờ. Sau đó, toàn đội rời khỏi đồn. Số đội viên mang súng kíp trước đó tặng cho tự vệ địa phương và thay bằng súng trường của địch. Đến nửa đêm 25-12, toàn đội hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), đóng quân trên một quả đồi. Tại đây, đội chấn chỉnh đội ngũ, kiểm điểm rút kinh nghiệm, biểu dương các đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đó Ban chỉ huy đội phổ biến kế hoạch tác chiến tiếp theo...
Ngay từ những ngày đầu thành lập, cán bộ, chiến sĩ Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) đã chú trọng sưu tầm những hiện vật về Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nhằm tuyên truyền, giáo dục về lịch sử truyền thống hào hùng của quân đội. Quân phục của tên đồn trưởng Simono, áo khoác và nón dõng là những hiện vật được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm khi tìm hiểu về Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Theo hồ sơ hiện vật, chiếc quần quân phục thu được của tên đồn trưởng có chất liệu bằng vải dạ, màu xanh rêu. Chiếc áo khoác thu được cũng bằng vải dạ màu rêu, có khuy nhựa màu nâu, cổ lá sen vuông, ngực phải bị rách, mạng chỉ màu xanh nhạt. Thấy chiếc áo còn mới nên anh em trong đội đã dành tặng đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đến năm 1945, đồng chí trao lại cho đội viên sử dụng. Chiếc nón lính dõng sau đó tiếp tục được đội viên sử dụng cải trang để đánh đồn Nà Ngần.
ĐỨC THUẬN