QĐND - Trong số ảnh tư liệu của cha tôi (Thiếu tướng Trần Tử Bình) để lại có tấm ảnh to bằng 3 ngón tay. Phía sau còn lưu bút của ông: “Ngày 6-5-1943, mật thám Nam Định vây bắt ở huyện Bình Lục, Hà Nam. Tuệ bị bắt. Bình và Cang thoát. Gặp nhau ở Đại hội Đảng đổi tên và ra công khai. Tháng 2-1951”. Quanh tấm ảnh này là câu chuyện dài kỳ thú.
Ngày 6-5-1943, đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) chủ trì Hội nghị Bắc Kỳ, phổ biến Nghị quyết Thường vụ Trung ương về công tác củng cố cơ sở tại các địa phương quanh khu vực Hà Nam. Hai xứ ủy viên Phan Trọng Tuệ và Phạm Văn Phu (Trần Tử Bình) được báo về họp tại gia đình ông Nguyễn Hữu Quyền ở xã Hưng Công, huyện Bình Lục, theo mật hiệu và quy định thống nhất.
Cuộc họp được tiến hành nhanh gọn, kết thúc ngay buổi chiều. Để bảo đảm an toàn, cơ sở bố trí cho ba người về nghỉ ở một trang trại giữa cánh đồng-nhà ông Trần Ngọc Châu ở thôn Thưa, xã Sơn Lâm. Ba anh em tâm sự đến khuya mới đi ngủ…
Do Hồ Sĩ Trừ (ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ) phản bội, nửa đêm, mật thám Nam Định về vây bắt liền một lúc tại ba địa điểm: Nhà ông Nguyễn Hữu Quyền (Hưng Công), ông Trần Văn Lộc (Cổ Viễn) và nhà ông Trần Ngọc Châu (Sơn Lâm). Đêm đó, ông Hạ Bá Cang và ông Phạm Văn Phu chạy thoát. Số cán bộ về dự hội nghị tại nhà ông Quyền được nhân dân xã Cổ Viễn che chở đều thoát khỏi vòng vây. Riêng ông Phan Trọng Tuệ bị bắt.
Ba con người ấy, họ là ai?
Đồng chí Hạ Bá Cang sinh năm 1905 tại Đáp Cầu, Võ Giàng, Bắc Ninh, trong một gia đình thợ thuyền. Khi đang học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí đã tham gia hoạt động. Bị đuổi học, đồng chí về hoạt động ở mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) rồi về Hải Phòng. Năm 1928, tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và được cử vào Nam Kỳ.
Đầu năm 1930, trên đường ra Bắc dự hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thì bị bắt. Kẻ địch tra tấn đồng chí đến què chân, kết án chung thân và đày biệt xứ Côn Đảo. Trong hội nghị hợp nhất, tuy vắng mặt nhưng vì uy tín cao nên đồng chí vẫn được bầu vào Trung ương. Năm 1936, mãn hạn tù, đồng chí về hoạt động ở Hà Nội. Tuy chân đi khập khiễng nhưng đồng chí thoắt ẩn thoắt hiện, kẻ địch không tài nào bắt được nên mật thám Pháp gọi đồng chí là Cang “thọt”.
 |
Từ trái sang, các đồng chí: Phan Trọng Tuệ, Hoàng Quốc Việt và Trần Tử Bình, tháng 2-1951 (Ảnh tư liệu) |
Đồng chí Phạm Văn Phu, sinh năm 1907, trong một gia đình nông dân nghèo theo đạo Thiên Chúa ở Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam. Từng học ở Chủng viện Hoàng Nguyên (giáo xứ Thường Tín, Hà Đông) rồi bị đuổi học vì tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh. Nghe theo lời Tống Văn Trân, đồng chí ký hợp đồng vào làm phu cao su ở Phú Riềng. Tại đây, trở thành thành viên Hội Thanh niên rồi đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng. Vào dịp 3-2-1930, là Bí thư chi bộ, ông cùng 6 đảng viên lãnh đạo 5.000 phu cao su làm chủ đồn điền Phú Riềng trong vòng một tuần. Sau đó, ông bị bắt và bị đày ra Côn Đảo đến 1936 mới được trả về đất liền.
Trẻ nhất là đồng chí Phan Trọng Tuệ, quê ở Sơn Tây, sinh năm 1917 tại Viêng Chăn (Lào). Đồng chí sớm giác ngộ, về nước hoạt động trong phong trào Dân chủ, được kết nạp Đảng năm 1934. Những năm 1940-1943, là Xứ ủy viên Bắc Kỳ phụ trách Liên tỉnh A (Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình).
Cuộc hội ngộ cảm động bên lề đại hội
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức từ ngày 11 đến 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Trong thời gian đại hội, có nhiều cuộc gặp mặt cảm động của những người bạn cùng hoạt động trong thời kỳ bí mật. Ba đồng chí: Phan Trọng Tuệ, Hoàng Quốc Việt và Trần Tử Bình kéo nhau ra trước tượng đài Tổ quốc ghi công trò chuyện. Lúc đó, ông Tuệ hỏi ông Bình: “Lần đó bị vây, các anh chạy nhanh quá. Sao anh Bình không báo tôi?”.
Đồng chí Bình nghe vậy phá lên cười: “Thật ra, đang ngủ, nghe tiếng chó sủa từ đầu làng thì tôi thức giấc. Chó sủa ngày một rát. Thấy không ổn, vội đánh thức “thượng cấp”, đồng thời giật võng báo Tuệ: “Trốn, có mật thám!”. Sau đó, tôi vạch liếp, dẫn “cụ” vòng ra sau vườn, chui qua rặng râm bụt, chạy ra cánh đồng. Chần chừ là bị tóm cả lũ”. Cả đêm ấy, hai đồng chí trốn ngoài ruộng lúa, đến sớm hôm sau mới rời Sơn Lâm đi tiếp.
Ít lâu sau, trong nhân dân truyền miệng: Đêm đó, bị mật thám vây tứ phía mà ông Cang “thọt” vẫn bình tĩnh nhảy lên, túm lấy ngọn tre, vọt ra ngoài, biến mất!
Lúc bấy giờ, đồng chí Tuệ mới tiếp: “Thấy bị rơi xuống đất, tưởng mình nằm mơ, tôi lại trèo lên võng ngủ tiếp. Ai ngờ…”. Khi đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt vui vẻ xen vào: “Tại ngày ấy chú Tuệ còn trẻ quá, mới có 26, đang tuổi ăn tuổi ngủ”. Cả ba cùng cười vang một góc rừng…
Ông Tuệ bị bắt, bị giải về Phủ Lý nhưng không khai thác được gì. Bọn lính dẫn giải cứ khen: Tên này đẹp như Tây lai! Thực dân Pháp đưa ông ra tòa, kết án 27 năm tù giam, đưa đi đày Sơn La, rồi tống ra Côn Đảo.
… Sau lần đưa “thượng cấp” thoát hiểm, đến tháng 12 năm đó, đồng chí Phu cũng bị bắt ở Thái Bình. Khi bị tạm giam ở Bệnh viện Phủ Lý, Hà Nam, y tá trực Vũ Lăng được tổ chức mật báo đã cố tình bỏ đi chơi quần vợt để đồng chí Phu bẻ song cửa, tìm cách vượt ngục nhưng bị lộ. Bị kết án 20 năm khổ sai và đầu năm 1944, chúng đưa đồng chí về giam tại Hỏa Lò.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Đêm 11-3, lợi dụng sơ hở trong việc quản lý nhà tù, đồng chí cùng anh em tổ chức vượt ngục thành công cho Bí thư Xứ ủy Trần Đăng Ninh (án tử hình). Trong các đêm tiếp theo từ 12 đến 20-3, đồng chí tổ chức cho gần 100 tù chính trị vượt ngục theo đường cống ngầm trở về với phong trào. Ra tù, đồng chí được phân công về xây dựng Chiến khu Hòa-Ninh-Thanh, sau đó bàn giao lại cho đồng chí Văn Tiến Dũng. Tháng 8 năm đó, khi các đồng chí Trung ương và Xứ ủy được triệu tập lên Tân Trào dự hội nghị toàn quốc thì đồng chí Phạm Văn Phu cùng Thường vụ Xứ ủy Nguyễn Khang được phân công ở lại trực Xứ ủy, tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và 10 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.
Vỹ thanh
Sau 19-8-1945, đồng chí Việt vào Nam Bộ. Ngày trở ra báo tin đã gặp Phan Trọng Tuệ. Từ Côn Đảo, tháng 9-1945, đồng chí Tuệ được tổ chức đón về và tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp ở miền Tây Nam Bộ. Tháng 2-1951, tại Đại hội Đảng II, đồng chí Phan Trọng Tuệ được cử ra dự với tư cách đại biểu Nam Bộ. Còn đồng chí Trần Tử Bình là đại biểu quân đội.
Thế là, kể từ ngày ba anh em bị mật thám Pháp vây ráp ở Hà Nam đã chục năm. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, ba anh em chụp lại bức ảnh kỷ niệm trước tượng đài Tổ quốc ghi công. Tình đồng chí, tình bạn thân thiết từ những ngày hoạt động bí mật gắn kết ba đồng chí đến những năm cuối đời. Đồng chí Bình mất năm 1967, đồng chí Tuệ mất năm 1991 và đồng chí Việt mất năm 1992.
TRẦN KIẾN QUỐC