Dẫu biết là quy luật sinh-lão-bệnh-tử nhưng bạn bè, đồng đội của ông vẫn không khỏi tiếc nhớ về một trong những “cánh chim đầu đàn” của Không quân nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi tìm đến tư gia Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ở phố Tô Vĩnh Diện, Hà Nội để nghe ông kể lại những kỷ niệm gắn bó một thời với người bạn chiến đấu Phạm Ngọc Lan.
|
|
Biên đội đánh thắng trận đầu (ngày 3-4-1965). Trong ảnh: Biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan ngoài cùng, bên trái. Ảnh chụp lại. |
Năm 1956, Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh được Nhà nước cử sang Trường Không quân số 3 ở Vân Nam, Trung Quốc học lái máy bay quân sự. Ấn tượng về người bạn có nước da ngăm đen, giọng miền Trung trọ trẹ nhưng bộc trực thẳng thắn, khiến Trần Hanh nhớ mãi. Vốn bản tính nhanh nhẹn, lại thông minh nên Phạm Ngọc Lan tiếp thu bài rất nhanh, đặc biệt Lan rất giỏi tiếng Trung. “Một lần, hai anh em ra đến khu chợ mua bánh ca la thầu. Nghe Lan nói chuyện như người bản xứ, chủ quán hỏi: “Các anh là người Quảng Tây à?”. Lan là người khiêm tốn, ít khi nói về bản thân. Khi đã quen thân, Lan mới chia sẻ: “Lúc đầu, nguyện vọng của tôi là học lái xe tăng, nhưng bạn bè đi hết chỉ còn tôi và vài đồng chí vẫn ở lại. Cứ tưởng mình đã trượt nhưng một hôm cấp trên gửi danh sách những người đi học lái máy bay, trong đó có tôi” - Trung tướng Trần Hanh kể.
Sau 8 năm huấn luyện gian khổ, ngày 6-8-1964, hai ông cùng đồng đội về nước để chuẩn bị cuộc chiến đấu đầu tiên, biên chế vào Trung đoàn Không quân 921. Nhớ lại trận không chiến đã đi vào lịch sử, Trung tướng Trần Hanh cho biết: “7 giờ ngày 3-4-1965, phát hiện một tốp máy bay địch vào trinh sát mục tiêu đánh phá cầu Hàm Rồng, từ sở chỉ huy, Trung đoàn 921 lệnh cho hai biên đội vào cấp 1. Biên đội trực tiếp chiến đấu do Phạm Ngọc Lan chỉ huy ở vị trí số 1 cùng đồng chí Túc số 2; Quỳ số 3; Phương số 4. Tôi chỉ huy biên đội làm nhiệm vụ nghi binh kiềm chế máy bay địch cùng số 2 Phạm Giấy. Dù đã huấn luyện, tập bay với nhau nhiều lần nhưng cảm giác cứ hồi hộp, lo lắng. Anh Lan nhìn về phía tôi cùng quyết tâm”.
|
|
Trung tướng Trần Hanh. Ảnh: THÙY NGÂN |
9 giờ 30 phút, máy bay của địch bay vào đánh cầu Hàm Rồng. Biên đội Trần Hanh được lệnh cất cánh bay về hướng tây nam Thanh Hóa để nghi binh và yểm hộ. Ít phút sau, biên đội tiến công của Lan cất cánh. Tình thế lúc ấy vô cùng căng thẳng. Phan Văn Túc bay số 2 nhằm mục tiêu bắn nhưng không trúng. Anh Lan lệnh cho số 2 bình tĩnh, giữ đúng vị trí yểm hộ rồi cho máy bay vào tới cự ly và bắn trúng đối phương. Chiếc F-8E bị hạ thuộc biên chế phi đoàn VF-211 Hải quân Hoa Kỳ, do thiếu tá Spence Thomas điều khiển. Đó là chiếc máy bay phản lực Mỹ đầu tiên bị Không quân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.
Kết thúc trận đánh, các phi công đã trở về nhưng không thấy Phạm Ngọc Lan đâu. Hóa ra, trên đường về căn cứ, phát hiện một chiếc F-8E của địch, phi công Phạm Ngọc Lan truy đuổi ra đến biển. Đến lúc quay về thì máy bay hết nhiên liệu, trục la bàn bị gãy. Cấp trên hai lần lệnh thoát ly ra khỏi máy bay nhưng Phạm Ngọc Lan quyết định cố hạ cánh bằng thân máy bay. Sau này Lan mới kể lại: “Lúc ấy nghĩ xót quá cậu ạ. Chiếc máy bay này vừa mới lập chiến công, bỏ đi không đành. Mà bỏ đi là bỏ cả đống tài sản quốc gia”.
Sau trận đầu đánh thắng, phi công Phạm Ngọc Lan tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu và lập chiến công. Đến cuối tháng 3-1975, ta có kế hoạch sử dụng không quân tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Thiếu tá Phạm Ngọc Lan, lúc này là Trưởng phòng Tác huấn Không quân, Bộ Tham mưu, Quân chủng PK-KQ được lệnh bí mật cùng các lực lượng nghiên cứu lựa chọn khí tài quân sự vừa thu được và lập phương án huấn luyện cho phi công sử dụng máy bay, chuẩn bị bước vào một trận đánh lớn. Chiều 28-4-1975, Phi đội Quyết Thắng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, trở về an toàn. Chiến công này có đóng góp không nhỏ của anh hùng Phạm Ngọc Lan...
Đằng sau câu chuyện về chiến công của đồng đội, Trung tướng Trần Hanh còn nói đến “chiến công” của người phụ nữ luôn âm thầm phía sau anh hùng Phạm Ngọc Lan. Đó là người vợ thủy chung son sắt, bà Nguyễn Thị Kim Chung. Trung tướng Trần Hanh kể: Hồi đó, đã 32 tuổi mà Lan vẫn chưa lấy vợ, chúng tôi gọi đùa là “Lan ế”. Thế rồi trời xe duyên, Lan gặp được cô Nguyễn Thị Kim Chung, sinh viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là người thân của một đồng chí cùng đơn vị. Năm 1967, đám cưới hai người được tổ chức, ai cũng mừng. Làm vợ lính bay thời chiến, với tình yêu và niềm tin mãnh liệt, cô giáo Nguyễn Thị Kim Chung luôn hết lòng vì chồng con. Lúc anh Lan lâm bệnh, chị luôn túc trực bên giường bệnh không rời.
THỦY LÂM