Tình nguyện nhập ngũ khi mới 17 tuổi (năm 1982), sau thời gian huấn luyện, chiến sĩ Nguyễn Công Trung được biên chế về Tiểu đoàn 59, Sư đoàn 302, Mặt trận 479.
Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ thời quân ngũ, ông kể: “Chiến trường K (chiến trường Campuchia) rất ác liệt! Bộ đội ta hy sinh, bị thương nhiều, nhưng vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, anh em chúng tôi luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tham gia nhiều trận đánh nhưng tôi nhớ nhất trận cả Tiểu đoàn bị lọt vào ổ phục kích của địch. Ở trận đó, tôi đã không làm theo mệnh lệnh người chỉ huy nhưng lại góp phần tạo cơ hội, thế trận để đơn vị giữ gìn quân số tốt nhất”.
Hôm ấy, đơn vị nhận được thông tin có một lực lượng tàn quân Pol Pot, số lượng vài trăm tên địch từ biên giới Thái Lan kéo về đóng tại một phum thuộc huyện Srei Snam, tỉnh Siem Reap... Qua thông tin trinh sát của Tiểu đoàn, chỉ huy đơn vị nhận định, có thể đây là một lực lượng cấp tiểu đoàn của địch, bị mất sức chiến đấu, từ biên giới Thái Lan kéo về co cụm trong phum. Từ đó, Tiểu đoàn 59 xin lệnh trực tiếp từ Sư đoàn 302, cho đơn vị tổ chức bí mật vây ráp, tấn công địch vào giờ G (5 giờ) ngày 11-10-1984.
Cấp trên chấp thuận ý định chiến đấu của Tiểu đoàn 59, đồng thời Tiểu đoàn được phối thuộc thêm 3 đại đội quân địa phương của nước bạn. Cùng với vũ khí bộ binh, Tiểu đoàn lúc này còn có thêm các khẩu đội cối ĐKZ-82mm, súng máy 12,8mm... Sau một đêm hành quân, Tiểu đoàn 59 đến vị trí tập kết, triển khai đội hình chiến đấu. Cả đơn vị chờ giờ G để nổ súng, nhưng tình huống bất ngờ đã xảy ra. Khi quân ta vừa nổ súng loạt đạn đầu thì bị địch từ sau đội hình tập trung hỏa lực bắn vào các điểm ta đang ém quân.
|
|
Cựu chiến binh Nguyễn Công Trung (thứ hai, từ trái sang) gặp lại thủ trưởng, đồng đội năm xưa ở chiến trường K.
|
Tiểu đoàn 59 và lực lượng phối thuộc lúc này đã rơi vào ổ phục kích của địch, thông tin liên lạc bị mất. Đội hình của ta bị xáo trộn, chia cắt do hỏa lực của địch rất mạnh. Thêm vào đó, từng tốp lực lượng của bạn bỏ chạy nên công tác hiệp đồng tác chiến bị phá vỡ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn bị trúng đạn. Lúc này, khẩu đội đại liên 12,8mm của Tiểu đoàn trên bờ đê chưa nổ súng được do địch chủ động bắn chế áp những vị trí bố trí hỏa lực của Tiểu đoàn. Sau 10 phút giao tranh, đội hình lực lượng phối thuộc của bạn cho Tiểu đoàn gần như bỏ hết vị trí.
Thời điểm này, Trung sĩ Nguyễn Công Trung đang ở khẩu đội đại liên 12,8mm. Chỉ huy Tiểu đoàn lệnh cho khẩu đội tháo súng rút quân, không để vũ khí rơi vào tay địch. Giữa lúc sinh tử và trong vòng vây của địch, Trung sĩ Trung không làm theo lệnh người chỉ huy mà bắn vài loạt đạn tiểu liên AK để trấn an tinh thần anh em và ra lệnh cho khẩu đội đại liên 12,8mm nhanh chóng nổ súng về phía địch. Sau đó, Nguyễn Công Trung kịp thời tiếp cận vị trí xạ thủ của đại liên 12,8mm, xoay hướng súng vào những vị trí hỏa lực của địch mà liên tục điểm hỏa. Cảm phục tinh thần dũng cảm của Nguyễn Công Trung, đồng đội nhanh chóng tiếp đạn, lắp đạn liên tục để Trung sĩ Trung nổ súng khống chế hỏa lực địch.
Sau khi khẩu đội đại liên 12,8mm chiếm ưu thế, Trung sĩ Trung giao lại cho các số trong khẩu đội tiếp tục nổ súng. Bản thân Nguyễn Công Trung chấp nhận hy sinh, dũng cảm đứng thẳng trên bờ đê chỉ huy, điều hướng cho khẩu đội bắn chế áp đội hình địch. Chính những loạt đạn uy lực, dũng mãnh từ khẩu đội đại liên 12,8mm đã tạo thời cơ cho bộ đội đơn vị bạn vừa bắn trả, vừa rút lực lượng dần về phía rừng tre ở phía sau.
Nhận thấy lực lượng của Tiểu đoàn đã rút về vị trí an toàn và hỏa lực địch đã chùn xuống, Nguyễn Công Trung ra lệnh toàn khẩu đội tháo súng, nhanh chóng cơ động về vị trí của Tiểu đoàn. Sau trận đánh, với hành động dũng cảm, Trung sĩ Nguyễn Công Trung được cấp trên tuyên dương và thăng quân hàm Thượng sĩ, được cử đi đào tạo sĩ quan.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG