Đại tá Thân Hoạt sinh năm 1927, ở Tịnh Bình (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Cách đây mấy năm, người ta vẫn thấy sáng sáng ông đạp xe đến sân quần vợt ở phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) tập luyện. Từ khi có dịch Covid-19, ông không chơi nữa vì sức khỏe có phần giảm sút. Ông buồn, nhưng âu cũng là quy luật của tạo hóa.

- Già rồi, nhiều chuyện cũng nên quên đi cho nhẹ đầu, nhưng kỷ niệm về Đội du kích Ba Tơ thì tôi không thể quên, cậu à!-Ông chia sẻ.

Ngày 11-3-1945, nghĩa là sau khi Nhật đảo chính Pháp 2 ngày, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương trại giam Ba Tơ lãnh đạo nhân dân phá trại, vây đồn Ba Tơ. Sĩ quan Pháp bỏ chạy, quân lính đầu hàng. Chính quyền cách mạng được thành lập. Ngày 12-3, Đội du kích Ba Tơ được thành lập do đồng chí Phạm Kiệt và đồng chí Nguyễn Đôn chỉ huy, có 28 người và 24 khẩu súng. Để bảo đảm an toàn, Đội di chuyển đến vùng núi Cao Muôn, xã Ba Vinh lập căn cứ chống lại sự truy lùng của quân Nhật.

Tháng 4-1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cử đồng chí Nguyễn Chánh, Tỉnh ủy viên về trực tiếp lãnh đạo Đội. Với tầm nhìn rộng của nhà hoạt động cách mạng nhiều kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Chánh chủ trương đưa Đội du kích về vùng đồng bằng, đứng chân ở Núi Lớn (huyện Mộ Đức) và Vĩnh Tuy (huyện Sơn Tịnh).

- Đây là bước chuyển rất quan trọng mang tầm chiến lược của Đội du kích Ba Tơ-Đại tá Thân Hoạt nói-Bởi hoạt động ở rừng núi rất khó khăn, thiếu thốn về lương thực, lại không có người bổ sung cho Đội. Tôi nhớ mãi câu nói của anh Nguyễn Chánh: “Được nhân dân bảo vệ là an toàn nhất, được nhân dân nuôi dưỡng là lớn mạnh nhanh chóng nhất”. Từ 28 người, du kích Ba Tơ phát triển không ngừng, trở thành hai đại đội: Đại đội Phan Đình Phùng và Đại đội Hoàng Hoa Thám.

Trong Cách mạng Tháng Tám, du kích Ba Tơ được sự giúp đỡ của nhân dân đã có những trận đánh làm cho quân Nhật choáng váng ở Di Lăng, Xuân Phổ, Sa Huỳnh, Châu Ô, Cổ Lũy, Mỏ Cày, Tú Sơn... tạo điều kiện cho lực lượng Việt Minh nhanh chóng giành được chính quyền trên toàn tỉnh Quảng Ngãi.

- Ông có phải là một trong những đội viên đầu tiên của Đội du kích Ba Tơ?-Tôi hỏi.

- Không, tôi gia nhập Đội sau này-Đại tá Thân Hoạt lắc đầu-Năm đó, tôi mới 18 tuổi, đang học thành chung...

Đang học thì Nhật đảo chính Pháp, rồi Khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra. Chàng trai Thân Hoạt thôi học, tham gia du kích xã. Một hôm, đồng chí Nguyễn Đôn về công tác ở xã, gặp Thân Hoạt. Thấy chàng trai nhanh nhẹn, thông minh, lại học giỏi, ông đưa Thân Hoạt vào Đại đội Hoàng Hoa Thám, với nhiệm vụ làm tạp chí mang tên Xung Phong của du kích Ba Tơ.

- Tạp chí chỉ có 3 người, viết tay rồi in bằng thạch, ra hằng tháng, mỗi số chỉ 10 trang bằng bàn tay và số lượng có 10 bản thôi. Các đồng chí lãnh đạo gọi tôi là Tổng biên tập. Oách lắm!-Đại tá Thân Hoạt cười rung mái đầu bạc trắng.

Nội dung của Tạp chí Xung Phong khá phong phú. Ông vẫn nhớ, về kỷ luật dân vận có những nội dung như đi dân nhớ, ở dân thương; không được tơ hào của nhân dân, mất mát phải đền bù... Cả hai đại đội đều sống dựa hoàn toàn vào nhân dân, huấn luyện quân sự cho du kích, cùng dân bảo vệ xóm làng trước sự truy quét của Nhật.

- Thời kỳ này, Pháp bị Nhật đảo chính nên không có quyền nữa. Nhật lại đang thua trận. Chủ trương của ta là kết hợp với Chính phủ kháng chiến De Gaulle của Pháp chống Nhật. Nhưng Pháp “bắt cá hai tay”, vừa muốn liên kết với ta chống Nhật, vừa liên kết với Nhật chống ta. Để nhận diện kẻ thù, hồi đó, ở Quảng Ngãi phổ biến bài hát mà đến giờ tôi không biết do ai sáng tác, nhưng vẫn nhớ mấy câu hát như thế này...

Thế rồi, người chiến sĩ du kích Ba Tơ với mái tóc bạc trắng đứng dậy, vung tay, dõng dạc hát câu hát năm xưa của Đội du kích Ba Tơ. Rồi ông cười, nói: “Rất rõ ràng nhé! Đánh Pháp, đuổi Nhật, liên minh với Trung Quốc, đứng về phe đồng minh. Bài hát phổ biến đường lối của Đảng trên con đường dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Tám”.

leftcenterrightdel

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng Đại tá Thân Hoạt, ngày 27-8-2024. Ảnh: THANH HẢI 

Đội du kích Ba Tơ trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào kháng Nhật cứu nước tại tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, các đơn vị vũ trang cách mạng, trong đó có du kích Ba Tơ, được chuyển thành các đơn vị của Quân đội ta. Nhiều đội viên Đội du kích Ba Tơ sau này trở thành những tướng lĩnh tài ba của Quân đội ta như: Nguyễn Chánh, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng (nay là Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị); Phạm Kiệt, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng); Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai đều là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Võ Thứ, Phó tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng...

Ông Thân Hoạt sau năm 1954 thì tập kết ra Bắc, công tác tại Bộ Tổng Tham mưu. Ông là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 325) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Mặt trận Thừa Thiên-Huế, sau đó, ông làm Thư ký cho Đại tướng Hoàng Văn Thái, rồi giảng viên Học viện Quốc phòng... Trước khi nghỉ hưu, Đại tá Thân Hoạt là Phó cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu.

HỒNG SƠN