Tháng 4-1971, thanh niên Đỗ Văn Nho, quê ở xã Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) nhập ngũ vào Đại đội 31 bộ đội địa phương huyện Lộc Ninh. Ông kể: “Đại đội 31 của huyện Lộc Ninh được thành lập đầu năm 1968, tại vùng giải phóng Làng 2 (nay là ấp 2, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh). Bước chân chiến sĩ Đại đội 31 có mặt tại hầu hết các vùng đất của huyện Lộc Ninh và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngoài những trận đánh độc lập, đơn vị cũng có những trận đánh tác chiến hiệp đồng cùng các đơn vị chủ lực trên chiến trường Lộc Ninh, hay tăng cường cho nhiều trận đánh lớn tại tỉnh lỵ Bình Long. Tuy quân số không nhiều song với lợi thế thông thuộc địa hình, tác chiến linh hoạt, chiến sĩ đơn vị đã làm cho địch hoang mang bằng những trận đột kích táo bạo trong lòng thị trấn, hay các trận đánh cắt giao thông trên tuyến lộ 13. Để làm nên những chiến công vẻ vang đó, không ít cán bộ, chiến sĩ Đại đội 31 đã hy sinh”.\

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Đỗ Văn Nho (bên trái) và đồng đội. Ảnh: DUY NGUYÊN

Sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, đất nước đã thống nhất, nhưng trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc vẫn chưa bình yên do tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary đưa quân lấn chiếm, tàn phá và giết hại dã man nhân dân ta.

Đầu năm 1978, bọn diệt chủng Pol Pot huy động nhiều trung đoàn, sư đoàn, cùng lực lượng địa phương của chúng áp sát biên giới và tiến sâu vào nội địa nước ta ở một số nơi. Tại Lộc Ninh, địch cho bộ binh tràn qua biên giới lấn chiếm, đồng thời sử dụng pháo tầm xa liên tục bắn phá các buôn, làng của đồng bào. Chúng triển khai lực lượng đánh chiếm các đồn công an nhân dân vũ trang (nay là đồn biên phòng): Hoa Lư, Hoàng Diệu... rồi phát triển theo trục lộ 13 xuống đến làng 7, làng 9 (xã Lộc Tấn)...

Đặc biệt, đêm 15, rạng sáng 16-3-1978, quân Pol Pot tràn vào ấp Xa Trạch, xã Hưng Phước (nay là ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện) và thôn 6, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp thảm sát 247 đồng bào và thiêu rụi gần 300 nóc nhà dân. Một lần nữa, LLVT địa phương Lộc Ninh, nòng cốt là Đại đội 31 có nhiều kinh nghiệm bám trụ chiến đấu nên được giao nhiệm vụ tổ chức giữ chốt, bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào, đồng thời tích cực phối hợp với lực lượng chủ lực của Quân khu tiến hành phản công.

“Tháng 3-1978, tôi là Trung đội trưởng một trung đội thuộc Đại đội 31, bất ngờ bị quân Pol Pot bao vây từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm dưới chân núi 92. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị xác định phải quyết tâm chiến đấu, thà hy sinh chứ quyết không để địch bắt hoặc đầu hàng. Trung đội tôi và một bộ phận của Đại đội 31 đã bí mật luồn rừng thoát khỏi vòng vây và phối hợp với các lực lượng trên địa bàn chiến đấu, giáng cho địch đòn bất ngờ ngay tại cao điểm 92. Cũng trong năm 1978, Đại đội 31 đã đánh chiếm lại Đồn Công an nhân dân vũ trang Hoa Lư, đẩy địch ra khỏi biên giới, giành lại các khu vực bị lấn chiếm và mở rộng chiến dịch tiến công đánh sâu vào địa bàn của địch. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, năm 1979, Đại đội 31 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”, cựu chiến binh Đỗ Văn Nho kể.

NGUYỄN DUY HIẾN