Đến thăm Đại tá Mai Xuân Quyết, nguyên Trưởng khoa Chiến thuật (Trường Sĩ quan Lục quân 2), chúng tôi được nghe ông kể về những năm tháng chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Ông kể: “Giáp Tết Ất Sửu 1985, tôi là Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Trung đoàn 10 (Sư đoàn 339, Quân khu 9), nhận lệnh phòng ngự kết hợp chốt tại khu vực Đồi Tròn thuộc tỉnh Pursat (Campuchia).

Sau khi nhận lệnh, tôi chỉ huy Đại đội vượt sông Cơ Lung, triển khai đội hình phòng ngự ở Đồi Tròn. Vì phải giữ bí mật cho đợt tiến công giai đoạn 2 của chiến dịch nên mặc dù nằm trong đội hình cấp trên nhưng Đại đội 1 đảm nhiệm phòng ngự độc lập, chủ động đánh địch bảo vệ trận địa. Chúng tôi lợi dụng địa hình, nhanh chóng bố trí công sự liên hoàn, thuận tiện quan sát đánh địch từ xa. Sáng 27 tháng Chạp năm Giáp Tý, chiến sĩ cảnh giới phát hiện một tốp 3 tên lính Pol Pot bám đường mòn tiến vào khu vực phòng ngự của Đại đội liền nổ súng tiêu diệt 1 tên. Những tên còn lại rút chạy. Ngay trưa hôm đó, hỏa lực của địch nã dồn dập, liên tiếp vào trận địa của chúng tôi hàng giờ đồng hồ. Cánh rừng phía trước vốn rậm rạp, âm u giờ bị cháy trơ trụi, tơi tả. Nhiều công sự của Đại đội bị hư hỏng. Một số chiến sĩ thương vong.

Tranh thủ lúc ngưng tiếng đạn pháo của địch, chúng tôi tổ chức sửa sang công sự, cứu chữa thương binh. Sáng sớm ngày 28, khoảng 2 đại đội Pol Pot tiến công lên Đồi Tròn. Quân số của chúng đông gấp 6 lần chúng tôi. Trước tình thế nguy cấp, tôi triển khai cho bộ đội gom tất cả vũ khí của các đồng chí đã hy sinh, bị thương không thể chiến đấu được, bố trí sẵn các loại súng tại bệ, mỗi người đảm nhiệm 3 khẩu, cơ động các vị trí chiến đấu tiêu diệt địch. Đây cũng là cách để nghi binh khiến địch không phát hiện lực lượng của ta quá mỏng. Khi quân Pol Pot cơ động vào tầm bắn, tôi hạ lệnh cho đơn vị nổ súng ngăn chặn từ xa, không cho địch tiến sát trận địa phòng ngự”.

Thời điểm đó, đội hình Trung đoàn 10 bố trí bên này sông. Phải tuyệt đối giữ bí mật để địch không phát hiện ý định tiến công giai đoạn 2 của chiến dịch nên dù rất lo lắng cho Đại đội 1, song chỉ huy Trung đoàn yêu cầu Đại đội bằng mọi giá phải giữ được Đồi Tròn. Thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 liên tục cơ động, sử dụng nhiều loại súng khác nhau để đánh địch. Bị thiệt hại nhiều, lại không biết quân số phòng ngự của ta nên địch không dám ồ ạt tiến công mà sử dụng hỏa lực bắn dữ dội vào khu vực trận địa Đồi Tròn.

leftcenterrightdel

 Quân tình nguyện Việt Nam phản kích quân Pol Pot. Ảnh tư liệu

“Sau nhiều ngày chiến đấu căng thẳng, ác liệt trong điều kiện thiếu cơm ăn, nước uống, bởi lực lượng hậu cần của cấp trên không thể vượt sông tiếp tế, cả Đại đội chỉ ăn cơm sấy, cơm cháy, lương khô và uống nước sông. Tôi chạy đi chạy lại xử trí tình huống, động viên chiến sĩ kiên trì bám trụ. Quần áo vướng vào những gốc cây bị cháy, rách bươm, mặt mũi nhọ nhem, trầy xước. Buổi trưa hôm ấy, lúc ngơi tiếng súng, tôi cũng đã thấm mệt bước về hầm chỉ huy. Nhìn thấy tôi, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Văn Tiến liền òa khóc.

Tôi tưởng Tiến đang sợ nên trấn an: “Không được khóc! Lính chiến là phải kiên cường, hiểu chưa!”. Nghe vậy, cậu ta gạt nước mắt, mặt đanh lại: “Em không sợ, chỉ vì nhìn quần áo anh rách hết, chân tay, mặt mũi nhem nhuốc, vết trầy xước vẫn đang rỉ máu, em thấy thương nên mới khóc... Hay là, Đại đội trưởng mặc tạm chiếc quần của em đi”. Tự nhiên tôi thấy lòng mình ấm lại. Một cảm giác thân thương, gần gũi trào dâng.

Như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, tôi cầm vội mấy miếng lương khô, cơm cháy, chạy tới chỗ các chiến sĩ đang căng mắt quan sát địch, động viên từng người “còn sống, còn trận địa”, dốc toàn lực bảo vệ điểm tựa. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên chiến trường, cán bộ, chiến sĩ chia nhau từng miếng cơm cháy, từng ngụm nước sông, nhưng ai cũng hừng hực quyết tâm chiến đấu”, Đại tá Mai Xuân Quyết nhớ lại.

Suốt 5 ngày kiên cường bám trận địa, chúng tôi vượt đói, vượt khát, bất chấp hy sinh, mỗi ngày, Đại đội 1 đẩy lùi được 5, 6 đợt tiến công của địch. Cuối cùng, Đại đội 1 đã giữ vững khu vực Đồi Tròn, tạo thuận lợi cho cấp trên bí mật triển khai đội hình tham gia chiến dịch có ý nghĩa quan trọng, tiến tới giành thắng lợi quyết định trên chiến trường Campuchia...

CHÂU GIANG