QĐND - Nếu “Thầy Chu” (Chu Văn An) là bậc “Vạn thế sư biểu”, biểu tượng của người thầy muôn đời, thì Nguyễn Trực là “sư biểu” ở thế kỷ 15.
Đầu thế kỷ 19, nhà bác học Phan Huy Chú nhờ có 10 năm “đóng cửa tạ khách, vào núi viết sách” mà soạn được bộ bách khoa thư “Lịch triều hiến chương loại chí” để đời.
 |
Minh họa: Phùng Minh |
Nơi họ Phan Huy “vào núi viết sách” ấy là Núi Thầy (Sài Sơn, Phật Tích Sơn). Đây cũng là nơi sinh hạ Nguyễn Trực vào năm 1417-trước ngày bùng nổ phong trào Lam Sơn năm 1418 chống giặc Minh xâm lược. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú viết: “Phụ thân của Nguyễn Trực là danh sĩ Nguyễn Thì Trung, ở cuối thời nhà Hồ-đầu thời nhà Minh xâm lược, giỏi về địa lý, thấy ở làng Nghĩa Bang, huyện Yên Sơn, có ngôi đất quý nên đã làm nhà ở đấy và lấy người con gái họ Đỗ ở làng, sinh ra Nguyễn Trực ở am Phật Tích Sơn”.
“Am Phật Tích Sơn”, tức “Chùa Núi Thầy” (Sài Sơn) vừa là nơi sinh, vừa là quê mẹ của Nguyễn Trực. Còn quê cha ở làng Bối Khê, có ngôi chùa Bối Khê nổi tiếng, ở huyện Thanh Oai (trước thuộc Hà Đông, nay về Hà Nội).
Nguyễn Trực lớn lên ở thời hậu chiến, quét xong giặc Minh xâm lược, khi thủ lĩnh Lam Sơn là Lê Lợi trở thành vua Lê Thái Tổ, Thái tử Nguyên Long nối ngôi làm vua Lê Thái Tông: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”. Và quân sư Nguyễn Trãi, thì sau “Bình Ngô đại cáo”, viết tiếp hơn 300 bài thơ nữa, tập hợp thành “Ức Trai thi tập” và “Quốc âm thi tập”.
Tháng Ba năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo năm cuối cùng đời trị vì của vua Lê Thái Tông, triều đình cho mở khoa thi tiến sĩ chính quy và đầu tiên của triều đại nhà Lê. Nguyễn Trãi-lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng-được cử làm quan “Độc quyển” (chấm thi) khoa này. Và lấy đỗ được 23 “Đồng tiến sĩ xuất thân” (tiến sĩ bậc 3), đứng đầu là sử thần Ngô Sĩ Liên; 7 “Tiến sĩ xuất thân” (tiến sĩ bậc 2) và 3 “Tiến sĩ cập đệ” (tiến sĩ bậc 1) tức: “Tam khôi”, mà đứng đầu, nhận danh vị Trạng nguyên cao quý chính là Nguyễn Trực, 26 tuổi (kể cả “tuổi mụ”).
Trở thành “Trạng nguyên khai khoa” (trạng nguyên đầu tiên) của triều đại nhà Lê, Nguyễn Trực được cả thiên hạ khi ấy trầm trồ, xứng đáng với danh hiệu dân gian là “Trạng Bối Khê” (quê cha) và “Trạng Nghĩa Bang” (quê mẹ). Vì vẫn như Phan Huy Chú đã viết: “Từ bé, ông đã thông minh, rộng xem các sách. Năm 12 tuổi đã giỏi làm văn, 18 tuổi đỗ đầu thi Hương ở (trấn) Sơn Tây”!
Ngay sau khi thành Trạng, Nguyễn Trực đã được triều đình vua Lê Nhân Tông bổ nhiệm vào làm việc ở Viện Hàn lâm (cơ quan soạn thảo các văn bản triều chính) với danh vị “Trực học sĩ”. Sau đấy chuyển đi làm “quan ngoài (triều đình)” ở địa phương, trông coi phủ Nam Sách (Hải Dương) với chức “An phủ sứ” một thời gian, rồi lại trở về triều, nhận chức “Thị giảng” kiêm quản “Ngự tiền học sinh cục” của Viện Hàn lâm. Cuối cùng, thăng đến chức “Trung thư Thị lang” ở sảnh Trung thư-cơ quan hoạch định chính sách của triều đình.
Tài văn chương - “vốn sẵn tính trời” của Nguyễn Trực đã nở rộ trong cuộc đời quan chức thăng tiến hanh thông đó. Vào năm 1457, có việc sứ giả nhà Minh là Hoàng Gián sang bang giao nước Việt. Triều đình vua Lê Nhân Tông đã cử Nguyễn Trực tiếp, ứng đối cùng họ Hoàng. Nhà bác học thế kỷ 18 Lê Quý Đôn, sau đấy đã viết trong sách “Kiến văn tiểu lục” rằng, vị Trạng nguyên nước Việt đã “một lúc họa xong ngay 50 vần thơ lưu biệt, khả dĩ giữ được thể diện quốc gia”!
Có lẽ vì thế mà cảm phục tài văn chương của Nguyễn Trực, dân gian đã sáng tạo giai thoại về chuyện đi sứ của vị Trạng nguyên nước Việt sang nước Trung Hoa, gặp đúng dịp ở đấy có kỳ thi Hội, đã dự thi và đỗ đầu! Thế là thành danh hiệu “Lưỡng quốc Trạng nguyên” huyền thoại!
Tuy nhiên, tài năng và tác phẩm văn chương của Nguyễn Trực thì lại là hiện thực và đích thực: Những công trình văn chương khoa cử, như bài phú “Xuân đài” làm khi thi Hội, bài “Đình đối sách văn” dự vòng thi Đình năm 1442, đã mang lại cho Nguyễn Trực học vị Trạng nguyên, đến nay vẫn còn đọc được trong các bộ hợp tuyển văn chương khoa cử tiêu biểu qua các thời. Đặc biệt, khi vua Lê Nhân Tông băng hà vào năm 1459 được xây tòa Mục lăng ở Lam Kinh để giữ gìn và tưởng niệm, thì bài “Văn bia Mục lăng” do Nguyễn Trực và Nguyễn Bá Ký viết năm 1460, đến nay vẫn thấy còn khắc trên bia đá ở Lam Kinh. Một số thi phẩm của Nguyễn Trực cũng vẫn thấy cho đến nay, ở trong các bộ thi tuyển hồi thế kỷ 18 của Lê Quý Đôn và Bùi Huy Bích, được Phan Huy Chú ở đầu thế kỷ 19 ngợi ca là “lời và ý đều tao nhã, đáng ưa”.
Nhưng không chỉ tao nhã mà còn sâu sắc về tư tưởng, chặt chẽ về hình thức và đặc biệt luôn là thời sự, như đoạn văn sách dự thi Đình năm 1442 sau đây:
“Quân tử và tiểu nhân luôn luôn tương phản. Đạo quân tử lớn mạnh thì đạo tiểu nhân tiêu hao, đạo quân tử tiêu hao thì đạo tiểu nhân lớn mạnh. Hai đạo đó, như âm với dương, như ngày với đêm, không thể cùng vận hành; như băng tuyết với tro bụi, như hương thơm với uế khí, không thể chứa chung trong một vật. Cho nên, người ở ngôi cao, trong khi dùng người, phải trung hòa, phải chuyên nhất, phải thử thách, phải thận trọng, như vậy mới có thể được”.
Ở bài phú “Xuân đài”, nói về một biểu tượng cho sự thanh bình thịnh trị của đất nước, Nguyễn Trực viết rằng: “Đài này không nền, không móng, không dựng, không xây”, nhưng:
“Chỉ cần lễ nghĩa tạo hướng cho mưu lược
Chỉ cần đạo đức làm cơ sở để tài bồi”!
Đến lúc gần cuối đời, Nguyễn Trực lại cho người đời và hậu thế thấy mình là một nhân cách bình dị mà cao thượng như thế nào khi viết trong bài “Ngẫu hứng” (dịch):
“Say sưa quên hết riêng tùy thích
Nhàn ẩn càng hay, khỏi lụy đời”
Và thổ lộ chân thành như ở trong bài “Ngẫu thành”:
“Hà nhật Tây Sơn sơn hạ lộ
Thoa y, tiểu lạp khán xuân canh”
Mà diễn nôm ra thì đó là: “Biết bao giờ được đứng ở bên đường dưới núi Tây Sơn, để mặc áo tơi, đội nón lá, mà xem cày ruộng trong tiết xuân”!
Một vị Trạng nguyên, gánh vác nhiều trọng trách triều chính, tài năng chữ nghĩa và tâm hồn cùng đạo hạnh đều đặc biệt cao quý là như thế, tất nhiên trở thành biểu tượng, cùng thực tiễn, của người và nghề thầy.
Sau khi đỗ Trạng chỉ 3 năm, ở tuổi chưa đến 30 nhưng Nguyễn Trực đã rất sớm trở thành bậc danh sư, khi vào năm 1445, đúng lúc phải về nhà cư tang mẹ đẻ, nhưng như “Lịch triều hiến chương loại chí” viết, vì có đến hàng nghìn sĩ tử khắp nơi nhân dịp này kéo đến xin theo học, vẫn phải mở ngôi trường lớn ở quê để thu nạp và dạy dỗ các đệ tử!
Đang cư tang lúc tuổi trẻ mà đã là như thế thì đến những lúc “công dư” (ngoài giờ bận việc quan) và đã lão luyện, thầy Nguyễn Trực còn phồn vinh biết bao nhiêu! Số học trò ở thời gian sau đấy (vừa làm quan, vừa dạy học) của Trạng nguyên Nguyễn Trực thực tế là không kể xiết! Những người từ qua cửa trường dạy học của thầy Nguyễn Trực mà thành đạt cũng không đếm xuể. Và đỉnh cao của người và nghề thầy mà Trạng Trực đã đạt được vào năm 1473 chính là sắc phong của vua Lê Thánh Tông, cử vị “sư biểu” của thế kỷ 15 làm quan Tế tửu Quốc Tử Giám-đứng đầu Trường Đại học Quốc lập Hoàng gia ở kinh đô.
Vua Lê Thánh Tông còn tôn trọng vị “sư biểu” của thế kỷ đến mức, khi 100 tập của bộ sách “Thiên Nam dư hạ” do nhà vua chủ trì và các đại thần Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận chủ biên hoàn thành, thì đã cho người mang đến tận nhà riêng của thầy Nguyễn Trực nhờ thẩm định! Còn trước đấy, khi vua Lê Nhân Tông đang tại vị, thì ngự ở đâu, nhà vua đều cho đặt tranh Trạng Trực ở đấy để vừa tỏ ý thân thiết, vừa coi như luôn có vị “sư biểu” của thế kỷ ở bên, để cậy nhờ.
“Sư biểu” thế kỷ 15 Nguyễn Trực thật xứng đáng với lời đánh giá của Tao đàn Phó nguyên súy Thân Nhân Trung lúc đương thời: “Khai quốc Trạng nguyên, văn chương vẻ vang khắp nước, nổi tiếng một đời. Triều vua nào cũng được yêu chuộng, giữa việc văn hành, ở ngôi quán các, là người khiêm tốn, trước sau vẹn toàn”!
Cũng như là, đúng với lời khen tặng của vua Tự Đức nhà Nguyễn ở thế kỷ 19, trong sách “Việt sử tổng vịnh”, rằng: “Triều Lê lừng lẫy mấy ai tày”!
GS LÊ VĂN LAN