Dù nguy hiểm vẫn quyết hoàn thành nhiệm vụ
Ông Lừng sinh ra và lớn lên tại làng Ngọc Hải (nay là phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) trong gia đình làm nghề đánh cá. Tháng 2-1964, ông Lừng nhập ngũ rồi trở thành thủy thủ Đoàn tàu không số. Trong thời gian từ năm 1964 đến 1973, ông thực hiện 10 chuyến đi biển, trong đó có 7 chuyến cập bến an toàn, 3 chuyến gặp địch, phải quay lại. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe ông kể về những chuyến đi đó, ông bỗng đứng dậy, vào trong phòng lục tìm thứ gì đó. Khi trở ra, trên tay cầm theo tờ giấy, ông nói: “Đây là bảo bối của tôi. Trong đây ghi lại những chuyến tôi đi, từ ngày xuất phát, ngày về, số tàu, trọng tải và cả số thủy thủ. Tuổi cao rồi, phải cần đến "bảo bối” này mới nhớ được".
Rồi ông kể: "Trong các chuyến vượt biển trên tàu không số, ấn tượng với tôi nhất là chuyến đi vào tháng 10-1965 cùng con Tàu 42, chở 60 tấn vũ khí và 4 quả thủy lôi, mỗi quả nặng hơn một tấn vào miền Nam. Tàu được ngụy trang thành tàu đánh cá do đồng chí Nguyễn Văn Cứng (thường gọi là Bảy Cứng) làm Thuyền trưởng, đi về phía đảo Hải Nam rồi xuôi xuống quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Khi tới gần quần đảo Trường Sa, chúng tôi phát hiện có máy bay Mỹ theo dõi. Lúc này, anh em trên tàu có chút lo lắng. Thuyền trưởng Bảy Cứng kịp thời trấn an và lệnh cho anh em hoạt động bình thường như tàu đánh cá nước ngoài, rồi cho tàu di chuyển ra vùng biển Philippines. Đợi máy bay địch không theo dõi nữa, Tàu 42 mới chuyển hướng vào Cà Mau”...
|
|
Cựu chiến binh Lưu Đình Lừng (ngoài cùng, bên phải) và đồng đội tại Lễ khởi công công trình Bia di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Hải Phòng, năm 2005. Ảnh chụp lại |
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển đóng giả ngư dân, khi thả lưới đánh cá, khi câu mực, luồn lách tránh sự truy xét của địch, thì tàu cũng tới khu vực Hòn Khoai. Lúc này đã là đêm tối, tàu đang di chuyển bỗng phát hiện thấy ánh đèn phía trước. Tiến lại gần thì mới biết đấy là tàu khu trục của Mỹ. Lúc này, Thuyền trưởng Bảy Cứng lệnh cho thủy thủ trên tàu vào vị trí chiến đấu và chỉ đạo tắt đèn hành trình rồi chạy vòng qua tàu địch, bất ngờ tăng tốc cắt đuôi tàu địch thành công, sau chuyển hướng vào bến Rạch Kiến Vàng (Cà Mau). Vào đến bến, Tàu 42 được các cán bộ địa phương ra đón và dẫn đường vào để bốc hàng. Thấy thủy thủ lên bờ an toàn, các cán bộ địa phương mừng rỡ nói: “Chúng tôi cứ lo các anh không thể cập bến vì nhiều tháng nay tàu địch kiểm tra ráo riết xung quanh đây. Gặp được các anh thật là mừng quá...”. Thuyền trưởng Bảy Cứng đáp: “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải vận chuyển vũ khí giao tận tay các đồng chí. Có nguy hiểm cỡ nào chúng tôi cũng phải hoàn thành nhiệm vụ!”.
Trong một tuần bí mật bốc dỡ, vũ khí được chuyển tới địa điểm an toàn. Chuyến vận chuyển mở đường theo phương thức mới của Tàu 42 thành công đã giúp nối thông con đường vận chuyển chiến lược trên biển sau 8 tháng tạm ngừng hoạt động. Không lâu sau, nhờ có quả thủy lôi nặng hơn một tấn do Tàu 42 chở vào, các chiến sĩ đặc công ta đã đánh chìm một tàu trọng tải hàng nghìn tấn chở vũ khí của Mỹ-ngụy. Thành tích đó đã góp phần giúp Tàu 42 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 25-8-1970.
Nên duyên với cô dân quân đất Cảng
Trong những năm tháng ông Lừng làm nhiệm vụ trên biển, có một người phụ nữ ngày đêm tảo tần chăm sóc gia đình để ông yên tâm công tác, đó là vợ ông-bà Đinh Thị Thạ. Hai người quen biết nhau từ nhỏ vì cùng sinh ra và lớn lên tại làng Ngọc Hải. Năm 1963, không quân Mỹ đánh phá miền Bắc nước ta, dân làng Ngọc Hải phải đi sơ tán. Bộ đội ta lựa chọn 22 người ở lại làm nhiệm vụ giữ làng, trong đó có bà Thạ. Gia đình ông Lừng khi đó cũng ở lại làng tiếp tục đi biển đánh cá để cung cấp thực phẩm phục vụ bộ đội và dân quân. Cô dân quân Đinh Thị Thạ khi đó 16 tuổi, nhà ở cách nhà ông Lừng chừng 100m nên hai người nhiều lần gặp nhau và trở nên thân thiết. Năm 1964, ông Lừng nhập ngũ, hai người từ đó xa nhau. Cho đến năm 1966, trong lần được đơn vị cho về thăm gia đình, họ tình cờ gặp lại. Đó cũng là lúc tình yêu giữa hai người nảy nở.
Ngồi bên chồng, bà Thạ kể lại: “Hồi mới yêu nhau, tôi không biết anh ấy là thủy thủ tàu không số mà chỉ nghĩ là bộ đội hải quân. Anh rất hiếm khi được về thăm gia đình nên chúng tôi không có nhiều cơ hội gặp nhau. Để giữ liên lạc, chúng tôi viết thư. Tháng 10-1968, anh Lừng gửi thư về cho tôi. Trong thư có câu: “Anh sẽ về cưới em, em đồng ý làm vợ anh nhé?”. Đọc thư, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sắp được gặp người yêu và được anh ngỏ lời muốn cưới. Lo là vì nghĩ công việc của anh nhiều hiểm nguy, bất trắc. Trong khi đó, bố mẹ tôi đã già yếu, tôi lại là con cả trong gia đình, phải lo lắng cho hai em còn nhỏ. Nghĩ về chuyện này khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Sau đó, tôi hỏi ý kiến và được bố động viên, tôi quyết định viết thư nhận lời, chờ ngày anh về sẽ tổ chức đám cưới”. Tháng 12-1968, Lưu Đình Lừng kết hôn với cô dân quân Đinh Thị Thạ. Sau tuần trăng mật ngắn ngủi, họ lại phải cách xa. Hơn 9 tháng sau, con gái đầu lòng của hai ông bà ra đời, đặt tên là Lưu Thị Thanh. Đến tháng 12-1971, ông bà sinh người con thứ hai là Lưu Thái Hùng.
Để bảo vệ con đường chiến lược, giữ bí mật là yếu tố sống còn nên ngay cả bố mẹ và vợ con ông Lừng đều không biết đơn vị của ông. Mỗi lần về thăm nhà, ông phải mặc thường phục, đi xe từ đơn vị đến Nhà hát Lớn Hải Phòng rồi đi bộ xuống khu vực hồ Quần Ngựa bắt xe khách về nhà. Những lần như vậy, thời gian ở bên gia đình cũng không được lâu. Có lần về thăm chỉ vài giờ đồng hồ ông đã phải trở lại đơn vị. “Tôi nhớ vào mùa hè năm 1973, tôi được đơn vị cho về thăm gia đình. Về đến nhà là khoảng 10 giờ sáng. Hai con tôi đang chơi ở hiên nhà, thấy bố về liền ríu rít. Ăn được bữa cơm trưa với vợ con thì đến 2 giờ chiều tôi phải trở về đơn vị. Phút chia tay, nhìn vợ con đứng khóc mà tôi không kìm được nước mắt. Nhưng vì nhiệm vụ, tôi dặn lòng phải mạnh mẽ lên đường, khi đất nước bình yên sẽ trở về đoàn tụ với gia đình”, ông Lừng chia sẻ.
Tết năm 1976 là cái Tết đầu tiên từ khi lập gia đình ông Lừng mới được về nhà đón năm mới. Đến nay đã 53 năm nên duyên vợ chồng, ông Lừng và bà Thạ vẫn luôn nhắc về nhau với niềm tự hào. Hai người con của ông bà đã trưởng thành và có gia đình riêng. Mỗi lần đại gia đình sum họp, vợ chồng ông lại kể về những kỷ niệm thời chiến tranh với mong muốn con cháu cố gắng lao động, học tập giỏi, rèn luyện sức khỏe, trở thành người có ích cho xã hội, cống hiến cho đất nước.
LA DUY