Đúng như lời nhà văn Minh Chuyên trong “Tự bạch” về nghề: “Dẫu viết tiểu thuyết, bút ký hay truyện ngắn mà có ích cho con người thì khó cũng nên viết. Nó đòi hỏi nhà văn không chỉ tài hoa mà phải có cả tấm lòng và cái tâm nhiệt huyết. Các yếu tố ấy kết lại mới hy vọng chắt ra được những trang văn giàu chất nhân văn. Với tôi, viết được một tác phẩm “dù to, dù nhỏ” mà hữu ích cho đời thì đấy là một niềm vui. Một số tập truyện và ký viết về thời hậu chiến tranh của tôi ít nhiều đã tác động trực tiếp tới xã hội, giúp các cơ quan chức năng ban hành được một số chính sách và xây dựng một số quỹ từ thiện. Làm được những điều hữu ích từ văn chương, tôi nghĩ mình đã làm được những việc nghĩa với đồng đội. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút”.

Chia sẻ của Minh Chuyên cũng chính là hướng đi, đích đến của ngòi bút ông.

Mấy năm gần đây, nhà văn Minh Chuyên đã cho xây dựng và tạo điểm nhấn tham quan về chiến tranh với Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh tại  Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là bảo tàng tư nhân của nhà văn, được UBND tỉnh Thái Bình cấp kinh phí xây dựng. Bảo tàng có giá trị không nhỏ đối với công chúng muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, phục vụ tích cực việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau. Ông dành nhiều thời gian và tâm huyết cho bảo tàng cũng chính là sự tri ân với đồng đội, nhất là những thân phận chịu nhiều thua thiệt sau chiến tranh. Không chỉ tỉnh Thái Bình tự hào về một nhà văn đã có những đóng góp đích đáng cho văn học chiến tranh cách mạng mà giới văn bút thế hệ Minh Chuyên, thế hệ sau ông đều rất tự hào...

leftcenterrightdel

 Nhà văn Minh Chuyên (bên phải) và đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp

Minh Chuyên với tác phẩm “Người lang thang không cô đơn” chính là một cuộc kiếm tìm, khơi dậy và thể hiện trách nhiệm với những người chịu thiệt thòi trong chiến tranh. “Người lang thang không cô đơn” là câu chuyện có thật về thương binh Nguyễn Đình Thúc ở số nhà 376, tổ 2, xã Vũ Chính, TP Thái Bình. Mặc dù ông Thúc đã có giấy báo tử về gia đình nhưng sự thật là ông vẫn còn sống. Bà Phạm Thị Học, sinh năm 1949, ở thôn Đông Hải, xã Vũ Chính, là người yêu của ông Thúc và cũng là nhân vật được nhắc tới trong tác phẩm. Ngòi bút của Minh Chuyên trong “Người lang thang không cô đơn” vừa trung thực vừa hết sức linh hoạt. Câu chuyện người thật, việc thật mà vô cùng lấp lánh và thậm chí là nhói buốt. Ở đây, văn học đã đạt đến một đỉnh cao, đó là nói về con người, đánh thức con người để phục vụ tốt hơn con người trong mọi hoàn cảnh. Ngòi bút của Minh Chuyên chính là trái tim tha thiết của ông, của giới văn bút, của người Việt Nam với đồng bào ruột thịt của mình. Trách nhiệm công dân và trách nhiệm nhà văn trong “Người lang thang không cô đơn” đã hòa vào làm một, khiến chúng ta phải xem lại chính mình, kể cả sự máy móc của nó cũng như bản chất của sự việc trước những khó khăn trùng trùng của một thời đã vây bọc chúng ta bởi những điều tắc trách.

Không chỉ trong “Người lang thang không cô đơn” mà toàn bộ cuộc sống và trang viết của nhà văn Minh Chuyên tới hôm nay đều hướng đến sự thiện lành của mỗi con người. Minh Chuyên sinh năm 1948, tại Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư. Ông nhập ngũ năm 1967 vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 526, Trung đoàn 7, Sư đoàn 350. Tiếp đó, ông vào chiến trường Đông Nam Bộ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Sau đó, ông ra miền Bắc, tham gia trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1976, Minh Chuyên chuyển ngành về làm phóng viên Báo Thái Bình. Từ năm 1985 đến 1996, ông là Ủy viên Thường vụ Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh Thái Bình. Từ năm 1997, Minh Chuyên công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 2017, nhà văn Minh Chuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

leftcenterrightdel
 Những tập sách “Nỗi đau sau chiến tranh” do nhà văn Minh Chuyên chủ biên và giới thiệu. Ảnh: MINH THU

Về mảng phim tài liệu, với vai trò biên kịch, đạo diễn, nhiều lúc ông còn trực tiếp dẫn dắt hình ảnh trong phim rất sinh động, sáng tạo, chứng tỏ tâm huyết và tài hoa của ông. Cá nhân tôi đã thực hiện nhiều phim tài liệu, nhất là phim về các văn nghệ sĩ trong Quân đội được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật nên rất hiểu những khó khăn trong thực hiện các bộ phim tài liệu. Nhắc đến Minh Chuyên là nhắc đến một biên kịch, một đạo diễn tên tuổi của Đài Truyền hình Việt Nam thập niên 2000 và cho thấy sự cống hiến, sáng tạo của nhà văn với thể tài này. Chắc chắn, từ những năm trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường đã cho ông kinh nghiệm, kiến thức và cả dũng khí để thực hiện những tác phẩm theo chúng tôi là xuất sắc.

Anh em văn nghệ sĩ tỉnh Thái Bình và cả nước luôn rất quý trọng Minh Chuyên. Ở ông có điều gì rất lạ. Đó là sự dấn thân và luôn trăn trở trước những điều không đáng có vẫn còn diễn ra trong cuộc sống. Nếu ai đó bị thua thiệt, thậm chí bị oan khuất, Minh Chuyên luôn sẵn sàng xông vào vùng đất khó ấy để lên tiếng, giúp đỡ, để sự thiện lành phải được đến với mỗi con người.

leftcenterrightdel
Nhà văn Minh Chuyên (bên phải) và nhà văn Phùng Văn Khai. Ảnh: MINH THU  

Nhà văn Minh Chuyên đã có nhiều đóng góp giá trị cho nền văn học và điện ảnh Việt Nam, nhất là những tác phẩm viết về hậu quả, nỗi đau của chiến tranh; đạt được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2018, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-VIETKINGS trao bằng xác lập kỷ lục “Người sáng tác các tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh truyền hình về thời hậu chiến tranh tại Việt Nam nhiều nhất”. Năm 2022, ông được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng kỷ lục “Người sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình nhiều nhất châu Á về đề tài hậu chiến tranh”... Với những đóng góp to lớn đó, mới đây, ngày 9-10-2024, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Minh Chuyên.

Nhà văn Minh Chuyên cùng câu chuyện về “Người lang thang không cô đơn” của ông chính là những bài học lớn, là thành tựu đáng ghi nhận về công sức và vai trò của văn học, nghệ thuật, vai trò của báo chí đã tác động tích cực, trực tiếp tới sự phát triển của xã hội, của đất nước. Nhà văn Minh Chuyên đã tạo ra những động lực để thế hệ văn bút lứa sau ông có thêm sức mạnh và cả dũng khí thực hiện những tác phẩm hữu ích như chính ông từng thực hiện. Với cá nhân tôi, nhà văn Minh Chuyên luôn là một tấm gương lớn để tôi nhìn vào đó, phấn đấu trên từng trang viết.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI