Tôi hẹn gặp Đại tá Đỗ Như Tráng tại nhà riêng ở số 52, ngõ 80, đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhưng ông bảo sẽ trực tiếp đến tòa soạn Báo Quân đội nhân dân thăm anh em và trò chuyện, sau đó có việc đến một cơ quan ở gần đó. Rất đúng giờ, ông đến phòng làm việc của tôi. Biết tôi là cựu học viên của Học viện nên ông chia sẻ rất cởi mở những kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ và cũng không phải giải thích nhiều về những thuật ngữ chuyên môn trong câu chuyện nghề nghiệp của mình.
Giáo sư Đỗ Như Tráng sinh ngày 20-10-1950, tại xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ở trường phổ thông học giỏi nên khi tốt nghiệp cấp 3 năm 1967, Đỗ Như Tráng được tuyển chọn đi học tập ở Liên Xô. Sau thời gian học dự bị đại học tại thành phố Baku (Azerbaijan), năm 1968, sinh viên Đỗ Như Tráng vào học chuyên ngành xây dựng công trình ngầm của Đại học Mỏ quốc gia Moscow. Năm 1974, sau khi tốt nghiệp loại giỏi, trở về nước, kỹ sư Đỗ Như Tráng được điều động vào Quân đội, làm công tác giảng dạy ở Khoa Công trình quân sự. Từ đây, giảng viên Đỗ Như Tráng cùng với các đồng nghiệp tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đi khảo sát các trận địa để thiết kế, xây dựng những công trình chiến đấu và phòng thủ.
|
|
Đại tá, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Như Tráng. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH
|
Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thiếu úy Đỗ Như Tráng được nhà trường phân công tham gia với các đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và các địa phương đi nghiên cứu khảo sát, thu thập dữ liệu, thông số kỹ thuật để phục vụ xây dựng công trình quân sự và dân sinh. Bắt đầu là nghiên cứu khảo sát các công trình ở thành phố Đà Nẵng, căn cứ hải quân của Mỹ-ngụy để lại ở bán đảo Sơn Trà.
Bước chân của nhà khoa học trẻ Đỗ Như Tráng đã đến hầu hết địa bàn biên giới phía Tây Nam Tổ quốc và các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, quần đảo Trường Sa... Những số liệu thu được qua các chuyến đi này cùng việc tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu mà quân đội Mỹ-ngụy để lại đã giúp Đỗ Như Tráng bước đầu nắm vững chuyên môn kỹ thuật, tập trung cho các đề tài, công trình thiết kế, xây dựng công sự phù hợp với điều kiện tác chiến của Quân đội ta.
Trở về Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự) giảng dạy chưa bao lâu thì tháng 3-1979, Đỗ Như Tráng lại có mặt trong đoàn công tác của nhà trường lên khảo sát ở các địa phương biên giới phía Bắc, nghiên cứu giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp trong xây dựng công trình chiến đấu, phòng thủ. Vừa nghiên cứu vừa ứng dụng thực tế, Đỗ Như Tráng và các giảng viên, nhà khoa học Quân đội đã thiết kế, góp phần xây dựng nhiều công trình chất lượng cao phục vụ bộ đội, bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân dân vùng biên.
Thiếu tướng Hoàng Phương (sau này là Trung tướng, nguyên Phó chính ủy Quân khu 1, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) khi đó là Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Trường Đại học Kỹ thuật quân sự chỉ đạo tổ chức hội thảo, đánh giá chất lượng, tính ưu việt của các công trình chiến đấu, phòng thủ, bảo đảm an toàn cho bộ đội, nhân dân biên giới, trong đó có các sản phẩm của Đỗ Như Tráng.
“Những kiến thức và số liệu thu được cùng kinh nghiệm từ thực tế đã giúp tôi hoàn thành biên soạn nhiều tài liệu, giáo trình, góp phần cùng Khoa Công trình quân sự đào tạo kỹ sư ngành công trình quân sự; hướng dẫn các học viên thực tập, làm đồ án tốt nghiệp. Nhiều học viên ra trường về đơn vị đã vận dụng tốt kiến thức được học, sáng tạo trong nghiên cứu, xây dựng những công trình chiến đấu và phòng thủ phù hợp với địa hình, địa bàn, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo Tổ quốc”, Đại tá Đỗ Như Tráng cho biết.
Năm 1984, giảng viên Đỗ Như Tráng được cử đi Tiệp Khắc làm nghiên cứu sinh về xây dựng công trình đặc biệt tại Học viện Quân sự Brno (nay thuộc Đại học Quốc phòng, Cộng hòa Séc). Bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ), năm 1989, Thiếu tá Đỗ Như Tráng trở về nước, tiếp tục giảng dạy tại Khoa Công trình quân sự. Thời gian này, Tiến sĩ Nguyễn Thuận, Trưởng bộ môn Xây dựng công trình quốc phòng (sau này là Đại tá, Phó giáo sư, Phó chủ nhiệm Khoa Công trình quân sự) đang phối hợp với Quân chủng Hải quân chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học về kỹ thuật, công nghệ xây dựng các công trình trên biển, đảo. Tiến sĩ Đỗ Như Tráng được điều động tham gia các chương trình nghiên cứu này.
“Năm 1989, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân triển khai công trình nghiên cứu xây dựng cầu cảng Trường Sa phục vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển, hỗ trợ hàng hải, có mời các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội tham gia. Học viện Kỹ thuật Quân sự cử Tiến sĩ Nguyễn Thuận và tôi tham gia phối hợp với Quân chủng Hải quân nghiên cứu, triển khai xây dựng công trình. Quân chủng Hải quân giao Tiến sĩ Nguyễn Thuận là trưởng ban nghiên cứu, tôi là phó ban. Phải triển khai công việc trong điều kiện đặc thù, khó khăn về thời tiết, khí hậu, môi trường khắc nghiệt nhưng với lòng quyết tâm, chúng tôi không nản. Chúng tôi đã thành công trong nghiên cứu ứng dụng các giải pháp thi công, sản xuất vật liệu và thiết kế, chế tạo trang thiết bị phục vụ xây dựng công trình. Sau khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng, các hạng mục công trình đều có chất lượng tốt, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế biển”, Đại tá Đỗ Như Tráng cho biết.
Tôi hỏi: “Thường xuyên phải đi công tác xa nhà, nhất là việc nghiên cứu khảo sát, xây dựng các công trình trên biển, đảo dài ngày, Giáo sư có thể chia sẻ những khó khăn đã phải nỗ lực vượt qua và những kỷ niệm đáng nhớ?”.
Đại tá Đỗ Như Tráng thổ lộ: “Tôi xây dựng gia đình năm 1978, có hai con (một gái, một trai), song chủ yếu do vợ tôi chăm sóc, dạy dỗ. Những lần vợ tôi sinh hay con ốm, tôi đều không có mặt bên cạnh để động viên, giúp đỡ. Thập niên 1990, tôi đi công tác theo tàu hải quân ra Trường Sa, không có sóng điện thoại, chủ yếu là viết thư, mà 2-3 tháng tàu mới chuyển thư ra một lần nhưng vợ tôi luôn thông cảm, thường xuyên động viên, tạo điều kiện để tôi yên tâm công tác, nghiên cứu.
Còn về kỷ niệm trong tác nghiệp thì rất nhiều. Đó là năm 1989, lần đầu ra công tác Trường Sa, tôi đi với tàu vận tải của Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần). Trên hành trình, tàu gặp sự cố bị thủng khiến nước tràn vào khoang. Chúng tôi bình tĩnh hướng dẫn anh em xử lý, lấy xi măng, vật liệu sẵn có trên tàu để đổ bê tông bịt lỗ thủng. Một kỷ niệm khác, do thi công ở xa đất liền, chúng tôi phải đào giếng sâu, lấy nước lợ để làm sạch vật liệu. Mà cách thử độ mặn của nước lại bằng... chính lưỡi của mình!”.
|
|
Một góc cầu cảng Trường Sa. Ảnh: LÊ KHANH |
Tận tụy giảng dạy trên giảng đường và nghiên cứu khoa học, đào tạo các nhà khoa học trẻ, hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Đỗ Như Tráng được phong hàm Phó giáo sư năm 2001, Giáo sư năm 2007 và năm 2008 được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Năm 2016, Đại tá Đỗ Như Tráng nghỉ hưu, song ông không nghỉ làm việc. Hiện nay, ông là cán bộ hướng dẫn nghiên cứu sinh ở nhiều cơ sở đào tạo sau đại học; được Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải (Hà Nội) mời đến giảng dạy; làm tư vấn cho các công ty xây dựng trong và ngoài Quân đội...
“Hơn 40 năm phục vụ Quân đội, tôi luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bằng sự yêu nghề, dấn thân nghiên cứu khoa học - công nghệ, tôi đã trở thành chuyên gia lĩnh vực xây dựng công trình ngầm, được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Tôi tự hào đóng góp công sức của mình để xây dựng Quân đội, xây dựng các công trình phục vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, dân sinh...”, Đại tá Đỗ Như Tráng chia sẻ.
NGUYỄN CAO DƯƠNG AN