Sinh ra trong một gia đình nông dân theo đạo Thiên Chúa ở làng Tụy Anh, tổng Vân Trình (nay là Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An), cậu bé Trương Văn Thanh (tên khai sinh của Trương Vân Lĩnh) bộc lộ tố chất thông minh từ rất sớm nên mới 13 tuổi đã được gia đình gửi vào học ở Chủng viện Xã Đoài. Theo học được một thời gian, Trương Vân Lĩnh xin gia đình cho sang Nam Đàn học chữ Hán tại tư gia của một thầy đồ nổi tiếng trong vùng.

Tại đây, ông bắt đầu được tiếp xúc và thấm nhuần tư tưởng yêu nước của Phan Bội Châu cùng một số sĩ phu yêu nước ở Nghệ Tĩnh. Lòng yêu nước và chí hướng ra đi tìm đường góp sức giải phóng quê hương, đất nước lớn dần trong suy nghĩ và hành động của Trương Vân Lĩnh. Thế rồi được một số sĩ phu yêu nước giác ngộ, trực tiếp dẫn đường, ngày 5-2-1924, Trương Vân Lĩnh cùng nhóm của ông đã vượt biên qua Lào, rồi sang Xiêm (Thái Lan).

Trong thời gian ở Xiêm, thông qua các cuộc tiếp xúc với một số sĩ phu yêu nước, ý chí tìm đường cứu nước của Trương Vân Lĩnh càng được nung nấu và bồi đắp. Hòa mình sống và hoạt động trong ngôi nhà chung ở Trại Cày (cơ sở tập hợp các nhà yêu nước Việt Nam do Đặng Thúc Hứa lập ra ở Xiêm), Trương Vân Lĩnh càng hiểu một cách thấm thía rằng, đã là người Việt Nam thì dù là lương hay giáo, nếu mất nước đều chịu chung số kiếp nô lệ. Con đường duy nhất để thoát khỏi nó chỉ có thể là đoàn kết cùng nhau tìm cách vùng lên chống đế quốc, phong kiến, giành lại độc lập, tự do.

Nhận thấy sự thông minh và tố chất lãnh đạo ở con người này, tháng 2-1925, Đặng Thúc Hứa đã giới thiệu Trương Vân Lĩnh sang Quảng Châu (Trung Quốc) để có điều kiện học tập và phát triển. Đến Quảng Châu, Trương Vân Lĩnh hết sức vui mừng khi có dịp được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đồng hương Nghệ An cùng chí hướng đang hoạt động tại đây, trong đó có Lê Hồng Sơn-người bạn gần gũi và thân cận nhất. Chính Lê Hồng Sơn đã giới thiệu và bảo lãnh để Trương Vân Lĩnh gia nhập tổ chức Tâm Tâm xã. Cũng tại Quảng Châu, cơ may hiếm có đã đến với Trương Vân Lĩnh khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-người ông nghe danh đã lâu mà chưa có cơ hội gặp mặt.

Lần này, không chỉ được gặp mà Trương Vân Lĩnh còn được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục, rèn luyện, chỉ bảo và truyền thụ Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến trong tư tưởng của Trương Vân Lĩnh-từ một giáo dân yêu nước thuần túy thành một người cộng sản, nhà lãnh đạo cách mạng theo lập trường, quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhờ sự hướng dẫn và dìu dắt của Nguyễn Ái Quốc, Trương Vân Lĩnh được tuyển chọn tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và với sự hoạt động năng nổ của mình, ông nhanh chóng trở thành một trong những “hạt giống đỏ” của tổ chức này.

Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhận thấy ở Trương Vân Lĩnh không chỉ có lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết cách mạng cháy bỏng mà còn có tư chất của một nhà quân sự nên đã quyết định cử ông đi dự lớp huấn luyện quân sự ở Quế Lâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức. Kết thúc khóa huấn luyện, Trương Vân Lĩnh lại được cử đi học tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Theo A.I. Cherepanov, cố vấn Xô viết từng tham gia giảng dạy tại Trường Quân sự Hoàng Phố thì Trương Vân Lĩnh là một học viên “rất nghiêm chỉnh, cần cù, dốc hết sức học tập bởi cậu ta biết rằng để giành chính quyền về tay công-nông phải cầm lấy vũ khí chiến đấu và chỉ có tri thức quân sự mới giúp họ bảo vệ cách mạng khỏi thù trong, giặc ngoài” (A.I. Cherepanov, Hồi ký, Tạp chí Phụ nữ Liên Xô, số 2-1980, tr.7).

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trương Vân Lĩnh.

Sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, Trương Vân Lĩnh được Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phân công tham gia LLVT Quốc dân Đảng ở Quảng Châu, tạo vỏ bọc để chuyển tài liệu về nước. Ông trở thành người Việt Nam đầu tiên khoác áo sĩ quan Quốc dân Đảng để hoạt động nội gián. Khi Quốc dân Đảng trở thành phản động liền mở cuộc truy lùng ráo riết và khủng bố các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng các cố vấn Xô viết và những người Việt Nam yêu nước có chí hướng cộng sản, trong đó có Nguyễn Ái Quốc.

Là một sĩ quan nội gián nên Trương Vân Lĩnh nắm rất rõ ý đồ và kế hoạch lùng bắt Nguyễn Ái Quốc của Tưởng Giới Thạch. Ông đã tìm cách báo tin cho Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng rời khỏi Quảng Châu trước khi kế hoạch này được triển khai. Nhờ vậy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi cuộc vây bắt của Quốc dân Đảng.

Không bắt được Nguyễn Ái Quốc, Tưởng Giới Thạch tức tối cho quân bao vây trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và bắt đi một số nhà cách mạng Việt Nam đang có mặt tại đây. Để bảo vệ những hạt nhân của Tổng bộ và cứu các đồng chí của mình thoát khỏi nanh vuốt của Quốc dân Đảng, Trương Vân Lĩnh đã viết thư kháng nghị gửi nhà đương cục Quảng Châu yêu cầu thả những người Việt Nam bị bắt vì “họ hoạt động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, không liên quan gì đến Trung Quốc”. Trong thời gian phần lớn thành viên của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị bắt, Trương Vân Lĩnh vẫn tìm mọi cách cố gắng duy trì hoạt động và tầm ảnh hưởng của Tổng bộ, trong đó có việc tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện cho số thanh niên yêu nước từ trong nước vừa mới sang.

Sau cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, theo yêu cầu của tổ chức, Trương Vân Lĩnh tiếp tục theo học tại trường sĩ quan cấp cao của Quốc dân Đảng. Ra trường, ông được điều về Nam Kinh chỉ huy một đơn vị dưới trướng của tướng Trương Phát Khuê. Tại đây, với nhãn quan quân sự sắc sảo, nhạy bén cùng kinh nghiệm dày dạn trong hoạt động nội gián, Trương Vân Lĩnh đã phá được nhiều kế hoạch tiến công của quân Quốc dân Đảng, góp phần bảo vệ thực lực cách mạng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 1929, Trương Vân Lĩnh quyết định rời khỏi quân đội Quốc dân Đảng và bí mật trốn sang Xiêm để mong tìm gặp và xin chỉ thị từ Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, khi ông tới Xiêm thì Nguyễn Ái Quốc vừa rời khỏi đây trở về Hương Cảng để chuẩn bị cho việc thống nhất các tổ chức cách mạng Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản. Không nản chí, Trương Vân Lĩnh tiếp tục quay trở lại Trung Quốc và được gặp lại Nguyễn Ái Quốc. Từ một sĩ quan Quốc dân Đảng, Trương Vân Lĩnh trở thành một đảng viên cộng sản và rồi nhanh chóng trở thành một trong những yếu nhân của Đảng, được phân công dịch tài liệu và tìm cách chuyển nó cùng các sách báo bí mật khác về nước.

Ông đã móc nối, gây dựng được khá nhiều cơ sở trong đội ngũ thủy thủ người Việt trên các con tàu buôn của Pháp chuyên chạy tuyến Hương Cảng-Sài Gòn-Băng Cốc. Mọi việc trong hệ thống đường dây liên lạc này đang vận hành trôi chảy thì Trương Vân Lĩnh bị cảnh sát Anh bắt tại Hương Cảng theo yêu cầu của nhà đương cục Pháp tại Đông Dương. Sau một thời gian giam giữ, do không có đủ chứng cứ để kết tội, chúng buộc phải thả ông và ra quyết định trục xuất ông khỏi Hồng Công ngay lập tức. Tuy nhiên, Trương Vân Lĩnh đã bỏ trốn, tìm cách tiếp tục hoạt động và lại bị bắt. Ông bị giam gần một năm tại nhà lao Quảng Đông.

Vừa ra tù, Trương Vân Lĩnh lặn lội đến Nam Ninh tìm cách bắt liên lạc với tổ chức để tiếp tục được hoạt động. Tại đây, ông đã được người đồng hương Hồ Học Lãm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để móc nối với tổ chức và hoạt động. Tháng 1-1932, trên đường đến Thượng Hải để đáp tàu sang Nhật, Trương Vân Lĩnh một lần nữa lại bị cảnh sát Thượng Hải bắt giam và bị đưa về Nhà tù Hỏa Lò theo yêu cầu của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương.

Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến dùng cực hình tra tấn dã man hòng moi thông tin từ Trương Vân Lĩnh về những cơ sở cách mạng ở trong và ngoài nước nhưng đều thất bại. Không thể khuất phục được con người này, chúng đưa Trương Vân Lĩnh về Vinh xét xử với bản án khổ sai chung thân. Ông lần lượt bị đưa đi và nếm trải “mùi vị” của các nhà lao Buôn Ma Thuột, Đắk Mil... Tháng 12-1942, ông vượt ngục và trở về Nghệ An hoạt động rồi sau đó ra Bắc bắt liên lạc với Trung ương Đảng.

Tháng 9-1944, ông được Ban Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cùng với Nguyễn Tạo thành lập trường quân chính để đào tạo cán bộ quân sự cho Xứ ủy Bắc Kỳ. Trên cương vị này, Trương Vân Lĩnh đã cùng Ban giám hiệu tập trung biên soạn tài liệu để đào tạo đội ngũ cán bộ trung đội. Với vốn kiến thức tích lũy được từ lúc ở nước ngoài, ông trực tiếp giảng dạy cả phần lý luận chính trị, công tác chính trị và cả kỹ thuật, chiến thuật. Ông chủ trương “đào tạo cán bộ đủ năng lực chỉ huy trung đội thì chương trình huấn luyện cần có một phần quân sự, một phần công tác chính trị”.

Về phương pháp huấn luyện, theo ông “phải luyện tập ở trường, tập ngoài đồng, ban đêm; kết hợp lên lớp với nghiên cứu bàn cát, bản đồ, dẫn chứng trận đánh” (Lịch sử Trường Sĩ quan Lục quân 1 (1945-2005), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H.2005, tr.29-31). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trường được đổi tên thành Trường Quân chính Việt Nam. Chiểu theo đề nghị của Ban Quân sự toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Trương Vân Lĩnh làm Giám đốc. Dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của ông, nhà trường đã đào tạo được nhiều cán bộ quân sự có bản lĩnh và tài năng, kịp thời đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng. Nhiều học viên vừa tốt nghiệp đã lập tức được bổ sung cho các chi đội Nam tiến. Nhiều học trò của ông về sau trở thành những tướng lĩnh tài ba của Quân đội.

Giữa lúc lo toan và bộn bề công việc xây dựng nhà trường, bao dự định còn dang dở thì ngày 23-11-1945, Giám đốc Trương Vân Lĩnh đột ngột từ trần. Đây thực sự là một tổn thất lớn của Quân đội ta trong buổi đầu xây dựng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là tấm gương sáng cho sự bền bỉ vì một nền lý luận quân sự Việt Nam. Có thể nói, Trương Vân Lĩnh là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho công tác nhà trường của Quân đội nhân dân Việt Nam.

TRẦN VĨNH THÀNH