Tiếp cận với lý luận quân sự tiến bộ

 

Tháng 10-1926, đồng chí Nguyễn Vĩ, khi đó đổi tên là Phùng Chí Kiên, với nghĩa là “sự tương phùng hội ngộ, sự gặp gỡ giữa chí khí và lòng kiên trung”, đến Quảng Châu. Ông được tổ chức chọn vào học lớp huấn luyện chính trị đầu tiên dành cho những hội viên ưu tú của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở. Quá trình học tập, nhận thấy tố chất nổi trội, tiếp thu nhanh kiến thức khoa học quân sự và để chuẩn bị cho sự ra đời của LLVT cách mạng sau này, kết thúc khóa học, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử Phùng Chí Kiên vào học Trường Quân sự Hoàng Phố của Trung Hoa Dân quốc. Tại trường, ông đã học tập, nghiên cứu, tiếp cận lý luận, tư duy quân sự tiến bộ của cách mạng Trung Quốc bấy giờ. Ông chăm chú nghiên cứu về các chuyên ngành quân sự lục quân, pháo binh, quân giới, thông tin liên lạc, mật mã, hậu cần... Ông thường xuyên tìm hiểu từ các giảng viên của Trung Hoa Dân quốc, giảng viên đến từ Liên Xô được mời về trường giảng dạy. Qua đó, ông tiếp cận với những lý luận quân sự cách mạng Xô-viết. Trường Quân sự Hoàng Phố đã nhận xét về học viên khóa V của trường (trong đó có Phùng Chí Kiên): "Rất nghiêm chỉnh, cần cù lao động, dốc hết sức để học tập, bởi vì họ biết rằng để giành chính quyền về tay công nông, phải cầm lấy vũ khí chiến đấu và chỉ có tri thức quân sự mới giúp họ bảo vệ cách mạng khỏi thù trong, giặc ngoài" (1).

leftcenterrightdel

Đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh tư liệu 

Năm 1927, do Tưởng Giới Thạch phản bội, Trường Quân sự Hoàng Phố bị đóng cửa. Đồng chí Phùng Chí Kiên tham gia các hoạt động do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Tháng 12-1929, Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia nhập Hồng quân và thời gian sau được tín nhiệm và bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, Quân đoàn 2, Hồng quân Đông Giang. Trên cương vị chỉ huy trung đoàn, những lý luận quân sự ông tiếp thu tại Trường Quân sự Hoàng Phố được vận dụng và phát triển, đồng thời tích lũy kinh nghiệm qua thực tế huấn luyện và tác chiến. Ông nổi danh là người chỉ huy quân sự tinh tế, nhạy bén, ứng phó linh hoạt khi xử trí các tình huống chiến đấu.

Tháng 12-1930, Phùng Chí Kiên được Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập về Hồng Kông. Tại đây, ông gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Nguyễn Ái Quốc truyền đạt những chủ trương, đường lối mới của Đảng. Những ngày ở Hồng Kông, Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông nghiên cứu các văn kiện của Đảng và nhận thức rằng việc xây dựng LLVT cách mạng là tất yếu. Cụ thể, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 2-1930) của Đảng, nêu rõ: “Đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, xây dựng chính phủ công-nông-binh, tổ chức ra quân đội công-nông". Luận cương tháng 10-1930 của Đảng cũng khẳng định: “Võ trang bạo động không phải là một việc thường, chẳng những là theo hình thế trực tiếp cách mạng, mà lại phải theo khuôn phép nhà binh”. Về quân sự: “Mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động. Vậy ngay từ bây giờ Đảng phải tổ chức bộ quân sự của Đảng để làm cho đảng viên được quân sự huấn luyện; giúp cho công nông hội tổ chức đội tự vệ”.

 

Đầu năm 1931, Phùng Chí Kiên tiếp tục được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản ở Liên Xô. Tại đây, ngoài nghiên cứu, học tập lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, ông còn chú tâm nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hồng quân và LLVT cách mạng Xô-viết trong đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của nhân dân Liên Xô. Cũng trong thời gian học tập ở Trường Đại học Phương Đông, ông được đào tạo một khóa đặc biệt về mật mã quân sự và sử dụng vô tuyến điện. Các giảng viên Trường Đại học Phương Đông nhận xét: "Qua học tập và rèn luyện, đồng chí Phùng Chí Kiên tỏ rõ là người có năng lực về quân sự" và được đánh giá "là một thanh niên có đầu óc quân sự và kỹ thuật..." (2).

 

Năm 1934, đồng chí Phùng Chí Kiên về Ma Cao, Trung Quốc và tham gia Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tháng 3-1935, ông dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao. Đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định vào Ban Thường vụ của Đảng. Tại đại hội, ông cùng các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình cách mạng Việt Nam, về cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, về đường lối cách mạng, trong đó có việc xây dựng LLVT cách mạng. Ngày 28-3-1935, Đảng ta đã ra “Nghị quyết về đội tự vệ”. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. Nghị quyết về đội tự vệ nêu rõ: “Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động”. Nghị quyết về đội tự vệ ra đời có sự đóng góp thảo luận, xây dựng của đồng chí Phùng Chí Kiên, đại biểu dự đại hội. Có thể nói, Nghị quyết về đội tự vệ là khởi đầu của tư tưởng vũ trang toàn dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân với phong trào toàn dân đánh giặc.

 

Phát triển tư duy quân sự và vận dụng cụ thể

 

Ngày 28-1-1941, Phùng Chí Kiên theo Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941), đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công phụ trách công tác quân sự của Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai và Đội Cứu quốc quân. Trong thời gian ở Cao Bằng, Phùng Chí Kiên được hoạt động bên cạnh Nguyễn Ái Quốc, được Nguyễn Ái Quốc giao soạn thảo các bài viết về "Con đường giải phóng dân tộc", trong đó có nội dung về đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, chiến thuật chiến tranh du kích. Đó là các bài: Về công tác chủ yếu, hướng dẫn học viên cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đưa quần chúng ra đấu tranh; vấn đề khởi nghĩa, trong đó có hai nội dung chính là đánh du kích và khởi nghĩa. Đồng thời, ông cùng với các đồng chí của Đảng tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho các địa phương ở Cao Bằng, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi.

 

Cũng trong thời gian ở Cao Bằng, tài năng và tư duy quân sự sắc sảo của Phùng Chí Kiên được bộc lộ rõ nhất. Khi được Đảng giao phụ trách công tác quân sự, ông bắt tay ngay vào việc củng cố, xây dựng các cơ sở cách mạng, tổ chức đảng, đoàn thể. Đối với khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai, đây là khu căn cứ hình thành từ cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn và Ðội Cứu quốc quân, một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, do ông làm chỉ huy trưởng, ông đã đem những kiến thức quân sự được học tập tại Trung Quốc và Liên Xô truyền đạt cho toàn đội, tự vệ, hội viên cứu quốc và tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng, góp phần làm cho phong trào cách mạng ở vùng căn cứ Bắc Sơn phát triển. Quá trình xây dựng, ông cùng các đồng chí trong Đảng và Đội Cứu quốc quân tổ chức họp bàn, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, củng cố khu căn cứ; đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động, củng cố lực lượng, phát triển phong trào cách mạng, sẵn sàng chống địch khủng bố. Dưới sự chỉ huy của ông, Đội Cứu quốc quân tổ chức đánh các đồn lẻ của địch, gây cho địch nhiều thiệt hại, thu nhiều vũ khí.

 

Một trong những bài học lớn nhất và có giá trị nhất được ông vận dụng sáng tạo vào công việc lúc bấy giờ trên cương vị Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân là dựa vào dân, bám trụ vào dân, có dân là có tất cả. Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, Phùng Chí Kiên còn truyền đạt những kiến thức cơ bản về quân sự, nhất là chiến thuật du kích cho các cán bộ của Đảng, để khi trở về địa phương, những cán bộ này làm nòng cốt phổ biến cho tự vệ và quần chúng cách mạng. Để tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền cách mạng thành công, ông cho rằng phải có LLVT cách mạng và có cơ sở, căn cứ cách mạng, hậu phương vững chắc.

 

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở Bắc Sơn, thực dân Pháp tăng cường lực lượng mật thám và bọn tay sai phản động theo dõi hòng đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Khoảng cuối tháng 6-1941, chúng huy động hơn 4.000 quân cùng với bọn tay sai, phản động ở các địa phương mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Bắc Sơn nhằm tiêu diệt lực lượng cứu quốc quân non trẻ của ta. Các cơ sở bí mật của Trung ương Đảng và cứu quốc quân bị uy hiếp, tình thế rất nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Phùng Chí Kiên đã vận dụng tốt những quan điểm cơ bản về kháng chiến toàn dân, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nguyên tắc tác chiến du kích để bảo vệ an toàn cho cán bộ của Đảng. Tuy nhiên, do lực lượng địch quá mạnh, LLVT ở căn cứ và Đội Cứu quốc quân còn mỏng nên để bảo toàn lực lượng, đồng chí Phùng Chí Kiên quyết định cho lực lượng cứu quốc quân bảo vệ các đồng chí cán bộ của Đảng và rút ra khỏi Bắc Sơn. Ngày 21-8-1941, trong trận giáp chiến với quân địch, Đội trưởng Cứu quốc quân Phùng Chí Kiên đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và bị địch bắt. Hôm sau (22-8), chúng chặt đầu ông. Phùng Chí Kiên hy sinh khi vừa tròn 40 tuổi.

 

Phùng Chí Kiên sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông hy sinh song đã để lại những giá trị lớn không chỉ về lý luận và thực tiễn phong trào cách mạng mà còn là những tư duy lý luận quân sự. Đó là giá trị lý luận về xây dựng tổ chức LLVT cách mạng, về quân đội, dân quân, tự vệ; về xây dựng căn cứ địa trong tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc... Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thư gửi Hội thảo khoa học “Phùng Chí Kiên, người cộng sản mẫu mực, kiên trung, nhà chính trị-quân sự song toàn” tổ chức tại Hà Nội năm 2008, đánh giá: "Đồng chí Phùng Chí Kiên là một cán bộ có đức độ và tài năng cả về chính trị và quân sự, được đào tạo cơ bản, nhạy bén phát hiện tình hình...”. Những tư duy lý luận quân sự của ông đã góp phần làm cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, phát triển đường lối quân sự của đảng, trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong tình hình mới.

 

(1), (2) Theo đề cương tuyên truyền 120 năm Ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên của Ban Tuyên giáo Trung ương

 

THIỀU VIỆT HƯNG